"Chữa lành nỗi đau" được Tác giả Louise L. Hay viết nên từ chính những câu chuyện trong cuộc sống bà đã trải qua. Chữa lành nỗi đau là một trong những tác phẩm bán chạy nhất, được đưa vào danh sách Bestseller của New York Times và được chuyển thể thành bộ phim có cùng nhan đề, kể về cuộc đời của L. Hay.
Tuổi thơ bị lạm dụng
“Bạn có thể kể cho tôi nghe một chút về tuổi thơ của bạn không? Thật ngắn gọn thôi”, đây là câu hỏi tôi vẫn thường hỏi rất nhiều bệnh nhân của mình. Không phải tôi cần nghe toàn bộ chi tiết, tôi chỉ muốn có một cái nhìn tổng quan xem họ từ đâu đến. Nếu hiện tại họ có bất cứ vấn đề nào, có thể đó là vì họ phải đi theo một lối tư duy hay niềm tin nào đó từ rất lâu rồi.
Bố mẹ tôi ly hôn khi tôi mới được 18 tháng tuổi. Tôi còn quá nhỏ để nhớ đến những điều tồi tệ khi đó. Tôi chỉ nhớ cảm giác sợ hãi khi mẹ tôi làm công việc giúp việc nhà và phải gửi tôi ở một nhà khác. Nghe kể rằng tôi đã khóc không ngừng trong suốt ba tuần. Người chăm sóc tôi không chịu nổi và mẹ tôi buộc phải đưa tôi về lại và đưa ra vài thỏa thuận. Tuy hôm nay tôi cảm thấy vô cùng cảm phục việc bà trở thành một người mẹ đơn thân như thế nào nhưng ngày đó, tất cả những gì tôi biết và quan tâm đó là tôi không hề nhận được tình yêu thương và sự chú ý.
Tôi chưa bao giờ xác định được mẹ tôi thật sự yêu thương cha dượng hay bà cưới ông chỉ vì muốn mang lại một mái nhà cho chúng tôi. Nhưng đó không phải là một quyết định đúng đắn. Người đàn ông này lớn lên tại châu Âu, trong một gia đình người Đức gia trưởng và bạo lực. Ông ấy chưa từng được học cách làm chủ một gia đình. Mẹ mang thai em gái tôi, rồi cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 ập xuống đầu chúng tôi, chúng tôi thấy mình bị mắc kẹt trong ngôi nhà đầy bạo lực. Khi ấy, tôi chỉ mới năm tuổi.
Tiếp tục câu chuyện, cũng khoảng thời gian đó, một ông già hàng xóm nghiện rượu, như tôi nhớ được, đã cưỡng bức tôi. Trong đầu tôi vẫn nhớ rõ ràng hình ảnh lúc đó, khi bác sĩ kiểm tra tôi, cũng như lúc tôi ra tòa với tư cách là nhân chứng chính. Ông ta bị kết án 15 năm tù và đay nghiến tôi liên tục: “Tất cả là lỗi của mày”. Vì vậy, tôi trải qua nhiều năm sống trong nỗi sợ hãi. Tôi sợ có một ngày ông ta được thả ra, ông ta sẽ đến tìm tôi trả thù vì đã khiến ông ta phải vào tù.
Gần như cả tuổi thơ tôi phải chịu đựng sự lạm dụng cả thể chất và tình dục, với rất nhiều công việc vất vả nặng nhọc. Hình ảnh bản thân của tôi ngày một tệ và tệ hơn, và có nhiều thứ dường như cứ nhắm vào tôi. Tôi bắt đầu thể hiện những gì tôi nhận được ra thế giới bên ngoài.
Sinh con ở tuổi 16
Năm 15 tuổi, tôi không thể chịu đựng sự lạm dụng tình dục thêm nữa, tôi bỏ học và trốn chạy khỏi ngôi nhà đó. Công việc phục vụ mà tôi tìm được tại một quán ăn nhỏ dễ dàng hơn rất nhiều so với những công việc nặng nhọc tôi phải làm ở nhà. Vì thiếu thốn tình thương và sự quan tâm, thậm chí không có lòng tự trọng, tôi sẵn sàng trao thân mình cho bất cứ ai tốt với tôi. Và không lâu sau sinh nhật 16 tuổi, tôi sinh một bé gái. Tôi cảm thấy mình không thể nuôi con bé nhưng tôi có thể tìm cho nó một mái ấm. Tôi tìm thấy một cặp vợ chồng hiếm muộn đang rất mong mỏi có được một đứa con. Tôi sống ở nhà họ suốt bốn tháng cuối thai kỳ và khi đến bệnh viện, tôi đặt tên đứa nhỏ theo họ của họ.
Vì sinh con trong tình huống như vậy, nên tôi chưa từng cảm nhận được niềm hạnh phúc của tình mẫu tử, chỉ cảm thấy mất mát, tội lỗi và xấu hổ. Tôi chỉ hy vọng mình vượt qua giai đoạn đáng xấu hổ này càng sớm càng tốt. Điều duy nhất về con bé mà tôi còn nhớ là những ngón chân bụ bẫm khác thường rất giống tôi. Nếu sau này gặp lại, tôi chắc chắn sẽ nhận ra khi thấy những ngón chân của con bé. Tôi bỏ đi khi con bé mới năm ngày tuổi.
Tôi lập tức trở về nhà và nói với mẹ tôi, bà vẫn đang là một nạn nhân trong ngôi nhà đó: “Làm ơn đi mẹ, mẹ không cần phải chịu đựng thêm nữa. Con sẽ đưa mẹ rời khỏi ngôi nhà này”. Bà đi với tôi, để lại cô em gái 10 tuổi cho cha nó. Dù sao con bé vẫn luôn là “cục cưng của ba”.
Sau khi giúp mẹ có một công việc dọn dẹp tại một khách sạn nhỏ và sắp xếp cho bà một căn hộ để bà cảm thấy tự do và thoải mái, tôi cảm thấy nghĩa vụ của mình đến đây là kết thúc. Tôi cùng một cô bạn đến Chicago với ý định ở lại đó một tháng, nhưng tôi đã không quay lại suốt hơn 30 năm.
Trở lại quãng thời gian đó, những bạo hành mà tôi phải nếm trải từ khi còn là một đứa trẻ, cộng với cảm giác về sự vô giá trị của mình, cuộc đời tôi phát triển theo đúng hướng như vậy, những người đàn ông bước vào cuộc đời tôi đều đối xử tệ bạc và thường dùng vũ lực với tôi. Tôi có thể căm thù bọn đàn ông cả đời hoặc tiếp tục trải qua những cảm xúc kinh khủng đó, nhưng dần dần, qua những trải nghiệm công việc tích cực, lòng tự trọng của tôi mạnh mẽ hơn, và những người đàn ông đó bắt đầu rời khỏi cuộc đời tôi. Tôi không còn khăng khăng trong vô thức rằng mình vô giá trị, mình đáng bị lạm dụng nữa. Tôi không tha lỗi cho những hành động của họ nhưng nếu đây không phải là định mệnh của tôi, thì những người như vậy không có lý do gì xuất hiện trong cuộc đời tôi nữa. Bây giờ, tôi không nghĩ rằng còn một người đàn ông bạo hành phụ nữ nào tồn tại trên đời. Tôi có niềm tin như vậy, nên những người xấu xa không còn bước vào cuộc đời tôi nữa.
Trở thành người mẫu và học cách tự chữa lành nỗi đau
Sau một vài năm ở Chicago làm công việc phục vụ, tôi đến NewYork và may mắn trở thành một người mẫu. Tuy nhiên, ngay cả công việc làm người mẫu cho những nhà thiết kế tên tuổi cũng không giúp tôi tự đánh giá bản thân mình cao hơn. Nó chỉ giúp tôi nhìn ra bản thân mình sai ở đâu. Tôi cũng không dám công nhận vẻ đẹp thật sự của mình.
Tôi làm việc trong ngành công nghiệp thời trang nhiều năm. Tôi đã gặp và cưới một quý ông người Anh tuyệt vời, có trình độ cao. Chúng tôi du lịch vòng quanh thế giới, gặp gỡ những người trong hoàng gia, và thậm chí còn ăn tối tại Nhà Trắng nữa. Mặc dù là một người mẫu có một người chồng hoàn hảo, tôi vẫn không thể cảm thấy tự hào về bản thân cho đến khi tôi bắt đầu công việc về cuộc sống tinh thần.
Một ngày nọ, sau 14 năm kết hôn, chồng tôi thông báo rằng ông muốn cưới người khác, ngay lúc đó tôi bắt đầu tin rằng những điều tuyệt vời không thể kéo dài mãi. Phải, tôi cảm thấy sụp đổ. Nhưng thời gian trôi qua cũng giúp làm nguôi ngoai nỗi đau. Tôi có thể thấy cuộc sống của mình thay đổi, và vào một mùa xuân nọ, có một người nghiên cứu Thần số học nói với tôi sẽ có một sự kiện nhỏ xảy ra vào mùa xuân có thể làm thay đổi cuộc đời tôi.
Sự kiện đó quá nhỏ nên tôi không màng để ý đến cho tới vài tháng sau. Tình cờ, tôi đến một cuộc họp tại nhà thờ Khoa học Tôn giáo (Religious Science) ở thành phố New York. Dù những thông điệp họ mang đến vẫn còn mới mẻ với tôi, nhưng có gì đó trong tôi bảo rằng: “Phải chú ý lắng nghe” và tôi làm theo đúng như vậy. Tôi không chỉ đến các buổi mục vụ thứ bảy mà còn đều đặn tham gia các lớp học hàng tuần. Thế giới thời trang và sắc đẹp không còn chút hấp dẫn nào đối với tôi. Tôi đã chú trọng đến các số đo cơ thể hay hình dáng lông mày biết bao nhiêu năm trời rồi? Từ một người bỏ ngang khi học cấp 3, không có chút trình độ, tôi trở thành một học viên ham học đến lạ kỳ, luôn sẵn sàng hí hoáy nghiên cứu bất cứ thứ gì có liên quan đến siêu hình học và sự xoa dịu tinh thần. Nhà thờ Khoa học Tôn giáo trở thành ngôi nhà mới của tôi. Đó là một nơi hoàn hảo cho tôi vào thời điểm đó.
“Chữa lành nỗi đau” được Tác giả Louise L. Hay viết ra từ chính nỗi đau của cuộc đời bà. Từ một cô bé lên năm bị lạm dục tình dục rồi luôn bị ám ảnh vì sợ người đã hãm hại mình sẽ có ngày ra tù tìm đến trả thù. Lên tuổi 16 sinh con và trao con cho một gia đình hiếm muộn với cảm giác tội lỗi.
Sau một vài năm ở Chicago làm công việc phục vụ, Louise L. Hay đến New York và bà trở thành người mẫu nỗi tiếng rồi kết hôn với người chồng triệu phú. Nhưng sống trong giàu sang bà cũng vẫn không quên được quá khứ, vẫn bị ám ảnh vì mình chỉ là một cô bé bị lạm dụng từ nhỏ. Cuộc hôn nhân những tưởng hạnh phúc sau 14 năm chồng bà tuyên bố kết hôn với người khác. Bà lại trở về với cuộc sống lang thang như nhiều năm trước. Mãi lúc này bà bắt đầu tin rằng những điều tuyệt vời không thể kéo dài mãi.
Một ngày bước chân của bà đừng trước cửa nhà thờ Khoa học Tôn giáo, ở đây bà đã tìm ra chân lý cuộc đời mình và chữa lành được nỗi đau trong tâm hồn. “Chữa lành nỗi đau” như một món quà trao cho bạn - những người đang có trong mình nỗi đau – hãy tự vượt qua bằng những suy nghĩ và việc làm tích cực.
Sách do First News thực hiện.
Trích sách "Chữa lành nỗi đau"
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn