PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - TGĐ Đài TNVN cho biết, sau khi Đài TNVN gửi công văn đến UBND TP. Hà Nội (hôm 17/12), sáng 22/12, giữa ông và ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có một cuộc điện đàm trao đổi về vấn đề này.
Hai bên đã nhất trí, TP. Hà Nội sẽ tạm ngừng việc hạ giải, phá bỏ ngôi biệt thự cổ tại địa chỉ 128C Đại La (Hà Nội) - vốn là trụ sở của Trạm phát sóng Bạch Mai. Bên cạnh đó, vào thời gian tới, UBND TP. Hà Nội, Đài TNVN và một số bộ - ngành - cơ quan sẽ tổ chức buổi làm việc trực tiếp để bàn và tìm phương án tốt nhất, hợp lý nhất cho ngôi biệt thự cổ này.
Thông tin mới nhất về biệt thự cổ này, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Nghiên cứu - bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam (Docomomo Vietnam) cũng vừa có thư kiến nghị gửi lên HĐND, UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội.
Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu về công trình này, các kiến trúc sư cho biết hiện cụm công trình Trạm phát sóng Bạch Mai còn hai công trình khá nguyên vẹn là Trạm phát thanh và biệt thự tại ngõ 128C Đại La, có giá trị lịch sử và kiến trúc đáng chú ý.
Đây là công trình ghi dấu ấn ra đời của ngành phát thanh truyền hình Việt Nam, nơi đầu tiên phát đi bản “Tuyên ngôn độc lập” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng thời, đây cũng là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị mang phong cách kết hợp Pháp - Việt với nhiều chi tiết kiến trúc đặc sắc. Vì vậy các các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng của hai hội đã đồng lòng kiến nghị thành phố cần có giải pháp khẩn cấp để bảo tồn hai công trình này.
“Việc mở rộng tuyến đường vành đai này là rất cần thiết đối với thành phố Hà Nội nhưng chúng tôi - những nhà chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, kiến trúc, xây dựng và bảo tồn di sản đã trăn trở suy nghĩ và kiến nghị thành phố cần có những giải pháp khẩn cấp để bảo vệ và phát huy giá trị cụm công trình có giá trị lịch sử và kiến trúc đặc biệt này”, thư kiến nghị viết.
Các nhà chuyên môn cũng nhấn mạnh, TP. Hà Nội cần tham khảo các giải pháp quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, bảo tồn và quản lý bền vững cụm công trình này thì các chuyên gia của hai hội luôn sẵn sàng đóng góp ý kiến.
Thư kiến nghị cũng đề xuất các giải pháp chi tiết để bảo tồn với hai công trình này. Cụ thể, ở tầng 1 của Trạm phát thanh có một góc bị nằm trong chỉ giới đường đỏ (khoảng 3m) nên vẫn có nguy cơ bị đập bỏ (toàn phần hoặc một phần). Cần ngay lập tức tổ chức lập hồ sơ khảo sát, nghiên cứu, để có cơ sở bổ sung công trình này vào danh mục các công trình kiến trúc có giá trị của Hà Nội và từ đó quản lý sử dụng công trình theo đúng quy định.
Cập nhật công trình có giá trị này vào nội dung đồ án Quy hoạch phân khu và và đồ án Thiết kế đô thị trục đường vành đai 2 hiện đang trình duyệt, điều chỉnh các nội dung thiết kế và quản lý không gian xung quanh công trình cho phù hợp với tính chất của điểm di tích lịch sử.
Riêng tầng 2 của Trạm phát thanh do nằm gọn trong chỉ giới đường đỏ nên khó có giữ nguyên vị trí nên kiến nghị áp dụng giải pháp kỹ thuật di chuyển toàn bộ biệt thự sang một vị trí khác và xây dựng chương trình quản lý khai biệt thự 128C.
Về vị trí di dời, phương án tối ưu được đề xuất đó là điều chỉnh đồ án quy hoạch để xem xét quỹ đất bố trí biệt thự ngay cạnh công trình Trạm phát thanh; để khoảng cách di chuyển vừa phải (khoảng 100m) và hai công trình gắn bó với nhau, dễ dàng cho việc bảo tồn, quản lý và khai thác sau này.
Ngoài ra, một phương án khác cũng được kiến nghị đó là lựa chọn một khu vực đất công (khoảng 300 đến 400m2) trong bán kính 500m để di dời biệt thự và biến nó trở thành một công trình phục vụ mục đích công như: thư viện, nhà văn hoá... sau này.
"...Cụm hai công trình trạm Bạch Mai sau khi di dời và giữ lại có thể được khai thác như một địa chỉ văn hoá - lịch sử - dịch vụ gồm: bảo tàng lịch sử ngành phát thanh (tại công trình Trạm phát thanh 1 tầng) và nhà hàng và cà phê tại công trình biệt thự. Kinh phí thu được từ dịch vụ nhà hàng cà phê sẽ là nguồn chi trả cho việc duy trì, bảo dưỡng và kinh phí cho hoạt động bảo tàng và phục vụ cộng đồng”, thư kiến nghị nhấn mạnh thêm.
Ngôi biệt thự cổ tại địa chỉ số 128C Đại La được Pháp xây dựng năm 1912 làm Đài Phát tín Bạch Mai, phục vụ liên lạc giữa chính quyền thực dân ở Hà Nội với cả nước, toàn Đông Dương và Paris - Thủ đô nước Pháp. Bằng hệ thống vô tuyến điện không dây, Trạm phát tín này đưa Việt Nam trở thành biểu tượng tiếp cận văn minh sớm nhất châu Á với kỹ thuật truyền tín hiện đại từ đầu thế kỷ 20
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trạm vô tuyến điện này được chỉnh quyền cách mạng sử dụng làm trạm phát sóng phát thanh cho Đài Phát thanh Quốc gia (Trạm Phát sóng Bạch Mai).
Tại đây, vào hồi 11h30, ngày 07 /9/1945, Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc qua làn sóng điện Đài TNVN đến với đồng bào, chiến sĩ cả nước và nhân dân thế giới, đánh dấu một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh. Cũng tại nơi này, tối ngày 19/12/1946, Bản tin đặc biệt của Đài TNVN đã được phát sóng, truyền đi mật lệnh Toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn