Không nhận ra cầu ngói cổ!
Mới đây, trên một số diễn đàn như: Chùa Việt, Đình làng Việt... đã nổ ra cuộc tranh cãi gay gắt về hình ảnh của Di tích Quốc gia cầu ngói chợ Thượng (thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, Nam Trực, Nam Định) sau khi tu sửa. Phần lớn ý kiến đều tỏ ra bức xúc khi việc tu sửa đã làm cho 1 trong 5 cầu ngói cổ nhất Việt Nam bị sai lệch.
Theo đó, cầu ngói chợ Thượng được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2012. Cầu bắc qua sông Ngọc cạnh chợ Thượng nên được gọi là cầu ngói chợ Thượng. Cây cầu được xây dựng vào thế kỷ XVIII nhờ tiền công đức của bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Cung phi của chúa Trịnh, là người con gái xuất thân làng Thượng Nông.
Cây cầu xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà dưới là cầu) bắc qua sông Ngọc. Cầu được xây dựng theo kiểu tứ hàng chân, khung gỗ lim và lợp ngói nam. Cửa phía Nam và phía Bắc cầu được xây bằng gạch cao 2m; hai hồi đều có đại tự đắp nổi chữ “Thượng gia kiều” bằng chữ Hán. Mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng nằm chắc chắn hai bên bờ sông Ngọc. Nhờ bệ cầu chắc chắn, suốt hơn 300 năm với bao biến thiên lịch sử, cây cầu vẫn đứng vững.
Tuy nhiên, ngay sau khi tiến hành tu sửa, cây cầu ngói cổ quý hiếm này đã không còn dáng dấp cổ kính. Nhóm tu sửa đã trát lại vuông phẳng và sơn màu giả đá lên toàn bộ phần cửa phía Nam - phía Bắc của cầu. Những hoa văn độc đáo và nét rêu phong cổ kính hoàn toàn biến mất. Nhiều người ví phần cổng được xây giống với lăng mộ ở một số nghĩa trang.
“Cầu này gần nhà tôi. Hy vọng cầu sẽ được trả lại gần nguyên trạng trước trùng tu. Trước đó, cầu ngói chùa Lương cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thật đau lòng”, thành viên Lê Đức Hạnh bày tỏ.
“Đây là kiểu sơn vẽ giả đá. Thợ đã dùng tài lẻ của mình chấm chấm, quệt quệt cho nó ra giống vân đá, chứ đây cũng không phải đá ốp. Nhưng màu này là màu lăng mộ rồi”, thành viên Phạm Xuân Thịnh bình luận.
Đang trong quá trình khắc phục, trả lại dáng dấp cũ?
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định cho biết, ngay khi cho người xuống kiểm tra thực tế, thấy cầu ngói chợ Thượng bị tu sửa như mới, sai so với nguyên trạng, làm mất hết hoa văn, màu sắc và dáng vẻ cổ kính... Sở đã yêu cầu phải ngay lập tức khắc phục, trả lại nguyên trạng di tích. Ở thời điểm hiện tại, đội thợ đang tiến hành sửa lại theo tư vấn của một số chuyên gia. Dự kiến cuối tuần này, lãnh đạo Sở sẽ xuống xem xét thực tế và tiến hành nghiệm thu.
Theo Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định, việc tu sửa di tích này xuất phát từ việc cây cầu bị xuống cấp đã khá lâu. Trước đó, năm 1993, do hai bên thành gỗ của cầu bị mối mọt, đã có một cuộc trùng tu lớn và đạt được hiệu quả. Hai bên hành lang thành cầu để ngồi nghỉ ngơi hóng gió trước đây bằng gỗ đã được thay thế bằng những phiến đá chắc nịch.
Tuy nhiên, các chi tiết, cấu kiện vẫn xuống cấp dần theo thời gian. Đặc biệt, hai bên mố cầu bị nước xói làm trơ chân đá. Thời gian gần đây, phần mái ngói cầu xuống cấp, hỏng dột, Sở đã trình xin ý kiến chỉ đạo của Bộ VHTT&DL. Bộ đã duyệt hỗ trợ 200 triệu đồng tu sửa để thay ngói, rui, mè cũ. Tuy nhiên, do đội thợ thực hiện việc tu sửa không có chuyên môn nên đã vô tình phá hỏng di tích.
“Phần mái đã được sửa đúng theo nguyên bản lưu trong hồ sơ di tích, có đại diện Ban quản lý Di tích và danh thắng giám sát. Tuy nhiên, sau đó chính quyền địa phương vận động kinh phí xã hội hóa trát lại vữa, làm mới cây cầu bằng sơn giả đá phần cổng phía Nam và phía Bắc; lát lại đá xanh phần bậc thang bằng gạch. Chính quyền địa phương tự ý làm, không báo cáo. Chúng tôi kiên quyết bắt phải sửa lại chứ không thể để như thế được”, ông Nguyễn Tiến Dũng nói.
Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin, Cục đã có văn bản gửi Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định đề nghị gửi báo cáo cụ thể. Nhưng cho đến thời điểm này, Cục vẫn chưa nhận được báo cáo bằng văn bản.
TS.KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích cho rằng, giá trị lớn nhất của cây cầu này nằm ở bộ khung gỗ, mái ngói và may mắn trong quá trình tu bổ vẫn giữ được nguyên vẹn.
Qua trao đổi, KTS Hoàng Đạo Cương được biết, địa phương đang trong quá trình khắc phục các phần sai lệch khác như hai tường hồi xây mới làm mất hoa văn, sơn màu giả đá. Theo ông Cương, biện pháp khắc phục là có thể quét vôi lại màu xám, đắp thêm hoa văn nổi để trả lại hình dáng cũ cho di tích.
Hà Tùng Long
Ảnh: Hoàng Văn Anh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn