Tranh thật - tranh giả: Nhiễu loạn và hoang mang

Thứ ba - 08/08/2017 04:47
Vừa qua, câu chuyện về tranh thật – tranh giả lại một lần nữa “hâm nóng” giới mỹ thuật và truyền thông. Cho đến bây giờ, câu chuyện này vẫn đang khiến nhiều người yêu mỹ thuật trong nước cảm thấy nhiễu loạn và hoang mang.

Tranh “phố Phái” xịn không dưới 40.00 - 50.000 USD

Tranh thật - tranh giả trong thị trường mỹ thuật Việt Nam từng được họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam ví như một vấn nạn đang có nguy cơ thành “quốc nạn”. Theo họa sĩ này, câu chuyện “vàng thau lẫn lộn” thực sự làm nhói lòng giới lòng các họa sĩ chân chính của Việt Nam.

Mới đây, vấn đề tranh thật - tranh giả lại tiếp tục “hâm nóng” nhiều diễn đàn và phương tiện truyền thông khi bức tranh mang tên “Phố cũ” được cho của cố danh họa Bùi Xuân Phái được bán mức 12.500 USD tại một phiên đấu giá ở Hà Nội bị họa sĩ Bùi Thanh Phương (con trai cố danh họa Bùi Xuân Phái) cho là tranh chép lại.

Năm 2016, câu chuyện tranh thật – tranh giả cũng được đưa ra bàn cãi rất nhiều khi họa sĩ Thành Chương vô tình phát hiện bức tranh của mình có mặt trong một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM nhưng lại được gắn với tên của họa sĩ Tạ Tỵ, vẽ vào năm 1952.

Nhà sưu tập Nguyễn Minh cho rằng, nước nào trên thế giới cũng tồn tại “vấn nạn” tranh thật – tranh giả. Tuy nhiên, thế giới có luật để quản lý vấn đề tranh giả - tranh thật chứ không như Việt Nam mọi thứ rất hỗn loạn. Và chính điều này khiến cho thị trường trở nên nhiễu loạn và người chơi tranh cũng rất hoang mang.

Tranh thật - tranh giả: Nhiễu loạn và hoang mang
Bức tranh "Phố cũ" được cho là của danh họa Bùi Xuân Phái vừa được đấu giá với giá 12.500 USD tại một phiên đấu giá ở Hà Nội. Ảnh: TTVH.

“Là một người sưu tầm tranh nhiều năm nên với tôi, bất kỳ tác phẩm mỹ thuật nào cũng có những dấu hiệu để phân biệt. Kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy, đầu tiên phải xem xét về chất liệu vải có đúng thời kỳ các cụ vẽ bức tranh này hay không. Nhiều nước trên thế giới họ có máy cacbon C14 để xác định tuổi của loại vải toan hoặc vải bố dùng làm nguyên liệu vẽ. Nhưng quá trình xác định này rất tốn kém. Việt Nam chúng ta chưa ai đủ lực mua được những chiếc máy cacbon C14 này. Tiếp theo là phải xem kỹ độ phong hóa của bức tranh sau một thời gian tồn tại.

Bên cạnh đó, với các danh họa bậc thầy, bất kỳ danh họa nào cũng có một phong cách riêng mà nếu có chuyên môn hoặc am hiểu, khi nhìn vào sẽ nhận ra ngay.

Với những bức tranh sao chép, nét contour (nét vẽ) sẽ không bao giờ mềm cả mà rất cứng, chúng tôi gọi là nét vẽ vô hồn, còn tranh của các cụ vẽ thật thì sẽ rất có hồn.

Một điều nữa đó là phải tỉnh táo khi nghe giới thiệu về nguồn gốc của bức tranh. Những bức tranh thật thường nằm ở những gia đình có điều kiện của các thành phố lớn chứ không thể ở nông thôn được. Tranh của cụ Gia Trí, Nam Sơn, Nguyễn Tường Lân… không bao giờ có ở các nhà bình dân được mà chỉ có thể có ở nhà gia đình có điều kiện và cũng rất am tường về văn hoá. Ngày xưa ở Hà Nội có gia đình bác sĩ Vân, nhà sưu tập tranh Đức Minh hay cụ Tham Ý. Bây giờ về Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hoá… tìm kiếm sẽ không bao giờ mua được tranh thật cả. Tranh thật chỉ có ở Hà Nội và TP.HCM mới có.

Và quan trọng là một bức tranh thật, khi đưa ra triển lãm hoặc đấu giá, nếu 10 người có chuyên môn đến xem không ai phản biện hoặc 8 – 9 người thừa nhận đó là tranh thật thì đó mới là tranh thật”, nhà sưu tập Nguyễn Minh nói.

Theo nhà sưu tập này, trên thị trường hiện nay, nếu tranh vẽ phố của danh họa Bùi Xuân Phái được nhiều người có chuyên môn công nhận là tranh thật như bức tranh "Phố cũ" trong đợt đấu giá cuối tháng 7 vừa qua sẽ không có giá dưới 40.000 đến 50.000 USD. Và nếu có thì những nhà sưu tập tranh chuyên nghiệp như ông cũng đã mua hết rồi.

Nhà sưu tập Nguyễn Minh cho rằng, nếu thực sự đam mê hội họa những người chơi nên tỉnh táo. Nếu có mua tranh, nên mua ở những nơi đáng tin, có bảo hành, rõ nguồn gốc xuất xứ và không nên ham rẻ.

Chưa có người biết thẩm định tranh bài bản

Chia sẻ với , họa sĩ Nguyễn Xuân Đông - nguyên Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. HCM từng cho rằng, hiện nay, tranh giả và tranh thật ở Việt Nam còn tồn tại rất nhiều vấn đề, kể cả trong bảo tàng lẫn ở các nhà sưu tập. Chỉ những các nhà nghiên cứu, nhà phê bình, họa sĩ hoặc người xem mới có thể phát hiện ra.

Tuy nhiên, những việc lùm xùm liên quan đến vấn đề tranh thật – tranh giả như vừa qua cũng đã nói lên việc thẩm định tác phẩm hội họa ở Việt Nam còn non kém, không được chỉn chu và kỹ càng. Và đã đến lúc các cơ quan chức năng về mỹ thuật phải rà soát lại tất cả các vấn đề liên quan để có những quy định cụ thể chứ không thể buông lỏng được.

Tương tự, nhà phê bình mỹ thuật Đỗ Bảo cũng cho rằng, ở Việt Nam không có người thẩm định tranh bài bản. Tuy nhiên, chưa có ai học bài bản về thẩm định tranh nhưng cũng không có nghĩa là học mới biết được. Những người muốn đi sâu vào lĩnh vực thẩm định tranh cần phải học nhiều. Ngoài những kiến thức về hội họa còn đòi hỏi về kiến thức vật lí, hóa chất, lịch sử…

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng cho biết, việc để tranh thật và tranh giả lẫn lộn làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, chuyện các nhà sưu tập Việt Nam và các hãng đấu giá nước ngoài nhầm giữa tranh thật và tranh giả là chuyện thường xuyên xảy ra. Lĩnh vực này có rất nhiều vấn đề và có hẳn một “thế giới ngầm” chứ không phải chuyện đơn giản.

Theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, những người tham gia vào lĩnh vực này phải trở thành nhà tiêu dùng thông thái nếu không bị vấp phải “quả đắng” không thể cứu vãn. Bởi chuyện tranh giả bây giờ là hoạt động của một “thế giới ngầm” chứ không chỉ một vài cá nhân đơn lẻ.

“Chúng ta đừng nên tin quá vào những tờ giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận chưa nói lên được điều gì cả. Bây giờ người ta có thể làm được giấy chứng nhận đó rất dễ”, ông Thành nói.

Ông Vi Kiến Thành cũng nhấn mạnh trên truyền hình rằng, chép tranh là một hoạt động nghề nghiệp của mỹ thuật nhưng phải có điều kiện. Nghĩa là phải có sự đồng ý của chủ sở hữu cho phép chép. Và bản chép phải ghi rõ bản sao chép kèm đánh số thứ tự. Quy định, bản chép không bao giờ được đúng khuôn khổ như bản gốc mà phải to hơn.

Tác giả: Hà Tùng Long

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây