Điều gì khiến bạn quyết định về nước biểu diễn vào dịp đầu năm mới?
Lúc đầu, tôi cũng rất bất ngờ khi nhận được lời mời tham dự chương trình V-Concert, được biểu diễn cùng dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam do nghệ sĩ Honna Tetsuji chỉ huy. Có lẽ, để thuận tiện cho việc học tập tại nước ngoài không bị gián đoạn nên mọi người đã quyết định lựa chọn thời gian tôi được về nghỉ đông để có thể tham gia trong các chương trình hòa nhạc đầu năm mới.
Đỗ Phương Nhi là một tài năng âm nhạc thành danh từ khi tuổi đời còn rất trẻ.
Biểu diễn trong chương trình chào đón năm mới, Đỗ Phương Nhi sẽ đem đến cho khán giả những bất ngờ gì?
Tôi sẽ xuất hiện với hai bản nhạc rất đặc sắc và hoàn toàn tính chất trái ngược nhau. “Rhasody - Bài ca chim ưng” của nhạc sỹ Đàm Linh mang phong cách đương đại nhưng giữ đậm chất dân gian, đặc điểm và phong tục mỹ huyền của người Tây Nguyên và bản “Csárdás” của tác giả người Ý- Monti, bài này rất quen thuộc trong giới âm nhạc, phác họa nét đặc trưng của điệu “Czardas” của người Hungary.
Bạn sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Cả bố và mẹ đều là nghệ sĩ violin có tiếng. Bạn có thể chia sẻ về quá trình đến với môn nghệ thuật này?
Ngay từ khi còn nhỏ, hàng ngày, tôi đã được tiếp xúc với cây đàn, với giai điệu âm nhạc. Đây là một chuyện rất khó tránh khỏi vì bố mẹ của tôi đều là nghệ sĩ, họ cần phải tập đàn suốt ngày.
Mỗi sáng phải chuẩn bị bài giảng âm nhạc, đêm khuya về lại thấy bố mẹ tập đàn. Thậm chí hồi tôi còn bé tí, khoảng 1-2 tuổi, mẹ của tôi thường ngồi tập đàn trên giường, tôi nằm chơi đằng sau, rồi ôm lưng mẹ ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Rồi mỗi khi mẹ bỏ đàn xuống nghỉ giải lao, tôi cứ chạy lại nghịch đàn của mẹ.
Chính vì phát hiện ra con có “duyên ngầm” với cây đàn, mà bố mẹ quyết định cho mình theo học với thầy giáo đầu tiên là GS.TS Ngô Văn Thành. Có lẽ, vì tôi thích đàn nên dù có phải vất vả thế nào tôi vẫn quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật đến cùng. Một phần cũng vì thương bố mẹ, gia đình và những người xung quanh.
Có người từng nói với tôi, họ thích và mong lại được thấy mình trên sân khấu. Trước hết mình học, học và học, để luôn tiến bộ bản thân hơn và đem đến những sản phẩm âm nhạc chất lượng cao hơn.
Ngoài chơi đàn, tôi rất thích nấu ăn và vẽ truyện tranh. Nếu một ngày nào đó tôi không thể chơi đàn được nữa, chắc chắn người ta sẽ nhìn thấy tôi đang mặc tạp dề trang trí món ăn trong một nhà hàng và đêm về ngồi vẽ truyện tranh (cười).
Ai là người thầy có ảnh hưởng nhất đối với Đỗ Phương Nhi?
Có lẽ kỉ niệm khó quên nhất của tôi là thời thơ ấu, khi tôi mới được học đàn. Đến giờ nhớ lại, tôi luôn biết ơn và tâm phục sự kiên trì của thầy Ngô Văn Thành. Thầy hiền hậu, dẫn dắt, luôn định hướng cho tôi những lựa chọn tốt nhất để tôi được phát triển hết mình với cây đàn.
Cảm xúc đón năm mới xa quê hương của một du học sinh như bạn có điều gì đặc biệt? Quá trình học tập của bạn tại nước ngoài gặp những khó khăn và thuận lợi ra sao?
Đối với tôi, việc được đón tết ở nước ngoài ngày nay đỡ hơn thời xưa vì có mạng internet. Tôi được gọi về nhà, vẫn xem được Táo Quân trực tuyến và được “xông” đàn cho mẹ nghe. Tôi không có thời gian để làm món Việt Nam nhưng rất vui vì được nhắn tin về chúc mọi người, vẫn được chung cảm xúc đón giao thừa rất hào hứng.
Vì tôi là người thích nghi nhanh, bận rộn... nên khó khăn lớn nhất có lẽ là một sự hụt hẫng về tinh thần đa dạng ẩm thực như ở nhà và vấn đề ngoại ngữ. Lúc nào mình cũng phải mất thời gian hơn các bạn, để dịch, hiểu và quen với cách làm việc của họ mà tuổi nhỏ mình không được biết tới.
Thời tiết ở Na-Uy khá là khắc nghiệt. Chẳng một cây đàn nào thích thời tiết quá khô hoặc ngoài mưa tầm tã cả. Nhưng điều thuận lợi nhất khi đi học nước ngoài là môi trường học tập phù hợp với nghề nghiệp mình chọn. Và quan trọng nhất là mình tìm được cho mình một người thầy tuyệt vời. Đây chính là phần động lực rất lớn để tôi phấn đấu học tập.
Là một cô gái vừa bước qua ngưỡng tuổi teen, lại phải bận rộn với lịch học tập và biểu diễn, một ngày của Đỗ Phương Nhi bắt đầu và kết thúc ra sao? Tôi là một người yêu công việc nên hầu hết tôi làm cho thời gian của mình bận lên. Thời gian rảnh, tôi thích đọc, vẽ, nấu ăn, đi dạo, nghe nhạc, xem phim...
Đa phần tôi dành thời gian tập đàn nhiều và các giờ nghỉ giao lưu, đi xem các bạn biểu diễn. Tôi luôn sắp xếp thời gian học tập một cách hợp lí để không bị stress hoặc “nước đến chân mới nhảy”. Và trong cuộc sống, có lẽ mẹ chính là người có thể kể lại được nhiều chuyện cười ra nước mắt về tôi nhất.
20 tuổi đã trở thành một nghệ sĩ Violin nổi tiếng, Đỗ Phương Nhi có gặp phải áp lực vì kỳ vọng của những người hâm mộ?
Thực ra nguyện vọng của tôi là chỉ là được chơi đàn hết mình trên sân khấu, và chơi hay nhất có thể. Tất nhiên, tôi cũng có áp lực trước ngày biểu diễn nhưng là do khối lượng công việc mình tự chọn và mình phải biểu diễn, làm chủ bản thân thật tốt vì mình đã nhận trách nhiệm đem đến những tác phẩm đó đến với công chúng rồi. Mình phải chơi thế nào, để mọi người khi nghe cảm thấy hài lòng và chấp nhận cách chơi của mình sau những chuyến đi học dài. Như vậy là tôi cảm thấy rất hạnh phúc rồi.
Tôi mong nền âm nhạc cổ điển ở Việt Nam không chỉ qua người lớn mà còn cả các thế hệ trẻ cũng được tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển. Tôi tin rằng, âm nhạc hàn lâm có một sức mạnh rất đặc biệt.
Nó có thể ngay lập tức làm cho con người ta lay động chỉ trong một nốt đàn hay. Sâu thẳm bên trong nội tâm người nghe được chia sẻ, khi sức mạnh của từ ngữ, của ca từ, không đủ để diễn tả những cảm xúc đặc biệt lúc đó của con người.
Dự định của Đỗ Phương Nhi trong năm 2019?
Tôi sẽ tiếp tục công việc học tập để chuẩn bị tốt nghiệp đại học tại Học viện Âm nhạc Barratt Due tại Oslo, Na- Uy. Ngoài ra, tháng 6/2019, tôi sẽ tiếp tục tham dự trại hè tại Valdres Summer Festival, biểu diễn cùng dự án Maestoso tại Hà Nội vào khoảng mùa thu và tôi hy vọng sẽ được tiếp tục mang âm nhạc tới công chúng ở nhiều nơi.
Cảm ơn bạn vì những chia sẻ rất thú vị.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn