Kiếm bộn tiền nhờ ca khúc “hit”
Trước nay, nhiều người vẫn chỉ hình dung, nhạc sĩ là những người sáng tạo ra bài hát (bao gồm: viết lời, phổ nhạc) cho ca sĩ hát. Vì thế, thu nhập của họ chỉ là những con số khiêm tốn từ việc bán tác quyền bài hát cho ca sĩ.
Tuy nhiên, theo thực tế hiện nay, nhạc sĩ không chỉ có nguồn thu từ tiền bán tác quyền ca khúc mà còn tiền bản quyền tác giả được Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả hỗ trợ để thanh toán từ các trang, phương tiện sử dụng bài hát như: nhạc chuông, nhạc chờ, truyền hình và bản quyền trên Youtube…
Nếu bài hát trở thành “hit”, thu nhập của nhạc sĩ sẽ kéo dài từ năm này qua năm khác. Từ đó, thương hiệu và hợp đồng làm việc sẽ nhiều lên, giúp thu nhập của nhạc sĩ theo đó mà tăng lên.
Một nhạc sĩ cho biết, tùy theo mức độ nổi tiếng, tay nghề và tỷ lệ các bài “hit” đã từng sáng tác mà mức giá cho từng bài hát của nhạc sĩ sẽ khác nhau. Với một nhạc sĩ nổi tiếng, có tay nghề chuyên môn cao, mức độ phủ sóng rộng và hiệu quả làm việc tốt sẽ có mức thu nhập dao động từ 1000 USD đến 5000 USD cho một bài hát.
Việc định giá cho một bài hát không có “barem” mà do sự quyết định của tác giả và mối quan hệ của tác giả với đối tác. Nếu nhạc sĩ đảm nhận luôn việc phối khí thì mức giá có thể sẽ tăng thêm vài nghìn đô la cho một bài.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận, việc trao đổi/mua bán tác quyền ca khúc cũng dựa theo quy luật của kinh tế thị trường. Việc phát triển chóng mặt của công nghệ nhạc số cùng vô số nguồn thu từ dịch vụ cộng thêm của các sản phẩm âm nhạc (bên cạnh cát-sê đi diễn của ca sĩ) sẽ khiến cho tiền tác quyền bài hát có sự tăng giảm nhất định. Và nhạc sĩ xứng đáng được hưởng những con số đó bởi viết nhạc cũng là một công việc đòi hỏi phải đổ rất nhiều chất xám, thời gian và công sức.
“Đổi đời” từ những điều không thể ngờ
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung kể rằng, lúc viết ca khúc “Nhật ký của mẹ”, anh chỉ định làm quà để tặng mẹ mình. Anh thậm chí còn chuẩn bị sẵn tâm lý là ca khúc sẽ không bao giờ được trình diễn trên sân khấu ca nhạc hoặc không bao giờ được ca sĩ biểu diễn vì quá dài. Ít có sân khấu ca nhạc nào dành 9 phút cho một bài hát cũng như ít có ca sĩ nào có thể thuộc lời 5 - 6 đoạn của bài này.
Nhưng mà có một may mắn là sau khi phổ biến, bài hát nhận được rất nhiều lượt phản hồi tích cực, trở nên phổ biến, nhất là với các mẹ bầu và trở thành bài hát quen thuộc trong các bệnh viện phụ sản.
Đến thời điểm này, “Nhật ký của mẹ” đã mang lại cho Nguyễn Văn Chung nguồn thu nhiều hơn cả các bản “hit” về tình yêu ngày trước. Con số đó ước chừng 8 số 0. Đây là con số không hề nhỏ.
Thu nhập của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận cũng hiện thuộc hàng top ở Việt Nam. Được biết, mỗi sản phẩm âm nhạc anh thực hiện cho ca sĩ gồm chi phí sáng tác và sản xuất không dưới con số 5000 USD. Riêng với ca khúc quảng cáo cho nhãn hàng lên đến 10.000 USD cho mỗi bài hát.
Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận chia sẻ, ngoài nguồn thu từ việc bán tác quyền bài hát cho ca sĩ, anh cũng có thêm những con số đáng kể từ khai thác bản quyền truyền hình, quyền tác giả, nhạc chuông, nhạc chờ, bản quyền Youtube… Có bài hát mang về hàng trăm triệu nhưng cũng có bài mang về hàng tỷ đồng. Và khi có bài “hit” sẽ còn kéo theo tên tuổi nhạc sĩ với nhiều hợp đồng sáng tác “béo bở” hơn.
“Mỗi một ca khúc thành công lại mang người nhạc sĩ đến gần hơn với nhiều công chúng mến mộ. Xưa giờ, khán giả vốn dĩ chỉ nhớ đến ca sỹ thể hiện thành công ca khúc chứ hiếm có nhạc sĩ nào được khán giả nhớ mặt nhớ tên. Và ca khúc “hit” chính là chiếc cầu nối hoàn hảo nhất để mang các nhạc sĩ đến với sự yêu thương mến mộ của khán giả yêu nhạc”, Nguyễn Hồng Thuận chia sẻ thêm.
Ngoài ra, những cái tên như: Châu Đăng Khoa, Phạm Toàn Thắng, Trang Pháp, Tiên Cookie… cũng là những cái tên được nhắc đến trong top nhạc sĩ trẻ “kiếm bộn tiền” từ các ca khúc “hit” của mình.
Trong đó, Phạm Toàn Thắng với loạt ca khúc “hit” như: Bài ca A3, Câu chuyện mùa thu, Cô bé mùa đông, Bốn chữ lắm... cũng mang đến cho anh nhiều thứ cộng hưởng. Bản thân Phạm Toàn Thắng cũng thừa nhận, ngoài việc tên tuổi được biết đến nhiều hơn thì anh cũng có thêm rất nhiều hợp đồng viết nhạc quảng cáo.
Công việc này cũng mang lại nguồn thu không nhỏ. Mỗi năm nam nhạc sĩ làm khoảng 5-6 dự án nhạc quảng cáo cộng với tiền bản quyền ca khúc, Phạm Toàn Thắng có thể thoải mải với “thói quen” rong chơi của mình, cả trong âm nhạc lẫn đời sống. Với nhiều năm hoạt động showbiz theo cách “phủi bụi” của mình, Phạm Toàn Thắng cũng đã kiếm được tiền tỷ.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn