Cô Burki là mẹ đơn thân, đã trải qua ly hôn và hiện là mẹ của ba người con, cô tìm kiếm một người bạn trai giàu có, “một người đàn ông trong những giấc mơ của tôi, một người có thể làm cha của các con tôi”.
Với mong muốn tìm được bạn đời, cô Burki đã tìm tới công ty mai mối hẹn hò cao cấp với mức phí hội viên khá cao, nhưng công ty này đã không thể giới thiệu cho cô “mối” ưng ý, khiến cô quyết định khởi kiện.
Vào thứ 4 tuần này, tòa án đã ra quyết định cuối cùng và kết luận rằng công ty mai mối kia đã khiến cô Burki, một nữ doanh nhân, tin vào năng lực vượt quá thực tế của đơn vị này, khiến cô chấp nhận đóng hội phí “cao cấp”.
Đưa ra nhận định về vụ việc hy hữu này, tại phiên tòa, thẩm phán Richard Parkes đã nói: “Nhà văn Mỹ Gertrude Stein sinh thời từng có câu nói nổi tiếng rằng ‘bất cứ ai bảo tiền không thể mua được hạnh phúc chỉ là bởi họ không biết nên đi mua ở đâu’.
“Vụ kiện này xoay quanh một người phụ nữ đang tìm kiếm niềm vui mới trong quan hệ tình cảm, người phụ nữ cho rằng mình đã bị dẫn dụ, để rồi tìm kiếm ở sai chỗ, phải chấp nhận trả một khoản tiền lớn cho công ty mai mối, bởi những lời hứa hẹn, để rồi bên cung cấp dịch vụ không thể thực hiện như những gì đã nói”.
Cô Burki bắt đầu liên hệ với công ty mai mối từ năm 2013 với mong muốn tìm bạn đời. Nhận định về phía cô Burki, thẩm phán nói: “Những yêu cầu mà cô Burki đưa ra không giản đơn. Nhưng nếu cô Burki biết về số lượng thực tế của những ứng viên nam cũng đang tìm kiếm bạn đời thông qua công ty mai mối này, thì cô đã không mua dịch vụ của họ”.
Theo những trích dẫn về yêu cầu mà cô Burki đưa ra đối với công ty mai mối, thì người cô tìm kiếm phải là “một quý ông tinh tế”, lý tưởng nhất là làm việc trong lĩnh vực tài chính. Người đàn ông này phải có “một phong cách sống đẳng cấp, phóng khoáng” và “luôn sẵn sàng đi du lịch nước ngoài”.
Một tiêu chuẩn quan trọng nữa mà cô Burki đưa ra, đó là người đàn ông phải sẵn sàng có thêm con bởi cô luôn muốn có 4 người con, mà hiện tại cô mới có 3. Cô Burki đã đọc được một quảng cáo về công ty mai mối cao cấp nọ và đăng ký làm thành viên với mức phí chi trả 12.600 bảng (tương đương 372 triệu đồng).
Khi liên hệ với công ty này, cô Burki đã được hứa hẹn rằng họ có những ứng viên tiềm năng đáp ứng được những yêu cầu của cô.
Chính những hứa hẹn này, theo tòa án, là không đúng sự thật và gây nên những ảo tưởng cho khách hàng, bởi theo con số thực tế, công ty này chỉ có khoảng 100 ứng viên nam, từ đó, khả năng để lọc ra được những ứng viên “khả thi”, đáp ứng tiêu chuẩn của cô Burki càng trở nên ít ỏi.
Trong đơn kiện của mình, cô Burki đòi lại tiền hội phí và tiền đền bù thiệt hại tâm lý. Phía công ty mai mối cũng kiện ngược lại cô Burki vì cô đã có hai bình luận viết trên mạng với ý tiêu cực không đúng sự thực về dịch vụ mà họ cung cấp.
Sau cùng, tòa đã yêu cầu phía công ty mai mối trả lại cô Burki 12.600 bảng tiền hội phí và 500 bảng tiền đền bù thiệt hại tâm lý. Ngược lại, cô Burki phải trả cho công ty mai mối 5.000 bảng vì đã có những bình luận tiêu cực thái quá viết trên mạng về công ty này.
Giải thích về sự vụ hy hữu này, thẩm phán cho hay, để không xảy ra rắc rối, phía công ty mai mối ngay từ đầu nên cho cô Burki biết về kho dữ liệu họ có, như thế cô Burki sẽ có những hình dung thực tế và không có lý do gì để phàn nàn.
Về phía công ty mai mối, trước tòa, họ cũng khẳng định rằng: “Chúng tôi cung cấp dịch vụ riêng biệt, không phải dịch vụ hẹn hò đại trà phổ biến. Chúng tôi không thể nào có được hàng nghìn ứng viên nam bởi vì đơn giản là không có hàng nghìn người đàn ông độc thân, giàu có, đẳng cấp đang muốn tìm bạn đời”.
Tác giả: Bích Ngọc Theo Guardian/Telegraph
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn