NSND Hoàng Dũng dàn dựng "Nguồn sáng trong đời"
Nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) được coi là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch những năm 80 của thế kỷ trước. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt 2 vào năm 2000.
40 tuổi, ông có một gia tài gần 50 vở kịch và hầu hết các tác phẩm của ông đều có tính dự báo và ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Tôi và chúng ta, Nguồn sáng trong đời…
Đã 30 năm trôi qua kể từ khi nhà viết kịch tài danh Lưu Quang Vũ ngừng bút khi đang ở tuổi 40 đầy sung sức sáng tạo nghệ thuật, chưa bao giờ tên tuổi và ký ức về ông ngừng hiện hữu trên sân khấu nước nhà cũng như trong tâm trí khán giả. Để tri ân một tượng đài của nền kịch nghệ Việt Nam, nhiều Nhà hát đã bắt tay dàn dựng một số tác phẩm “vàng” của ông để ra mắt công chúng.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của Nhà thơ – nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ dàn dựng lại vở “Nguồn sáng trong đời”. Vở kịch do đích thân NSND Hoàng Dũng làm đạo diễn.
“Nguồn sáng trong đời” là một trong những tác phẩm kịch nổi tiếng của cố tác giả Lưu Quang Vũ, là một vở diễn ý nghĩa đến ngày hôm nay bởi tính nhân văn và tính dự báo về các vấn đề thời sự, xã hội.
Vở kịch kể về cuộc đời của Lê Chí – một họa sĩ mù bị thương bởi chiến tranh. Oanh - vợ Chí đến nhờ bác sĩ Thành – người quen cũ, đang làm chủ một công trình thực nghiệm ghép giác mạc để mong muốn chồng mình được nhìn thấy ánh sáng. Công cuộc đi tìm ánh sáng của vợ chồng Lê Chí – Kim Oanh gặp nhiều khó khăn bởi không ai dễ dàng tình nguyện hiến đi đôi tròng mắt của mình, kể cả những người đã chết. Mãi đến khi Chí gặp Toàn – một kỹ sư xây dựng bị ung thư giai đoạn cuối và mọi chuyện đã thay đổi…
Chia sẻ về việc “bắt tay” với Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng vở “Nguồn sáng trong đời” của cố tác giả Lưu Quang Vũ, NSND Hoàng Dũng cho biết, ông khá thân thiết với các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam vì ít ra hai nhà hát đều có vị trí chung trên một con đường trung tâm của Hà Nội - phố Tràng Tiền.
Hơn nữa, sau khi nghỉ hưu ở Nhà hát Kịch Hà Nội, ông cũng có khá nhiều thời gian. Nhưng hơn hết, NSND Hoàng Dũng rất muốn dàn dựng một vở diễn của kịch gia nổi tiếng Lưu Quang Vũ.
“Tôi thân thiết với gia đình anh Lưu Quang Vũ từ trẻ. Có thể nói tôi lớn lên, trưởng thành từ những tác phẩm văn, thơ, kịch của anh Vũ. Rồi sau này những tác phẩm, hình tượng nhân vật trong tác phẩm của Lưu Quang Vũ đã ngấm sâu trong sự nghiệp diễn xuất và làm đạo diễn của tôi. Cơ hội đến khi NSND Anh Tú tin tưởng cũng như Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát Kịch Việt Nam mời tôi đạo diễn vở “Nguồn sáng trong đời”, tôi thực sự hào hứng và cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc này”, NSND Hoàng Dũng cho biết.
NSND Hoàng Dũng cũng chia sẻ, khi nhận dàn dựng vở diễn này, ông có những áp lực không nhỏ. Bởi đã có nhiều đạo diễn thành danh với các vở kịch của Lưu Quang Vũ cũng như nhiều nhà hát dựng vở, gây tiếng vang. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có một số nhà hát dựng vở của Lưu Quang Vũ nhưng thường chưa mang lại sự hài lòng từ phía gia đình của cố kịch gia.
NSND Hoàng Dũng cho biết, theo một số thành viên của gia đình tác giả, các nhà hát, đạo diễn đã làm thay đổi ít nhiều “chất” vốn có của Lưu Quang Vũ. Mỗi đạo diễn đều có quyền sáng tạo để mang tới khán giả ngày hôm nay nhìn nhận những giá trị của Lưu Quang Vũ trong hơi thở cuộc sống hôm nay, chứ không phải cách nhìn của thời xưa cũ.
Vì thế, theo NSND Hoàng Dũng, ông và ê-kíp dàn dựng sẽ tìm hướng hợp lý nhất để vở diễn của Lưu Quang Vũ luôn giữ nguyên những giá trị, giữ “chất” của Lưu Quang Vũ nhưng vẫn bắt kịp với nhịp sống đương đại.
Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ
Tên tuổi của Nhà thơ – nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cũng đã gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Trên hành trình 40 (1978 – 2018) năm mang nghệ thuật đến với khán giả, Nhà hát Tuổi trẻ đã lần lượt được đưa lên sân khấu và làm dầy thêm những kịch mục biểu diễn của nhà viết kịch tài năng này như: Tin ở hoa hồng, Lời thề thứ 9, Mùa hạ cuối cùng, Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lời nói dối cuối cùng, Ai là thủ phạm và gần đây nhất là Hoa cúc xanh trên đầm lầy, một trong 4 vở diễn giành Huy chương vàng tại Liên hoan Kịch nói Toàn quốc 2018.
Sắp tới đây, Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức đợt biểu diễn các tác phẩm đặc sắc của Nhà thơ – nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã thành danh trong các kỳ Liên hoan sân khấu toàn quốc góp phần làm nên tên tuổi của Nhà hát Tuổi trẻ với tên gọi “Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ”.
Sự kiện này sẽ mang đến cho khán giả cơ hội được thưởng thức các tác phẩm sân khấu đặc sắc được thể hiện xuyên suốt chặng đường 40 năm Nhà hát Tuổi trẻ với “Kịch Lưu Quang Vũ”. Đây sẽ là một không gian nghệ thuật mang đến nhiều cảm xúc đẹp, nước mắt, tiếng cười cùng những thổn thức, đồng vọng, thêm một lần nữa khẳng định tài năng và những giá trị nghệ thuật đích thực sẽ vẫn tiếp tục được trân trọng, vinh danh và tỏa sáng lấp lánh.
“Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ” sẽ ra mắt khán giả vào các tối thứ Bảy từ ngày 4/8 đến ngày 1/9/2018 với các vở diễn: Lời nói dối cuối cùng, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Ai là thủ phạm?, Lời thề thứ 9.
“Lời nói dối cuối cùng” là một vở kịch đậm chất hài dân gian, hóm hỉnh nhưng vẫn mang trong mình thông điệp cốt yếu của Lưu Quang Vũ: “Sự trung thực hay lòng tốt của con người phải được xây dựng trên cơ sở của chữ “Chân” chứ không thể dùng sự xảo biện, dối trá để đạt được những mục đích tốt đẹp”.
Lần đầu tiên, vở kịch do đạo NSND Phạm Thị Thành dàn dựng cho lớp diễn viên tài năng của Nhà hát Tuổi Trẻ ngày ấy như: Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung, Đức Hải ... được công diễn vào tháng 12/1985 và được khán giả đón nhận đầy ấn tượng.
Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành, người được xem là dựng nhiều kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ nhất (22 vở) cho biết: “Kịch của anh Vũ luôn phản ánh những sự oan khuất, bức xúc, những điều bất công hay những thói xấu trong xã hội. Đặc biệt, anh luôn nhấn mạnh đến phẩm chất của con người, luôn tin tưởng vào những điều trong sáng, công bằng, vào lý tưởng để có thể dám đứng thẳng mình bảo vệ lẽ phải”.
Năm 2016 này, vở diễn do đạo diễn, NSƯT Phạm Chí Trung phục dựng, với sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên thuộc thế hệ rất trẻ với nhiểu gương mặt xuất sắc từng giành được huy chương vàng, bạc trong Liên hoan Sân khấu kịch năm 2015 của Nhà hát Tuổi Trẻ.
Với mong muốn đổi mới và tạo sự khác biệt, đạo diễn NSUT Chí Trung đã mời nhạc sĩ Quốc Trung sáng tác nhạc cho vở diễn theo phong cách dân gian đương đại, họa sĩ NSUT Doãn Bằng thiết kế mỹ thuật sân khấu với nhiều rất nhiều điểm sáng tạo khác biệt ở cách xử lý không gian sân khấu mở cũng như mảng thiết kế trang phục, lối diễn xuất bình dị đầy nét hài hước, hóm hỉnh của các nghệ sĩ tạo nên sự gần gũi, tương tác với người xem. Về mặt thủ pháp sân khấu cũng có tính chất giãn cách để khán giả đón nhận vở diễn như một câu chuyện được kể lại đầy sinh động trên sân khấu.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn