Thể thao Việt Nam năm 2017: Chờ sức bật từ SEA Games

Thứ hai - 02/01/2017 03:29
Đến hẹn lại lên, vào những năm lẻ, thể thao Việt Nam lại bận rộn với Đại hội thể thao Đông Nam Á. Dù xác định đây chỉ là sân chơi khu vực, nhưng nếu nhìn một cách tích cực, thì SEA Games luôn là bàn đạp giúp cho thể thao Việt Nam hướng tới những giải đấu lớn mang tầm châu lục, thế giới. Vì thế, SEA Games vẫn có vai trò quan trọng và mục tiêu của Việt Nam luôn là phấn đấu nằm trong tốp đầu!.

Năm 2016, thể thao Việt Nam đã có một năm thành công với các tấm HCV Olympic của Hoàng Xuân Vinh, Paralympic của Lê Văn Công, bên cạnh đó là những tấm vé World Cup đầu tiên do Futsal và U19 Việt Nam giành được. Những thành công của năm 2016 chắc chắn sẽ tạo cú hích mạnh cho thể thao nước nhà, để chúng ta tiếp tục khẳng định vị thế của mình ở đấu trường SEA Games, từ đó có thước ngắm chuẩn hơn tới Asiad hay xa hơn là Olympic.

Theo thông báo ban đầu từ Ban Tổ chức SEA Games 29 Malaysia, 11 đoàn thể thao quốc gia trong khu vực sẽ dự tranh 405 bộ huy chương của 38 môn thể thao với khẩu hiệu “Cùng nhau tỏa sáng - Rising Together”.

 

 Điểm nhấn của Thể thao năm 2017 là SEA Games trên đất Malaysia

Điểm nhấn của Thể thao năm 2017 là SEA Games trên đất Malaysia

 

Dù liên tục nằm trong tốp 3 Đại hội kể từ kỳ SEA Games 2003 tới nay, nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, sự cạnh tranh ở giải đấu khu vực ngày càng khốc liệt. Đặc biệt trong năm nay, nhiều môn thế mạnh của Thể thao Việt Nam như: Vật, quyền Anh nữ, cử tạ nữ... sẽ không có mặt trong chương trình thi đấu chính thức.

Ngoài ra, tại SEA Games 2017, thể thao Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn về mặt khách quan với xu hướng nhập tịch VĐV nước ngoài ở nhiều nước, cùng chương trình thi đấu có nhiều biến động. Chúng ta không chỉ bị mất nhiều môn, nội dung thế mạnh hàng đầu mà thực tế không thể tham dự nhiều môn khác do không có lực lượng. Cuộc đua thứ hạng toàn đoàn dự báo sẽ vô cùng quyết liệt và khó lường.

Tất nhiên, với nhiều thế mạnh khác, thể thao Việt Nam vẫn đủ sức cạnh tranh huy chương với các đối thủ, nhưng ngoài chuyện thành tích, thì chúng ta cũng hướng tới những mục tiêu khác từ sân chơi khu vực.

“Chúng ta đặt ra mục tiêu xếp thứ ba toàn đoàn tại SEA Games 29. Nhưng chúng tôi xác định là để đạt được mục tiêu này sẽ là rất khó khăn. Để đạt được mục tiêu như vậy thì toàn ngành, đặc biệt là các VĐV, các HLV phải nỗ lực rất nhiều. Trong đó phải tập trung mọi nguồn lực để vận động viên đạt thành tích”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn nhấn mạnh.

Ông Phấn nói thêm: “Sang năm 2017, mục tiêu trọng điểm gồm có hai mục tiêu: Thứ nhất là chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 29 tại Malaysia; thứ hai là chuẩn bị tham dự giải thể thao trẻ châu Á lần thứ 3.

Với hai nhiệm vụ này, chúng tôi đang tập trung rà soát lực lượng để chuẩn bị một cách kĩ càng. SEA Games là mục tiêu thi đấu của năm 2017 và cũng là bước đệm chuẩn bị cho năm thi đấu 2018 và Olympic 2020. Trong tổng rà soát lực lượng, những vận động viên trọng điểm xuất sắc sẽ được đầu tư một cách đặc biệt. Hay nói cách khác là nguồn lực của ngành sẽ tập trung đầu tư cho các VĐV này”.

Cũng theo ông Phấn, những môn thể thao Olympic mà Việt Nam có phải phấn đấu bằng được vào trong top 3. Đây là mục tiêu rất quan trọng để tạo tiền đề cho các đấu trường lớn như Asiad hay Olympic.

Với tư cách thành viên của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á, Việt Nam cần phải cử lực lượng mạnh nhất tới sân chơi khu vực và phải có được thứ hạng tốt nhất nhằm khẳng định vị thế của mình. Tất nhiên, thể thao Việt Nam sẽ có cách tiếp cận hợp lý, hiệu quả nhất với sân chơi quen thuộc này, để vừa có mặt trong tốp đầu khu vực, vừa chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt cho các giải đấu lớn sắp tới, bởi ngay phía trước đã là Asiad Indonesia 2019 và Olympic Tokyo 2020.

Anh Tuấn

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây