Người Việt vốn coi trọng văn hóa tinh thần và cội nguồn dân tộc, vì vậy các lễ hội truyền thống luôn được quan tâm duy trì, hưởng ứng. Những lễ hội trải dài khắp 3 miền giúp cho người dân được trải nghiệm hương vị Tết truyền thống theo các phong tục khác nhau, khiến kỳ nghỉ Tết trở nên ý nghĩa và khó quên hơn.
Lễ hội bơi chải Thuyền rồng
Lễ hội bơi chải Thuyền rồng trên Hồ Tây là một lễ hội văn hóa năm mới tại Hà Nội, diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/2 (tức ngày 12-13 tháng Giêng). Trong khuôn khổ lễ hội, người dân Thủ đô sẽ có cơ hội hòa mình vào lễ diễu hành của các vận động viên đua thuyền và một số bộ môn thể thao dưới nước. Giữa các màn tranh tài gay cấn là các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, hứa hẹn đem đến bầu không khí lễ hội sôi động cho du khách trong dịp xuân mới.
Đặc biệt, lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng năm nay có sự góp mặt của các đội đến từ Hong Kong, Singapore, Malaysia tham gia tranh tài ở nội dung thi đấu chuyên nghiệp cùng với các đội thuyền của Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... Bên cạnh đó, lượt thi đấu của các nhóm phong trào gồm các quận, huyện, thị xã và các đại sứ quán, cơ quan, doanh nghiệp thuộc thành phố sẽ đem lại cho người xem cảm nhận về bước phát triển đa dạng trong hoạt động thể thao, văn hóa, giúp nâng cao thể chất và tinh thần cho người dân.
Lễ hội bơi chải Thuyền rồng trên Hồ Tây được tổ chức lần đầu vào mùa xuân 2018 và nay là năm thứ hai diễn ra ở quy mô lớn hơn. Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, không ít lễ hội dân gian đã bị mai một. Lễ hội bơi chải Thuyền rồng do Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines và UBND Thành phố Hà Nội chung tay tổ chức, hiện đang được người dân thủ đô háo hức chờ đợi sẽ góp phần khôi phục và gìn giữ các môn thể thao truyền thống của dân tộc như đua thuyền rồng, đồng thời tạo thành sự kiện nhằm quảng bá văn hóa và lịch sử thành phố, thu hút du khách đến với Thủ đô Hà Nội.
Nhóm chuyên nghiệp gồm các đội thi quốc tế đến từ 4 nước gồm Hong Kong, Singapore, Malaysia, Lào và các đội thi tỉnh, thành Việt Nam sẽ tranh tài tại vòng loại và vòng chung kết ở nội dung thuyền 12 nam và thuyền 12 nữ trong ngày 16/2/2019.
Nhóm phong trào gồm các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố tranh tài ở nội dung thuyền 12 nam và thuyền 12 nữ với vòng loại diễn ra ngày 16/2/2019 và vòng chung kết ngày 17/2/2019.
Nhóm phong trào gồm các đại sứ quán, cơ quan, doanh nghiệp tranh tài ở nội dung thuyền 12 hỗn hợp nam, nữ trong ngày 17/2/2019.
Chẩy hội chùa Hương
Chùa Hương nằm trong khu thắng cảnh Hương Sơn, được xem hành trình về một miền đất Phật - nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Theo thông lệ, ngày khai hội chùa Hương từ mùng 6 âm lịch, nhưng từ mùng 2 Tết, trên dòng Suối Yến đã tập nập đò đầy chở khách đi lễ chùa. Phật tử cùng du khách bốn phương nô nức được đến Chùa Hương để hoà mình vào non Tiên cõi Phật vãn cảnh, lấy lại sự cân bằng trong tâm thức và cầu mong cho một năm mới an lành, sung túc.
Chẩy hội chùa Hương là một hoạt động lớn nên thường rất tấp nập và kéo dài trong suốt ba tháng liền. Từ khi có cáp treo, du khách thường vãn cảnh và đi lễ Chùa Hương trong một ngày nhưng để khám phá cả 3 tuyến du lịch (Hương Tích, Long Vân, Tuyết Sơn) và hiểu được trọn vẹn không khí sinh hoạt văn hóa của lễ hội, sẽ phải nghỉ lại một đến hai đêm giữa khung cảnh non nước hữu tình đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh ấy.
Rước lễ Hội Lim
Hội Lim Bắc Ninh là lễ hội lớn của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương, thể hiện một cách sâu nhất văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Kinh Bắc. Vốn có truyền thống lịch sử từ lâu đời, từ ngày mở hội sẽ diễn ra nhiều nghi lễ rước, tế lễ và các hoạt động nghệ thuật dân gian hết sức phong phú và trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm…
Nhưng đặc sắc hơn cả là phần hát hội, loại hình dân ca đã trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc. Khi liền anh trong trang phục khăn xếp áo the, liền chị duyên dáng trong tà áo mớ ba mớ bảy, đầu chít khăn mỏ quạ, mang nón thúng quai thao, cất lên những câu hát giao duyên say đắm, thắm đượm nghĩa tình mang dấu ấn đặc trưng của cả một vùng di sản, là khi ta biết rằng lời ca đó sẽ vương vấn mình cả một mùa Xuân.
Hội Xuân núi Bà Đen
Núi Bà Ðen là một địa danh nổi tiếng của Tây Ninh, bắt nguồn từ truyền thuyết người con gái tên Ðênh (sau gọi chệch sang là Ðen), con một viên quan trấn thủ người Miên, rất sùng phật đạo. Do từ chối ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, nàng Ðênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và qua đời ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”.
Hàng triệu lượt du khách đến Núi Bà mỗi năm, đặc biệt là vào tháng Giêng, ngày rằm và lễ vía Bà. Ngoài sự tín ngưỡng viếng chùa cầu phúc cầu an, ngươi ta cũng đến Núi Bà để tham quan một di tích chùa trên núi, một quần thể các ngôi chùa, điện thờ cúng các vị thần, thánh. Đường lên đỉnh núi bà Đen dài một cây số và thường mất gần một giờ đồng hồ để lên, nhưng điều này không ngăn cản được những du khách đến viếng núi. Thay vào đó bậc thang cuối cùng ở độ cao thứ một ngàn vẫn có đông nghịt người đặt chân đến tham quan.
Nhật Minh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn