Trước đó, trong công văn gửi đến Next Media ngay trước Tết Mậu Tuất 2018, VPF tuyên bố tạm dừng hợp đồng với phía đối tác, vì “Next Media không thực hiện đúng theo các điều khoản đã cam kết, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của VPF”.
Cụ thể, VPF chỉ ra rằng trong hơn 1 năm thực hiện hợp đồng giữa Next Media và VPF, phía VPF chưa nhận được bất cứ hồ sơ quyết toán doanh thu và chia lợi nhuận nào từ phía Next Media.
Không có những con số về doanh thu kể trên, VPF gần như cũng mù tịt trong việc đánh giá hiệu quả của bản hợp đồng mà họ ký với phía đối tác.
Điều đáng nói là, để làm rõ những "điểm mù" trong hợp tác cùng Next Media, VPF có công văn đề nghị đơn vị này cung cấp thông tin về việc hạch toán, phân chia lợi nhuận. Tuy nhiên, chính lãnh đạo VPF khẳng định, phía Next Media không hồi đáp, dẫn đến quyết định chấm dứt hợp đồng của VPF.
Về vấn đề trên, trao với luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư Hà Nội), luật sư Đức cho biết: “Thường thì khi các bên quyết định chấm dứt hợp đồng hợp tác thương mại, họ có 3 lý do để đi đến quyết định này”.
“Đầu tiên là một trong hai bên không thực hiện đúng thoả thuận theo hợp đồng, thứ hai là vi phạm nghiêm trọng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của một trong hai bên, và thứ ba là trường hợp bất khả kháng. Riêng thoả thuận giữa các bên như thế nào thì trong hợp đồng sẽ ghi rõ” - luật sư Đức nói thêm.
Theo như phát biểu của luật sư Trương Thanh Đức, VPF đã vận dụng rất tốt các điều khoản trong các hợp đồng thương mại, để chỉ ra điểm yếu của Next Media trong quá trình đòi lại quyền phân phối bản quyền truyền hình tại giải V-League.
Hai trong ba lý do vừa được tư vấn bởi các luật sư khi đi đến quyết định tạm dừng, hoặc chấm dứt hợp đồng, đó là VPF “tố” Next Media không thực hiện đúng thoả thuận như cam kết, thứ hai họ “tố” Next Media gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến “quyền lợi và lợi ích hợp pháp của VPF”, liên quan đến vấn đề lợi nhuận.
Chất lượng truyền thông đi xuống, V-League mất đi sức hút với khán giả Việt Nam những năm qua
Ngoài ra, theo như luật sư Trương Thanh Đức, về mặt lý, thì các bên luôn có quyền chấm dứt hợp đồng thương mại: “Ở bất cứ thời điểm nào một trong hai bên cũng có quyền chấm dứt hợp đồng. Còn việc chấm dứt bị chế tài như thế nào, việc chấm dứt hợp đồng là đúng hay sai sẽ do toà án quyết định, nếu như đôi bên không thoả thuận được với nhau”.
Đây cũng là chi tiết từng được luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, khi nói về chuyện VPF đòi chấm dứt hợp đồng với Next Media.
Cũng giống như luật sư Nguyễn Đức Chánh, luật sư Trương Thanh Đức nhận xét về bất cập trong thời hạn hợp đồng giữa Next Media với nhiệm kỳ cũ của VPF. Cụ thể, VPF chỉ có quyền tổ chức và khai thác hình ảnh của giải V-League đến hết năm 2018, nhưng lại từng ký với Next Media đến tận năm 2022.
Về bất cập kể trên, luật sư Trương Thanh Đức nói: “Đây là cách làm của tư duy nhiệm kỳ, ký những hợp đồng dài lê thê vượt qua thẩm quyền của người ký, gây hậu quả cho người tiếp quản, người được bàn giao. Quyền khai thác của VPF chỉ đến hết năm 2018, nhưng lại ký đến tận năm 2022, thì đương nhiên phần thời gian ký lố sẽ không có hiệu lực”.
Về phần mình, VPF khẳng định hợp đồng về bản quyền truyền hình giữa VPF và Next Media có nhiều bất cập. Lãnh đạo VPF cũng nhấn mạnh việc đối tác Next Media không thực hiện đúng các thoả thuận đã cam kết, chất lượng truyền thông rất thấp và khiến V-League mất đi sức hút với người hâm mộ cả nước.
Tác giả: Trọng Vũ
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn