Siêu công nghệ có thể giúp runner chinh phục rào cản 2 giờ

Thứ ba - 15/11/2022 02:09

Đạt thành tích sub2 trong chạy marathon có thể sẽ phổ biến hơn khi các VĐV trong tương lai gần có thể hưởng lợi từ các siêu công nghệ.

Eliud Kipchoge vô địch Berlin Marathon ngày 25/9 với thời gian 2 giờ 1 phút 9 giây, thiết lập kỷ lục thế giới. Thành tích này đồng nghĩa chân chạy sinh năm 1984 của Kenya chưa thể chinh phục rào cản 2 giờ (sub2) trong một giải chạy marathon chính thức - một cột mốc được coi là bất khả thi với con người.

Thực tế, Kipchoge đang là người duy nhất trên thế giới chạy marathon sub2 nhưng với các điều kiện xung quanh đã được kiểm soát, như không có đối thủ, được máy chiếu laze dẫn đường và đội pacer luân phiên hỗ trợ. Do đó, thành tích 1 giờ 59 phút 40,2 giây của Kipchoge ở Vienna, Áo, tháng 10/2019 không được công nhận là kỷ lục thế giới.

 
Máy chiếu laze dẫn đường tối ưu cho Kipchoge (áo trắng) tron khi các pacer được bố trí chạy theo các vị trí giúp chắn gió tốt nhất cho anh khi huyền thoại Kenya chinh phục sub2 ở sự kiện INEOS 1:59 năm 2019. Ảnh: INEOS 1:59

Máy chiếu laze dẫn đường tối ưu cho Kipchoge (áo trắng) trong khi các pacer được bố trí chạy theo các vị trí giúp chắn gió tốt nhất cho huyền thoại Kenya, khi anh chinh phục sub2 ở sự kiện INEOS 1:59 năm 2019. Ảnh: INEOS 1:59

Frank Diana là nhà nghiên cứu tại công ty công nghệ thông tin Tata Consultancy Services (TCS) - đơn vị tài trợ của hai giải chạy London và New York City Marathon. Chuyên gia này vừa đưa ra một số ý tưởng về siêu công nghệ giúp xóa bỏ 69 giây "dư thừa" của Kipchoge.

Theo đó, trang phục thi đấu trong tương lai có thể làm từ chất liệu tiên tiến, có khả năng tự động điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và điều kiện thời tiết để tạo ra nhiệt độ tối ưu cho người mặc. Kính mắt hay kính áp tròng sẽ sớm có thể hiển thị các thông số quan trọng như điều kiện gió hay cơ thể VĐV đang thế nào, cung cấp thêm căn cứ để họ quyết định tăng hay giảm tốc độ.

Dinh dưỡng trước và trong giải chạy có thể có sự tham gia của các máy in 3D, cung cấp hỗn hợp thực phẩm phù hợp nhất dựa theo dữ liệu thời gian thực. Dữ liệu này sẽ được gửi từ các nanobot sống trong mạch máu, dạ dày cùng những cơ quan khác trong cơ thể vận động viên để giám sát sức khỏe ở cấp độ phân tử.

"Chúng ta dường như sẽ thấy các ranh giới giữa công nghệ và vận động viên được xóa bỏ dần. Xương bên ngoài, cấy ghép, các bộ phận cơ thể nhân tạo hoặc sự hội tụ giữa người-máy có thể thay đổi VĐV và do đó, thay đổi các môn thể thao", Diana nói.

Theo Diana, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu các quy định trong thể thao có thể thích nghi đủ nhanh để cho phép hoặc cấm những công nghệ tiên tiến kể trên hay không.

Tác giả: Thùy Linh

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây