Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hà- Chánh thanh tra Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ khi phát hiện sự việc thì cơ quan văn hóa tỉnh đã có mặt kịp thời, làm biên bản, ghi nhận lại sự việc và giao lại cho đơn vị thi công bảo vệ nguyên trạng lăng mộ; đồng thời khuyến cáo đơn vị thi công trong quá trình thi công mà phát hiện được di tích thì báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Sau đó, Thanh tra Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có cuộc họp với các bên liên quan vào chiều 26/6 để lấy ý kiến. Theo đó, ông Nguyễn Văn Hà giải trình như sau:
Về phía Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thì cũng đã khảo sát và chưa phát hiện ra lăng mộ này vì lăng mộ tương tự như vậy rất nhiều nên chưa đưa vào hồ sơ quản lý. Trung tâm bảo tồn Di tích cũng khẳng định vị trí lăng mộ không thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan này vì nằm ngoài phạm vi vùng bảo vệ của di tích.
Đối với Sở Văn hóa Thể thao cũng đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với phòng Di sản văn hóa tiến hành xác minh, rà soát toàn bộ danh sách các di tích đã được công nhận xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia; rà soát lại các di tích và danh lam thắng cảnh trong danh mục được bảo vệ theo Nghị định số 1046 của UBND tỉnh ngày 8/10/1993, tuy nhiên lăng mộ đã phát hiện không có trong các danh sách, danh mục nêu trên.
“Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, cho dù lăng mộ nào, của ai thì cũng cần được ứng xử trân trọng, có văn hóa, công bằng và đúng quy định pháp luật...”, ông Hà nói.
Ông Hà cũng cho hay, qua buổi làm việc, ông Lê Quốc Tuấn- Giám đốc Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị (đơn vị thi công) đã nhận thức được hành vi của mình đối với sự việc đã xảy ra, có thái độ cầu thị, đã gửi lời xin lỗi đến mọi người, các cơ quan liên quan và hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc. Đặc biệt là ông Tuấn đã nhận trách nhiệm và cam kết khắc phục mọi hậu quả mà các bên liên quan yêu cầu.
“Ngoài ra, tại buổi họp hôm qua còn có một số ý kiến khác, những ý kiến này nêu ra nhưng không thuộc thẩm quyền quản lý của Sở xử lý và giải quyết. Chúng tôi sẽ tổng hợp các ý kiến này, tham mưu cho các lãnh đạo Sở, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể để xử lý hợp lý, hợp tình, đúng quy định pháp luật...”, ông Hà thông tin.
Như đã phản ánh, trong quá trình thi công san ủi làm bãi đỗ xe lăng vua Tự Đức, dù bị người dân ngăn cản nhưng đơn vị thi công cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị đã san ủi một ngôi mộ nghi là mộ vợ vua Tự Đức. Sau mấy ngày tìm kiếm, đã tìm thấy tấm bia đá thuộc ngôi mộ nghi vợ vua Tự Đức.
Cụ thể, tấm bia được làm bằng đá nguyên khối còn khá nguyên vẹn với chiều dài 67 cm, rộng 32 cm và dày 10 cm. Dòng chữ trên bia đọc là Mộ của bà Tài nhân bậc Cửu giai (hàng thứ 9) họ Lê, tên thụy là Thục Thuận của triều trước.
Hiện dự án Bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức - lăng Đồng Khánh đã ngừng thực hiện, chăng dây bảo vệ xung quanh.
sẽ tiếp tục cập nhật.
Tác giả: Văn Dinh - Đại Dương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn