Tìm lại giá trị thực cho gốm cổ tại Bình Định
Ngày 28/10, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì cùng phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Gốm cổ Bình Ðịnh - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Ðại Việt (thế kỷ XI- XV)”, với sự tham gia của hơn 80 nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế.
Tại hội thảo gốm cổ Bình Định, các học giả đã trình bày những nghiên cứu, phát hiện của mình từ trước đến nay. Trong đó, tập trung “giải mã” lịch sử hình thành, phát triển của các trung tâm sản xuất gốm cổ ở Bình Định, chủ nhân, niên đại của các di chỉ sản xuất gốm cổ ở Bình Định; nghiên cứu so sánh đặc trưng, vai trò, giá trị của gốm cổ Bình Định trong đời sống văn hóa, xã hội Chămpa và Đại Việt trong lịch sử; vai trò, vị thế của gốm cổ Bình Định trong hệ thống thương mại biển châu Á và trong bối cảnh giao lưu kinh tế - văn hóa với các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Ngoài ra, các chuyên gia, học giả quốc tế sẽ tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ mối quan hệ của vương quốc Vijaya với kinh đô Thăng Long - Đại Việt và với các vương quốc ở Đông Nam Á, Châu Á trong lịch sử.
Nhiều khúc mắc đã được bàn bạc và thống nhất như chủ nhân của gốm cổ Bình Định thời kỳ Vương quốc Vijaya các học giả đã xác định rằng đó chính là người Champa và Đại Việt. Từ đó, các học giả đi đến tham luận về mối quan hệ giữa gốm cổ Binh Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Ðại Việt (thế kỷ XI- XV).
Để tiếp tục làm rõ hơn lịch sử gốm Bình Định, Viện nghiên cứu Kinh thành phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Định tiến hành khai quật nhiều di chỉ lò gốm ở Bình Định. Trong đó, tại di chỉ Gò Cây Me (thị xã An Nhơn, Bình Định), các nhà khoa học đã phát hiện nhiều dấu tích là đất nung gốm cùng nhiều loại hình sản phẩm, phản ánh một lịch sử sản xuất gốm rất phát triển ở Bình Định trong giai đoạn cực thịnh của Vương triều Vijaya. Đồng thời, góp phần làm sáng tỏ hơn diện mạo lịch sử, văn hóa Champa trên mảnh đất Bình Định xưa.
Đáng lưu ý, cùng với đồ gốm Bắc Việt Nam, gốm Thái và Nhật Bản, nhiều đồ gốm ở Bình Định được tìm thấy ở tỉnh Lâm Đồng những năm 80-90 của thế kỷ trước. Đây là minh chứng về sự xuất hiện của gốm Bình Định ở đất Tây Nguyên.
Tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Kinh đô nổi tiếng của Đại Việt, những đồ gốm đặc sắc của Bình Định cũng được tìm thấy. Đó là minh chứng sinh động phản ánh vai trò và sự góp mặt quan trọng của gốm Bình Định trong đời sống Hoàng cung Thăng Long xưa.
Đặc biệt, gốm Bình Định được tìm thấy trên những di tích tàu đắm dưới lòng đại dương như tàu đắm Hội An (Đà Nẵng), tàu đắm Ko Si Chang 3 (Thái Lan), tàu đắm Pandanan (Philippinnes).
Ở Đông Nam A, gốm Bình Định được tìm thấy ở đảo Tuiman (Malaysia)… Đáng lưu ý, năm 1995, tại di tích tàu đắm vùng biển gần đảo Pandanan (Philippinnes) người ta tìm thấy 4.722 hiện vật, trong đó có 70% là gốm ở Việt Nam, chủ yếu là gốm Bình Định.
Tuy nhiên, các học giả nước ngoài và các nhà nghiên sưu tập ở Indonesia và Philippinnes dường như không có ý niệm về gốm cổ Bình Định. Phần nhiều họ gọi đó là gốm Trung Quốc với tên gọi “Martavans hay Martaban”.
PGS, TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành cho rằng: Sở dĩ có tình trạng nhầm lẫn này là họ không có nhiều thông tin về những phát hiện khảo cổ ở Bình Định và Việt Nam. Mặc khác, do chất lượng, hình dáng, màu men nâu của gốm Bình Định có nhiều nét tương đồng với gốm Trung Quốc nên việc phân định nhiều khi gặp khó khăn.
“Mục tiêu đặt ra tại hội thảo là các giá trị của trung tâm gốm Bình Định - Vương triều Vijaya. Trước những phát hiện từ quá trình nghiên cứu chứng minh một điều rằng, gốm cổ Bình Định không những sản xuất ra để phục vụ cho thị trường trong nước mà đã được đưa đi các thị trường quốc tế. Qua con đường nghiên cứu về gốm sứ ở trên biển ta nhận thấy gốm cổ tại Bình Định đã cùng với Đại Việt, Thái Lan đi đến các nước giàu có trên thế giới phần lớn các nước hồi giáo Innodexia, Philippines, Ai Cập…ở thế kỷ 15 các nước này hết sức giàu có”.
Tác giả: Doãn Công
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn