Tại chương trình “Văn Hiến Kinh Kỳ”, hơn 400 diễn viên đã kể câu chuyện “sử thi” về lịch sử hào hùng về đất nước Việt Nam trong thế kỷ XIX, qua 14 hồi của 3 chương: Thống nhất giang sơn, Đất nước thái bình và Ngàn năm văn hiến. Cố đô Huế là nơi ẩn chứa biết bao ký ức về triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam.
Chương 1 “Thống nhất giang sơn” có nội dung kể về quá trình thống nhất giang sơn, mở mang bờ cõi của triều đình và nhân dân dưới thời các hoàng đế triều Nguyễn mở đầu vào năm 1802 khi hoàng đế Gia Long chọn Phú Xuân định đô, hình thành nên triều đại nhà Nguyễn. Có nhiều chỉ dụ của triều đình cho thuỷ quân và Hải đội Hoàng Sa thăm dò và đo đạc đường thủy tại Hoàng Sa, xác lập chủ quyền về hải đảo.
Chương 2 “Đất nước thái bình” kể về đất nước với sự ổn định chính trị, kinh tế, cảnh thái bình với các hồi vận mới, điềm lành mở lối, mùa vụ bội thu và xuân nghinh khánh hỷ.
Chương 3 “Ngàn năm văn hiến” kể về sự mở mang nền giáo dục quốc dân, đào tạo nhân tài của triều Nguyễn. Hằng trăm quyết sách quan trọng về chấn hưng giáo dục (thể hiện qua Châu bản) đã được thực thi.
Theo TS.Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, kể từ năm 1802 đến năm 1945, triều Nguyễn trải qua gần 150 năm tồn tại và để lại cho hậu thế một phức hệ di sản với nhiều loại hình phong phú. “Văn hiến Kinh kỳ” là chương trình nhằm tôn vinh giá trị văn hoá tinh hoa của dân tộc, và còn là câu chuyện xâu chuỗi những sự kiện lịch sử để làm nổi bật 5 di sản văn hóa thế giới của Huế được UNESCO công nhận: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
Văn Hiến Kinh Kỳ với 3 chương 14 hồi kể câu chuyện hào hùng dân tộc và 5 di sản thế giới tại Huế
Tác giả: Bạch Châu – Đại Dương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn