Linkin Park nổi tiếng hồi đầu những năm 2000, thuở ấy, thanh thiếu niên trên khắp thế giới đều nghe rock Linkin Park và cảm thấy cái Tôi được xoa dịu. Thế hệ ngày ấy giờ đã thực sự trưởng thành, họ cảm thấy mất mát khi “người anh em” của mình đột ngột ra đi.
Thời kỳ đỉnh cao hoàng kim trong sự nghiệp của Linkin Park là những năm 2000, khi ấy, thanh niên trên khắp thế giới đều nghe rock Linkin Park như một thứ âm nhạc thời thượng, như một phương cách xoa dịu cái Tôi đôi khi bốc đồng, ngổ ngáo, khao khát vẫy vùng - nét tâm lý rất thường thấy ở những người trẻ đang lớn.
Khi tin tức về sự ra đi đột ngột và bi đát của Chester Bennington được truyền thông đăng tải, một cú sốc đã lan đi trong thế hệ những người trưởng thành hôm nay, chính là những thanh niên trẻ từng say mê nghe rock Linkin Park ngày ấy. Có thể đã rất nhiều năm rồi bạn không còn nghe nhạc Linkin Park, không còn theo dõi thông tin xoay quanh nhóm nữa…
Nhưng khi bất ngờ nghe tin xấu xảy đến với Chester, nó giống như một cú thụi, không phải vào bạn của hiện tại, mà vào ký ức thanh xuân bạn từng có. Linkin Park rất có thể từng là một nét định nghĩa cho tuổi trẻ trong bạn, trong rất nhiều người trẻ từng giống như bạn - say mê nghe Linkin Park, bất kể việc bây giờ bạn có còn là fan của nhóm nữa hay không.
Dù con người trưởng thành của bạn cùng gu âm nhạc của hiện tại có thể không còn say mê Linkin Park, nhưng với tư cách một ban nhạc, Linkin Park đã hiểu được những cơn giận dữ, sự cuồng nộ, bất cần… tồn tại trong nội tâm những thanh niên mới lớn, và không có ban nhạc rock nào xoa dịu cái Tôi đang muốn khẳng định mình ấy - giỏi như Linkin Park.
Hẳn những câu hát như: “I tried so hard and got so far, but in the end it doesn't even matter” (Tôi đã cố gắng rất nhiều và đã tiến được xa, nhưng cuối cùng, tất cả chẳng còn ý nghĩa - lời bài hát “In the End”), đã từng an ủi rất nhiều thanh niên mới lớn khi phải đối diện với những bất đồng với cha mẹ, thầy cô, bạn bè…
Một thế hệ thanh thiếu niên đã từng “cày nát” các đĩa hát của Linkin Park để cảm thấy mình đang được thấu hiểu. Hai album đầu tiên của nhóm - “Hybrid Theory” (2000) và “Meteora” (2003) - chính là những gì in dấu sâu đậm nhất trong ký ức những fan cuồng của nhóm hồi những năm 2000.
Với từng bài hát, từng lời ca, Linkin Park nói chung và Chester Bennington nói riêng đã khiến thanh thiếu niên đang trong thời kỳ khủng hoảng tâm lý cảm thấy được thấu hiểu, chia sẻ và tôn trọng. Sẽ thật khó hình dung bức tranh âm nhạc những năm 2000 nếu không có Linkin Park, không có Chester Bennington với tiếng gào xé cổ.
Hồi năm 2002, khi Linkin Park đang ở thời kỳ đỉnh cao danh tiếng, họ thực hiện một cuộc phỏng vấn với tờ tạp chí âm nhạc Rolling Stone và Chester chia sẻ rằng nguồn cảm hứng đằng sau những bài hát do anh sáng tác đến từ chính những trải nghiệm cá nhân:
“Thật dễ rơi vào những tình huống khiến mình cảm thấy tự thương cho chính mình. Nhưng những bài hát của chúng tôi còn nói về trách nhiệm đối với chính hành động của mình. Tôi không thường nói về người khác trong những tình huống mà tôi gặp phải, mà chính tôi là lý do khiến tôi cảm thấy tệ hại nhất. Có điều gì đó bên trong tôi khiến tôi bị tụt dốc”.
Giờ đây, sau tất cả những gì đã xảy ra, câu trả lời ngày ấy của Chester thực sự u ám, buồn bã hơn những gì người ta từng có thể hình dung. Thuở ấy, những chia sẻ như thế này của Chester từng khiến thanh thiếu niên cảm thấy đồng cảm, khi họ biết rằng thần tượng của mình thực sự sống với những cảm xúc đưa vào ca khúc.
Vậy là, không chỉ những ca khúc của Linkin Park khiến người nghe cảm thấy bớt buồn bã, cô đơn, mà những chia sẻ của Chester cũng khiến fan cảm thấy được đồng cảm. Chester không bao giờ che giấu những vật lộn anh đã trải qua trong đời, anh từng phải vật lộn cai nghiện rượu và chất cấm, quá khứ từng bị bắt nạt, bị đánh đập và lạm dụng tình dục…
Nhưng sau tất cả, Chester đã vượt lên để dùng âm nhạc tự giúp đỡ chính mình, và giúp đỡ những người trẻ như anh. Thuở ấy, Linkin Park và những câu chuyện xoay quanh nhóm là một chủ đề to lớn và ý nghĩa đối với fan.
Đó chính là lý do tại sao tin tức về sự ra đi của Chester lại đau buồn đến vậy đối với một thế hệ những người từng mê mải nghe Linkin Park. Bởi họ đã từng lắng nghe và đồng cảm với những nỗi đau của Chester trong các ca khúc, bởi họ đã từng đọc như nuốt từng lời chia sẻ của thần tượng về những cuộc vật lộn nội tâm.
Tất cả các fan đều biết rất rõ, thông qua các ca khúc, rằng Chester đã cố gắng vượt lên chính mình. Tất cả những tâm sự đó được đưa vào ca khúc, người nghe đã nghe bằng cả tâm hồn đồng điệu, để thấy Chester đã biến những khổ não của mình trở thành những ca từ đẹp dành cho fan.
Linkin Park sau những năm 2000 không còn được như trước, bản thân nhóm cũng thay đổi, họ trưởng thành hơn, cần có hướng đi mới. Fan của nhóm cũng trưởng thành và có những bước chuyển trong đời. Nhưng sau ngần ấy thời gian, Linkin Park vẫn là biểu tượng của một thời tuổi trẻ thanh xuân nhiều bồng bột, và Chester có một vị trí lớn trong biểu tượng ấy.
Ảnh hưởng của Linkin Park, của Chester Bennington đối với một thế hệ thanh thiếu niên là có thực. Điều đó thể hiện ở chính cơn bão thông tin tạo ra sau khi Chester ra đi. Linkin Park đã từng là người bạn tâm tình, trò chuyện với những tâm hồn nổi loạn. Khi một bạn trẻ buồn bã hoặc cáu giận, không muốn lắng nghe ai nói, thì rất có thể, họ sẽ tìm tới nhạc Linkin Park.
Linkin Park đã xoa dịu những cơn giận dữ của tuổi trẻ. Trước thông tin về sự ra đi của Chester, fan hâm mộ một thời càng thêm xót xa, bởi Chester đã từng cố gắng vật lộn với nội tâm của chính mình, đã từng vỗ về tâm trạng tồi tệ của người nghe nhạc, khiến họ bớt cô đơn, nhưng sau cùng, anh lại gục ngã trong cuộc chiến của riêng mình.
“In the End” (album “Hybrid Theory” - 2000)
“Faint” (album “Meteora” - 2003)
>> Thủ lĩnh Linkin Park tự tử: Cuộc phỏng vấn cuối cùng hé lộ nội tâm buồn thảm
Tác giả: Bích Ngọc Theo Bustle/Business Insider
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn