Số lượng phòng chiếu của nước ngoài sẽ chiếm 85% trong 5 năm nữa?
Trung tâm Chiếu phim Quốc gia vừa có báo cáo tình hình hoạt động năm 2017. Theo đó, năm 2017, Trung tâm này đã tổ chức tốt LHP Châu Âu với việc giới thiệu 15 phim của 15 quốc gia; Tuần LHP Israel; LHP Đức: LHP Nhật Bản; Tuần phim Châu Mỹ - La Tinh; Tuần phim Tây Ban Nha. Đặc biệt, từ 11 đến 16/10/2017, Trung tâm tổ chức Tuần phim APEC với 11 buổi.
Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức tốt các đợt chiếu phim công ích nhân dịp Tết Dương lịch, đợt phim mừng 87 năm thành lập Đảng, đợt phim chào mừng ngày thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam, chương trình phim kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ…
Theo ông Nguyễn Danh Dương – Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia thì năm 2017 có 2.345.631 lượt khán giả đến Trung tâm. Tổng doanh thu đạt 105,5% so với cùng kỳ. Doanh thu chiếu phim đạt 106,9% so với cùng kỳ, nộp ngân sách 10,65 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, Trung tâm cũng gặp rất nhiều khó khăn do quá trình hoạt động đều lệ thuộc vào các nhà phát hành phim. Trung tâm không có điều kiện để mặc cả về tỉ lệ phần trăm.
“Các nhà phát hành sẽ đưa ra tỉ lệ và nếu mình không chấp nhận tỉ lệ đó sẽ không có phim. Trong hợp đồng có yêu cầu phải sau 5 năm mới được công bố nội dung của hợp đồng nên muốn kiện không được. Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương nói muốn kiện phải có bằng chứng nhưng hợp đồng đã ký rồi làm sao mình dám đưa nội dung của hợp đồng ra để đi kiện. Đây cũng là một trong những nội dung mà các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các đơn vị nhỏ không có bất cứ một lợi thế nào trong hoạt động cạnh tranh ở phim trường, nhất là các tỉnh xa”, ông Dương nói.
Ông Dương lấy ví dụ, năm 2017, Trung tâm có hỗ trợ cho Lạng Sơn bằng cách tác động đến các đơn vị phát hành để cung cấp phim cho một Trung tâm Chiếu bóng này. Nhưng các đơn vị phát hành lấy một tỉ lệ tương đối cao. Trung tâm Chiếu bóng này sau trừ thuế VAT, trừ thuế áp vào còn lại tỉ lệ % rất ít. Vì lẽ đó họ không có cơ hội để tái đầu tư cơ sở vật chất và không thể kêu gọi được đầu tư.
“Tôi có gửi một khảo sát của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia về sự phát triển của các rạp. Chúng tôi thấy rằng, đây là một vấn đề nguy cấp đối với ngành điện ảnh. Đối với các rạp nhà nước thì gần như không hoạt động được dù có tên và có rạp, trong khi đó đối với nước ngoài đến thời điểm này đã chiếm tới trên 60% số lượng rạp.
Đối với nền công nghiệp điện ảnh, số lượng rạp là điều quyết định sự phát triển. Muốn sản xuất được thì phải có đầu ra. Bản thân rạp sẽ quyết định tỉ lệ chia sẻ với nhau để tái đầu tư sản xuất. Tôi biết rằng ở nước ngoài họ nói thẳng với tôi rằng: “Việt Nam là mỏ vàng trong các khoản đầu tư. Và từ nay cho đến năm 2020 họ sẽ đầu tư cho riêng mỗi một công ty khoảng 15%/1 năm. Chúng tôi cũng nói với nhau rằng chỉ trong vòng 5 năm nữa thôi thì số lượng phòng chiếu trên đất nước Việt Nam này có khi 85% là của người nước ngoài”.
Khi mà đã là 85% của người nước ngoài rồi thì toàn bộ nền công nghiệp phim truyện của anh sẽ không có cơ hội phát triển, kể cả có ra được rạp thì cũng phải chịu một tỉ lệ rất thấp và phải làm theo ý họ thì họ mới chấp nhận cho vào rạp của họ. Đấy là những vấn đề mà chúng ta sẽ cảm nhận được”, ông Dương chia sẻ thêm.
"Muốn kêu mà không thể kêu"
Theo ông Nguyễn Danh Dương, từ xưa tới nay, đối với điện ảnh, chúng ta chú trọng nhiều đến phần sản xuất phim mà ít chú ý đến đầu ra và đến xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì lí do đó mà những tỉnh như: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… có những rạp xây từ thập niên 60 vẫn còn tồn tại.
“Nếu điện ảnh chỉ có một phòng chiếu không thôi thì mức độ tồn tại chỉ là hình thức. Các tỉnh muốn tồn tại được phải có từ 3 – 5 phòng chiếu trở lên và tôi tin điện ảnh sẽ hái ra tiền. Không thể nói là điện ảnh không hái ra tiền được bởi vì ít nhất hiện nay phim ảnh là thường nhật rồi”.
Ông Dương chia sẻ, vào tháng 9/2017, CGV thực hiện giảm giá vé. Đối với thành viên U22 thì đây là điều quá mừng. Lúc đầu các viên cũng đồng ý việc giảm giá vé. Nhưng sau đó, CGV lại tiếp tục giảm suất chiếu lúc 22h xuống còn 50.000 đồng. Đó là thời điểm các rạp của họ rất vắng mà của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia lại rất đông. Nhưng vì đã lỡ theo nên Trung tâm cũng chấp nhận giảm giá. Tuy nhiên, hôm sau CGV lại giảm giá phim 2D xuống còn 49.000 đồng, 3D chỉ còn 69.000 đồng. Đây là một trong điều bất bình thường vì với các rạp đơn lẻ nếu không hạ khán giả sẽ đi sang những cụm rạp khác.
“Nếu như tất cả các cụm rạp của CGV mà giảm xuống 49.000 đồng và 69.000 đồng thì chúng tôi sẽ thực hiện bởi người dân cũng được hưởng lợi. Nhưng ở đây họ lại chọn đúng 2 cụm rạp thôi thì nó đưa tất cả những đơn vị nhỏ lẻ, cả Trung tâm vào một thế rất khó. Nếu như không giảm giá khán giả sẽ vắng mà giảm giá thì chi phí lại bị độn lên rất nhiều bởi trong tỉ lệ ăn chia đơn vị như chúng tôi thì bao giờ chúng tôi cũng thiệt. Đây là một vấn đề mà chúng tôi muốn kêu nhưng không kêu được. Bởi vì kêu người ta lại nói CGV đang hạ giá như thế là vì khán giả. Những bước đi của họ là thực sự khó khăn cho các đơn vị khác”, ông Nguyễn Danh Dương bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề tuyển dụng người thân vào các vị trí quan trọng của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, ông Nguyễn Danh Dương cho biết, đây là điều không đúng sự thật. Cách đây khoảng 10 năm, biên chế của Trung tâm khoảng 65 người, sau 10 năm quy mô hoạt động tăng gấp 4 lần nhưng biên Trung tâm có sử dụng có 58 người. Trước đây tất cả bán vé, soát vé, dẫn chỗ đều là cán bộ biên chế của Trung tâm thì nay toàn bộ lực lượng đó đều là sinh viên làm việc bán thời gian.
Ông Dương cũng khẳng định, Trung tâm không lấn chiếm vỉa hè làm bãi xe. Ngược lại, hiện nay Trung tâm đang bị một số hộ dân xóm liều lấn chiếm phía phường Trung Liệt mà chưa giải quyết được. Bãi xe của Trung tâm được quy hoạch đồng bộ từ đầu khi thiết kế xây dựng bởi nếu không quy hoạch bãi đỗ xe thì khán giả không có chỗ để.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn