Trở thành điểm đến “hút khách” nhờ điện ảnh
Trong thời gian qua, Việt Nam trở thành quốc gia có xu hướng được các đoàn làm phim quốc tế chọn làm bối cảnh quay phim. Đã có rất nhiều bộ phim nổi tiếng được quay tại Việt Nam. Tiêu biểu là 3 bộ phim Pháp gồm “Đông Dương”, “Điện Biên Phủ” và “Người tình”. Gần đây là bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” quay ở Ninh Bình, Hạ Long và Quảng Bình.
TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh nhấn mạnh tại hội thảo, Việt Nam đang trở thành điểm đến của những bộ phim nổi tiếng với những bối cảnh quay đặc sắc.
Theo bà Hà, trên thực tế, việc quảng bá địa danh thông qua điện ảnh luôn đem lại hiệu quả bất ngờ và mạnh mẽ. Nhiều bộ phim nước ngoài được quay tại Việt Nam đã gây sửng sốt với khán giả thế giới, bởi hình ảnh đất nước con người Việt Nam được thể hiện tuyệt đẹp qua các tác phẩm điện ảnh vang danh một thời như: “Người tình” (1991), “Đông Dương” (1992), “Người Mỹ trầm lặng” (2002)…
Khi những bộ phim này công chiếu, những địa danh được chọn làm bối cảnh trong phim đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Đặc biệt, bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu) có bối cảnh chính tại Việt Nam sau khi ra mắt đã góp phần làm cho các địa danh trong phim trở thành phim trường của nhiều tác phẩm điện ảnh khác và thành điểm đến của hàng loạt tour du lịch hút khách.
Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ngoài việc tạo nên “cơn sốt” phòng vé thì còn biến vùng đất Phú Yên thành điểm đến yêu thích. Hà Giang trong phim “Chuyện của Pao” với những hình ảnh núi non hùng vĩ, sông nước thơ mộng, con người ấm áp… cũng khiến du khách nước ngoài hào hứng tìm đến sau khi phim công chiếu.
“Có thể thấy, dù Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi nhiều phong cảnh tươi đẹp, độc đáo… nhưng sẽ ít người thấy được vẻ đẹp đó nếu như không có những tác phẩm điện ảnh giàu giá trị nghệ thuật. Và khi điện ảnh đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển cũng có nghĩa sẽ thúc đẩy kinh tế. Vì vậy, cần phải thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh với những tác phẩm có giá trị nghệ thuật thì mới thực sự quảng bá được hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tới quốc tế”, TS. Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Thay đổi chính sách để “đánh thức” tiềm năng
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các đoàn làm phim nước ngoài, ông Trần Nhất Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) cho rằng, các quốc gia đã đánh giá Việt Nam là đất nước có cảnh đẹp, con người thân thiện, giá cả phải chăng. Việc quảng bá hình ảnh Việt Nam khi các cảnh đẹp xuất hiện ở các bộ phim nổi tiếng được quay bởi các nhà quay phim hàng đầu, các đạo diễn nổi tiếng, diễn viên nổi tiếng thế giới sẽ đem lại hiệu quả vô cùng to lớn.
“Việc quảng bá thông qua những người nổi tiếng rất hiệu quả. Ví dụ, khi nữ diễn viên nổi tiếng của phim “Kong - Đảo đầu lâu” đến Việt Nam, cô đội nón lá, ăn bún chả và phát trên trang cá nhân thì hàng triệu người xem ngay lập tức. Đó là điều mà kênh quảng bá chính thống của chúng ta không làm được”, ông Trần Nhất Hoàng chia sẻ.
Theo ông Hoàng, chúng ta chưa có chính sách cụ thể về việc các đoàn làm phim vào Việt Nam và còn rất khó khăn trong thực hiện bởi vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành. Ngoài ra, chúng ta còn thiếu thông tin quảng bá ra nước ngoài; thiếu ngành bổ trợ như dịch vụ và kinh nghiệm (đạo cụ, thiết bị).
Ông Hoàng đề xuất những phương án quảng bá bối cảnh quay Việt Nam ra thế giới như: việc mời nghệ sĩ nổi tiếng thế giới giới thiệu về cảnh quay của Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp chủ động hoàn thiện dịch vụ, hoàn thiện ngành công nghiệp phục vụ quay phim đủ uy tín, quy mô và chuyên nghiệp; tạo nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác, liên kết, liên doanh với các hãng phim, các đại lý lớn của thế giới.
Giám đốc phụ trách châu Á- Thái Bình Dương của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) - James Cheatley cho rằng, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách cụ thể và rõ ràng về việc đón các đoàn làm phim quốc tế vào làm phim ở Việt Nam. Hiện nay, nhiều nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, New Zealand, Nhật Bản, Australia... đều có chính sách rất đầy đủ cho việc này. Cụ thể nhất, các quốc gia có chính sách hoàn thuế, ưu đãi các đoàn làm phim vào quốc gia họ. Họ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, quảng bá, giới thiệu thời tiết khí hậu, thủ tục, hỗ trợ thiết bị...
“Ngoài cảnh quan thiên nhiên, môi trường để quay phim thân thiện... Việt Nam cần có một đầu mối liên lạc để các nhà làm phim nước ngoài kết nối. Đầu mối này có thể giúp các đoàn làm phim các khâu thực hiện như xin giấy phép như thế nào, kết nối với các địa phương trong quốc gia đó, điều gì có thể hay không thể khi đến quốc gia này”, ông James chia sẻ kinh nghiệm.
TS. Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, với sự đa dạng, đặc sắc về bối cảnh quay phim, Việt Nam có thể tự tin phát triển thành điểm đến của thế giới về phim trường. Ngành du lịch hơn bao giờ hết phải tiếp tục phối hợp với ngành điện ảnh để quảng bá Việt Nam thành một điểm đến.
Trong chương trình quốc gia của Tổng cục Du lịch sẽ đề xuất với Cục Điện ảnh đưa các đoàn làm phim đi khảo sát các thắng cảnh của Việt Nam, cập nhật thành bộ dữ liệu số hóa các điểm đến để cung cấp cho các nhà làm phim quốc tế, giúp họ lựa chọn được những bối cảnh quay tốt nhất trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng đẩy mạnh các chương trình quảng bá dựa vào phim ảnh, dùng công cụ điện ảnh để tạo thành những clip quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và trên cơ sở dữ liệu của ngành du lịch. Chính những phim ngắn quảng bá du lịch sẽ là công cụ hiệu quả nhất vì thông qua phim ảnh có thể tác động mạnh đến người xem làm tăng thêm giá trị của những thắng cảnh.
“Để Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà sản xuất quốc tế nhờ vào các lợi thế về tự nhiên và con người cần có sự quan tâm và đầu tư đúng đắn, có chiến lược từ các cấp quản lý; sự nhạy bén, sáng tạo của doanh nghiệp du lịch và sự hợp tác của các nhà sản xuất phim trong và ngoài nước”, ông Siêu nói.
Hà Tùng Long
Ảnh: Minh Khánh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn