Chất liệu sơn mài xuất hiện tại Việt Nam từ hơn 2.500 năm trước, nhưng đối với mỹ thuật Việt Nam, khoa sơn mài được đưa vào giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoảng 1927, do Joseph Inguimberty phụ trách, Alix Aymé giúp đỡ về phương pháp tiến hành. Ngày 24/5/1938, sơn mài được chính thức chấp nhận một cách rõ ràng theo cải cách trường Mỹ thuật Đông Dương bởi Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié.
Cho đến nay, sơn mài là một bộ phận quan trọng của mỹ thuật Việt Nam có thể sánh với nghệ thuật sơn mài Nhật Bản, và rất nhiều họa sĩ trẻ vẫn tiếp tục theo gót cha ông. Tuy nhiên, thay vì bố cục những mảng màu lớn như tiền nhân, các họa sĩ trẻ cải cách phương diện hình họa, cho ra một trào lưu nghệ thuật mới mà chúng tôi tạm gọi là sơn-mài-hiện-thực (la laque-réalisme). Lưu Hoàng là một trong những họa sĩ theo trào lưu này.
Điều đầu tiên đập vào mắt người xem là nét trong trẻo và chiều sâu của bức tranh. "Quê ngoại" mang cho chúng ta một cảm giác yên bình và ấm áp, lẫn vào đó là tình cảm ngọt ngào, thanh thản.
Những mảng vàng được dát lên con đường quê tạo ra một thứ ánh sáng có màu sắc huyền hoặc. Nắng vàng rực rỡ và trong trẻo như thế, phải chăng buổi chiều sắp qua, nhường bước cho hoàng hôn ? Nắng chiều chan hòa lên con bò mẹ đang nhởn nhơ sưởi ấm sau một ngày làm việc, sảng khoái trao dòng sữa ngọt cho chú bê con. Xa xa, bà ngoại và cháu đang ngồi trước cửa, vừa chuyện trò vừa ngắm đàn gà đông đúc.
Bức tranh quê gợi lên lời ca tha thiết, như tiếng sáo diều nhẹ nhàng vang vọng đâu đây, "...Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm, chạy dài trên khóm cây đàn chim ríu rít ca. Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm, chuyện trò chung với nhau, đời sống thần tiên..." (Hoàng Quý, Chiều quê).
Vỏ trứng được tác giả khéo léo dùng để thể hiện những đóa hoa nắng khi ẩn khi hiện sau tàng cây, hắt lên bờ tường đất lấp lóa nền màu nâu đen, nhảy múa trên những phiến đá gồ ghề, tạo nên tính linh động nhẹ nhàng...
Những chi tiết và đường nét của tranh được mô tả một cách rất tỉ mỉ và kỹ lưỡng, mang nhiều dấu ấn của trào lưu nghệ thuật hiện thực (réalisme).
"Quê ngoại" có bố cục mở rộng rất vững vàng, khách thưởng ngoạn có thể hình dung sau lối nhỏ kia là một bầu trời bát ngát, mang đến một tình cảm điềm tĩnh, an nhiên. Độ viễn cận được tôn trọng, thể hiện rõ ràng chiều sâu của tranh.
"Quê ơi, còn nhớ tới bây giờ/Những buối trưa hè, tiếng võng xưa / Câu chuyện đêm trường bên giếng nước / Tiếng buồn, ai hát giọng đò đưa ?" (Đinh Hùng, Lạc hướng mây Tần).
Lưu Hoàng bày tỏ với chúng tôi rằng lần đầu đặt chân đến vùng đất này, anh có cảm giác tò mò, vừa lạ vừa quen, do phong cách bày trí đồ vật cũng như thổ nhưỡng cằn cỗi và khí hậu khô hanh..., làm lòng anh thổn thức mang mang.
Đối với "Quê ngoại", chúng ta dường như có thể bắt gặp trong tranh hơi thở anh nồng nàn người con miền đất núi, hay chới với một lối mòn đầy nắng trong buổi chiều gắn với tình yêu quê hương sâu lắng.
Có hay không bức tranh đã được tác giả vẽ bằng tất cả tấm lòng yêu mến thiên nhiên, và trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn, phải chăng anh cho rằng từ cằn cỗi miền trung du quê ngoại ấy vẫn nở được những đóa hoa thơ mộng và ước vọng ngất ngây ?
Tác giả: Ngô Kim Khôi
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn