Việc công nhận bảo vật quốc gia đối với tượng Uma Dương Lệ hết sức có ý nghĩa, khẳng định giá trị to lớn của một trong những cổ vật quý hiếm mang phong cách Chăm pa ở Quảng Trị.
Tượng Uma Dương Lệ được tìm thấy tại Cồn Giàng (làng Dương Lệ, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong).
Tượng có chiều cao 67cm, rộng vai 25cm, rộng gối 43cm, bệ cao 6cm. Đây là một tượng tròn được tạc ở tư thế nữ thần đang tọa trên bệ đài. Hai chân đặt chéo lên nhau, hai tay đặt trên hai bắp đùi trong tư thế thiền định.
Pho tượng được tạc bằng đá sa thạch. Bằng nghệ thuật tạo tác đá tinh vi, các nghệ nhân đã làm nên một pho tượng tuyệt đẹp.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, đây là hiện vật thuộc phong cách nghệ thuật Trà Kiệu, niên đại khoảng cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X, ở vào giai đoạn giữa trong tiến trình nghệ thuật Chămpa ở Quảng Trị.
Trong số hơn 2.200 di vật, cổ vật Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đang lưu giữ, có một số cổ vật tiêu biểu mang giá trị độc bản quý hiếm. Trong số này, tỉnh Quảng Trị đã chọn ra 10 cổ vật tiêu biểu đề nghị công nhận là bảo vật Quốc gia, có niên đại hàng ngàn năm, “có một không hai”, mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của các thời kỳ. Đáng chú ý, các cổ vật như: trống đồng An Khê và Trà Lộc, Tượng bò thần Nadin Kim Đâu, phù điêu Lá Nhĩ (tympan) Trà Liên 1 và Trà Liên 2…
Trước đó, 2 bức phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1 và Trà Liên 2 đã được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là 2 hiện vật mang phong cách nghệ thuật Chăm Pa nửa cuối thế kỷ IX được tìm thấy tại làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Tác giả: Đ. Đức
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn