Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (1959 - 2019); Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn tổ chức triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn”. Với 3 chủ đề trưng bày: Dấu ấn một huyền thoại, Những bông hồng thép, Phía sau cuộc chiến… triển lãm tái hiện một con đường thời gian về Trường Sơn với sự bền bỉ của ý chí, sức mạnh của trái tim, khát vọng của tuổi trẻ và cả những hồn nhiên của đời thường…
Triển lãm kéo dài từ ngày 16/5 - 15/7 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội như thước phim chậm rãi tua lại để đến đúng khoảnh rừng đó, con suối nọ, trên chiếc xe kia, tại những hố bom này, trong những đêm mùa khô thiếu nước đến hanh hao, hay những ngày ngụp lặn trong mùa mưa cả tháng quần áo không khô… để hiểu hơn về lực lượng đặc biệt: những cô gái trên tuyến đường Trường Sơn.
Con đường Trường Sơn đã để lại những cái tên trở thành huyền thoại như mười cô gái Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc; Tiểu đoàn nữ chiến sĩ Trưng Trắc của tỉnh Hà Tây; Đội nữ chiến sĩ lái xe mang tên người nữ anh hùng quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh; Tiểu đoàn Vận tải 232 thuộc Cục hậu cần Quân khu V; hay những cái tên bất tử như Hồ Kan Lịch, La Thị Tám, Nguyễn Thị Huấn, Hồ Thị Thu Hiền, Đinh Thị Thu Hiệp…
Dựa trên lời kể cùng chân dung của 60 cựu nữ chiến sĩ, thanh niên xung phong, cuộc sống nơi chiến trường Trường Sơn được hiện lên đậm màu lính nhưng cũng đậm chất nữ tính với những câu chuyện dung dị, đời thường chứa đựng nỗi niềm của những người con gái nơi chiến trường. Cái thời mà mái tóc dài, đen mượt là một trong những chuẩn mực vẻ đẹp của người con gái, vậy mà “vào chiến trường hay bị sốt rét nên tóc rụng hàng ngày, có chị rụng trọc cả đầu. Người khóc, người hoảng sợ nên không dám chải đầu vì từng mảng tóc cứ rời ra”.
Đâu chỉ có vậy, ghẻ lở, sốt rét, bệnh phụ khoa cũng là “đặc sản” trên đất Trường Sơn và cũng chỉ có phụ nữ mới hiểu cái vất vả khi đến tháng mà điều kiện thì không đáp ứng: “Ở chiến trường con gái đến tháng khổ vô cùng. Cả ngày hành quân, tối nghỉ chân nếu cạnh suối thì không nói làm gì chứ ở lưng chừng đèo thì đành phải thay và quấn lại cho vào ba lô, đợi ngày hôm sau hành quân qua suối thì giặt”.
Vào chiến trường, bom đạn, cái chết các chị không sợ nhưng lại “sợ vắt”, sợ xấu, “sợ ma khi đi hành quân trong bóng đêm” hay “phát khóc khi gặp trăn” trong lúc đi hái rau rừng. Họ đã trải qua những xúc cảm cùng cực nhiều hơn cả một đời người có thể có: yêu thương, căm thù, ám ảnh, mất mát, sợ hãi, kiên cường…
“Nhớ đến kỷ niệm trong những năm tháng ở Trường Sơn, tôi không quên được những vất vả mà các chị em từng trải qua. Một năm chúng tôi có hai bộ quần áo, nếu không kịp giặt khô thì ẩm ướt suốt ngày. Vào Trường Sơn, nhiều người bị ruồi vàng đốt mưng mủ hoặc bị hắc lào. Nếu bị hắc lào thì chỉ có cách rửa sạch, lấy lá rừng sát vào chứ không có thuốc gì đâu. Vất vả là thế nhưng cuộc sống tinh thần vẫn vui, vẫn phấn đấu hết mình. Khi đi chiến trường, chúng tôi cuộc đời còn rất trẻ nhưng đều xác định: không nghĩ đến tình yêu, không nghĩ đến gian khổ và sẽ cống hiến hết mình cho tổ quốc”, bà Trần Thị Chung, cựu nữ chiến sĩ Trường Sơn chia sẻ tại triển lãm khai mạc sáng 16/5.
Khi nói đến sự vất vả, sức chịu đựng ghê gớm của chị em phụ nữ ở chiến trường, trước đó ôngNgô Hữu Minh, Trung đoàn 95, mặt trận B5, B3 nói: “Các chị luôn là người trực tiếp hứng chịu bom đạn nơi trọng điểm. Chúng tôi còn đùa rằng “Các chị cứ được không lực Hoa Kỳ đấm lưng liên tục”. Ấy thế mà các chị mạnh mẽ, kiên cường lắm. Có chị lúc cần thiết một mình vác cả thùng đạn ĐKB nặng hơn 40kg trên vai phục vụ bộ đội chiến đấu trong khi nam giới chúng tôi có lúc 2 người khiêng đã thấy nặng”.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng từng thán phục: “Trên chiến trường Trường Sơn, trên tuyến đường mang tên Bác Hồ vĩ đại có đội ngũ nữ chiến sĩ Trường Sơn “huyền thoại của huyền thoại” có mặt ở mọi nơi, mọi thời điểm, mọi công tác, mọi binh chủng. Công tác, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mang trên mình khí phách Bà Trưng, Bà Triệu.”
Họ là những anh hùng. Nhưng họ cũng là những người con gái. Khi chiến tranh đã lùi xa những “cô gái” bước ra từ cuộc chiến tiếp tục đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nhưng vẫn không quên nghĩa cử cao đẹp, tri ân tới các đồng đội đã ngã xuống. Cho đến hôm nay, trong họ vẫn mãi tỏa sáng một niềm kiêu hãnh Trường Sơn.
Một số hình ảnh tại triển lãm:
Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn