Bài viết ghi lại chuyến ông cùng nhà thơ về thăm tỉnh Thừa Thiên - Huế vào tháng 7 năm 1975 (bài này không có trong tập Hồi ký “Trên nẻo đường này xưa ta đã đi” của cùng tác giả, Nxb. Văn học, 2019).
Ôi, cơ chi anh được về với Huế
Không đợi trưa nay phượng nở với cờ
(Tố Hữu)
Mùa hè năm 1975, sau một tháng xắn quần lặn lội khắp đồng bằng Tây Nam Bộ vừa vào mùa mưa, tôi về Hà Nội mang bên mình mấy tệp tư liệu vừa sưu tầm, ghi chép cùng ngồn ngộn cảm xúc về vùng đất lần đầu đặt chân tới mà sao gần gũi thân thương.
Lụi hụi viết vội cho xong bài “Những cánh đồng thẳng cánh cò bay”, một bài bút ký khá dài, đăng sáu kỳ liền trên báo Nhân Dân[1] làm tôi mệt bã người.
Định xả hơi vài bữa, chợt có điện thoại từ chỗ anh Lành gọi sang[2]. Ở đầu dây kia không phải tiếng người thư ký của anh như thường lệ mà giọng hào hứng của chính nhà thơ:
- Phan Quang ơi, ta về Huế đi! Ta cùng nhau làm một chuyến về quê, rồi từ Huế sẽ túc tắc đi suốt miền Trung trở lại Sài Gòn. Thú vị đấy, Phan Quang hè!
Mới hơn một tháng trước đây thôi, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi đã được dịp theo anh làm một chuyến đi “hỏa tốc”, từ Sài Gòn xuôi về tận đất mũi Cà Mau bồng bềnh trên các kinh rạch rừng U Minh, sang Bến Tre thăm nôi đồng khởi, thắp nén hương lên mộ tác giả Lục Vân Tiên, đến An Giang viếng Tổ đình đạo Hòa Hảo, ghé Mỹ Tho nhìn sông nước Tiền Giang ở Rạch Gầm nơi từng xảy ra trận Nguyễn Huệ diệt quân xâm lăng, dùng bữa cơm tối với gia đình liệt sĩ Lê Thị Hồng Gấm, mâm cơm bình dị đặt phía trước bàn thờ tiên tổ nay vừa có thêm di ảnh của người cháu gái…
Tôi hiểu, nỗi niềm đau đáu của nhà thơ trước sau vẫn là được sớm trở về thăm Huế quê mẹ.
Để tiết kiệm thời gian và đỡ vất với chặng đường từ Hà Nội đến Quảng Trị bị bom đạn Mỹ tàn phá nặng nề trong suốt bao năm, chúng tôi bay vào Huế, thăm và làm việc tỉnh Thừa Thiên, từ đấy theo đường bộ vào Nam, một chặng đường qua một tỉnh, đến đâu nghỉ và làm việc tại đấy.
Chiếc máy bay cánh quạt nhỏ AN24 bay thấp là là men duyên hải từ Thái Bình, Nam Định vào miền Trung. Chừng nửa tiếng sau, từ trên cao nhìn xuống thấy rõ cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia (Nguyễn Du) và bãi cát dài lại bãi cát dài/ đi một bước như lùi một bước (Cao Bá Quát), máy bay giảm độ cao chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Phú Bài.
Kia kìa, về bên trái lấp lánh phá Tam Giang, về bên phải là Chợ Sịa, Bao Vinh, và đây rồi dòng Hương Giang một dải lụa xanh uốn lượn cùng cố đô Huế ẩn hiện sau làn mây nhẹ.
Nhà thơ hào hứng giới thiệu với anh em: “Nói Huế là nói đến cái đẹp, chất thơ, tình cảm. Ít có nơi nào trên đất nước ta mà thiên nhiên hài hòa núi, sông, biển như tại xứ Huế này. “Gió khơi Bạch Mã, sóng đèo Hải Vân”. Bạch Mã là điểm cao chênh vênh trên sườn núi, người ta lên Bạch Mã nhằm đón gió biển Đông. Hải Vân Quan đèo cao bốn mùa mây phủ, đi ngang qua đèo ta nghe sóng biển rì rào bên dưới chân mình. Đến Huế sáng ta có thể đặt chân lên dãy Trường Sơn, chiều về tắm biển cửa Thuận An, đêm ngủ trên đò sông Hương...”
Anh Tố Hữu say sưa nói về Huế làm tôi nhớ lời một nhà báo nước ngoài viết về cuộc chiến đấu kiên cường của Huế trong và sau Tết Mậu Thân 1968: “Có một địa danh đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Đó là Huế kinh đô của nước Việt Nam xưa. Huế đang đi vào lịch sử nhân loại như một thành phố anh hùng”.
Nơi nhà thơ đặt chân đến đầu tiên trong chuyến thăm này, ngay sau khi máy bay vừa hạ cánh xuống Phú Bài, không phải là cổng Ngọ Môn, Phú Văn Lâu hay sông Hương núi Ngự mà là các làng quê nội ngoại của anh ở tận bắc Thừa Thiên Huế.
Đầu năm 1955, ít lâu sau ngày đất nước bị ngăn cách bởi cái được gọi là “Vĩ tuyến 17” con đường chỉ có trong trí tưởng tượng của con người nhưng lại khớp với một dòng sông hiện hữu ở Quảng Trị từ rừng núi Tây xuôi về biển Đông, Tố Hữu đã làm một bài thơ “Quê mẹ”[3] gửi Huế yêu da diết nhớ thương:
Nhớ tự ngày xưa tuổi chín mười
Mây núi hiu hiu chiều lặng lặng
Hai năm trước, ngay sau ngày Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 bắt đầu có hiệu lực, Tố Hữu làm một chuyến công tác từ Hà Nội thẳng vào Vĩnh Linh, vui Tết với anh em bên bờ sông Bến Hải vừa có chiếc cầu phao được công binh ta bắc vội trong đêm nối liền hai bờ Nam Bắc.
Đêm ba mươi Tết, anh rủ tôi vào đón Giao thừa tại một dãy đồi xao xác cỏ tranh cao lút đầu người nằm ở khoảng giữa bờ Nam sông Hiền Lương và bờ bắc sông sông Thạch Hãn.
Chừng mươi hôm sau, anh lại được Ban Bí thư Trung ương Đảng phân công làm một chuyến đi Nước non ngàn dặm, từ Quốc lộ 9 tỉnh Quảng Trị theo đường mòn Hồ Chí Minh xẻ dọc Trường Sơn vào Lộc Ninh, Nam Bộ. Anh đã ngang qua tỉnh Thừa Thiên nhưng lần ấy chỉ có thể đứng từ ở lưng chừng núi ngó xuống đồng bằng:
Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên
Anh nhớ quê nội làng Phù Lai, anh nhớ quê ngoại làng Thanh Lương, nơi đây cậu bé Nguyễn Kim Thành học vỡ lòng rồi đi học đến hết “tuổi chín mười” mới vào Huế học tiếp và tham gia cách mạng:
Anh còn lặn lội đường xa
Sông Hương đành nhớ, chưa qua sông Bồ
Phù Lai ba bến con đò
Thanh Lương quê ngoại câu hò còn chăng
***
Và hôm nay đây, sau gần ba mươi năm xa cách, anh đã đến nơi có con đò ba bến và câu hò mái đẩy như vẫn còn văng vẳng đâu đây!
Tố Hữu về thăm quê ngoại trước. Anh tìm về căn nhà cổ của ông ngoại anh nay không có người ở, được một người bà con trông nom giúp.
Anh bâng khuâng hồi lâu bên khóm hoa hải đường phía trước sân nhà, tôi không rõ đây là khóm hoa tuổi thiếu niên anh hay mới được trồng lại sau này, dù có hơi cằn cỗi cây hải đường vẫn ngậm bốn năm bông hoa chưa kịp nở nhìn từa tựa những quả cau màu đỏ xen vào giữa những cành lá hải đường luôn xanh màu lục đậm.
Bên cạnh khóm hoa hải đường là một cây măng cụt với những chùm quả con con. Và thật lạ sao, sát cái bể hình chữ nhật xây bằng gạch vôi nay đã vỡ nát nhiều mảng - người Huế gọi bể cạn - một bụi trầu không già vẫn bám chắc vào thân cây vông mà leo lên mãi trên cao mới ra lá.
Ngôi nhà đã lâu không có người ở, cái sân trước nhà nay là một vạt đỗ xanh, còn cái vườn sau nhà xưa chắc có lắm bưởi cam chuối mít cau nay trồng sắn.
Anh bước vào bên trong căn nhà vắng chủ. Bộ khung nhà rường bằng gỗ thượng mít hạ gõ vẫn đứng vững trước kia, tuy nhiên cái mái ngói lợp bằng những tấm ngói liệt nay đã long vôi vữa sụt gần hết vì thời gian và do phải thường xuyên hứng chịu chấn động của đạn bom.
Nhà thơ bước sang gian hồi bên phải ngôi nhà, nơi đây có bộ bàn thờ, dưới nền nhà ngổn ngang ngói vôi vỡ vụn từ mái nhà rơi xuống.
Vật đẹp duy nhất còn sót lại là một đôi câu đối chữ nho treo trên hai cái cột trước bàn thờ, trên nền gỗ chạm hoa văn thiếp vàng nổi bật hai dòng chữ đen tuyền nước sơn ta, phía dưới một vế đã vỡ nát một khúc, không rõ tại lâu ngày gỗ mục hay là do nhiều lần va đập vào cột nhà những khi bom rơi đạn nổ.
Anh nói nhỏ với tôi: “Hồi nhỏ mình cùng chú em họ hằng ngày học tại nơi đây”. Đồng chí bí thư Đảng uỷ xã là người dẫn đường “đoàn khách Trung ương” và từ nãy vẫn khiêm nhường đi sau hai ông khách, bước lên giới thiệu: “Căn nhà này là địa điểm hội ý của Đảng uỷ xã chúng tôi những ngày tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm nay”.
Thật tuyệt vời! - Tôi thầm nghĩ. Các bạn đã chọn một căn nhà vắng chủ, hầu như không có người lui tới, làm nơi họp bàn và quyết định những chủ trương đối đầu với địch.
Từ ngôi nhà cũ của ông ngoại anh Lành đi thăm một số bà con có nhà ở gần đấy. Một người chị họ nắm chặt bàn tay cậu em khóc nghẹn ngào. Chồng chị tập kết ra Bắc biền biệt từ cuối năm 1954 đến nay, dù chị vẫn hay anh đang làm việc tại một nông trường ngoài ấy. Chị dẫn anh Lành và tôi xuống căn bếp lụp xụp, người cao vào căn bếp này không thể đứng thẳng vì đầu người sẽ chạm mái.
Chị lẳng lặng đưa một bàn chân gạt đống tro tàn trên cái bếp lạnh sang một bên rồi cúi người nhấc bổng cái khay gỗ khá lớn hình chữ nhật chứa đầy đất lẫn với tro bên trong, để lộ ra một cái lỗ đen ngòm: lối xuống cái hầm bí mật chị nuôi giấu cán bộ đấy.
Lẽ sống của người đàn bà này mấy chục năm qua là quần quật làm ăn, nuôi giấu cán bộ, đợi ngày thắng lợi và chờ chồng.
Bà con còn chỉ cho chúng tôi xem một số căn hầm bí mật khác, ở những chỗ thật bất ngờ: bên góc bếp, sát chân tường, phía dưới bàn thờ, dưới cả gầm giường cô con gái út... Một bà cụ chỉ căn hầm trong nhà mình nói với anh Lành:
- Thằng Bê trước vẫn núp ở đây, chú à.
Bê là tên thường gọi của đồng chí Bình, Uỷ viên Thường vụ Huyện uỷ phụ trách khu vực mấy xã này. Anh đã hy sinh vì quê mẹ.
Trong số bà con già trẻ xúm quanh nhà thơ và tranh nhau trò chuyện, tôi để ý một cô gái khoẻ mạnh, xinh xắn, nói năng bạo dạn. Anh bí thư Đảng uỷ xã cười cười:
- Nữ sinh Trường Chu Văn An, Hà Nội đó, anh à.
Trường Chu Văn An, Hà Nội? Tôi tưởng anh nói vui. Bởi từ cách ăn mặc, dáng điệu đến lời ăn tiếng nói của cô đều đặc sệt Huế. Cô gái nở nụ cười tươi xác nhận.
Dạo Tết Mậu Thân 1968, cô thiếu nữ Nguyễn Thị Hoa vừa chạm tới tuổi vào Đoàn thanh niên, cô hăng hái phục vụ chiến đấu mãi đến khi phải cùng đơn vị quân đội rút khỏi địa bàn này. Hoa được ra Bắc học Trường học sinh miền Nam, sau đấy vào Trường Chu Văn An. Chưa kịp học hết cấp III, Hoa được gọi về quê làm việc ngay tại xã mình. Đêm lò dò đi công tác, ngày chui xuống căn hầm gần nhà mẹ đẻ. Bà mẹ cô gái những lúc đến chỗ có đông người lại xụt xùi khóc mếu than van: “Con bé nhà tôi vẫn biệt mù tin tức, chắc hắn đã chết mất xác tại một nơi nào đó rồi!”.
Bà con dẫn chúng tôi đến một căn nhà nhỏ nhưng khá sạch sẽ, ngăn nắp. Một cụ già tóc bạc, người cao và hơi gầy trong bộ áo bà ba trắng, lịch sự mời khách vào nhà dùng với cụ chén nước. Chị bí thư chi bộ Đảng giới thiệu:
- Thầy tôi đây. Thầy nay 79 tuổi. Căn nhà này là nơi ở của hai cha con.
Chúng tôi hỏi thăm cụ về hoàn cảnh có vẻ neo đơn của gia đình cụ: Người cha già tóc bạc cùng người con gái đứng tuổi và dường như như không lấy chồng, sống nương tựa vào nhau. Cụ không trả lời, chỉ lặng lẽ đứng lên bước tới gần bàn thờ, vén bức màn lấy mang ra đưa chúng tôi xem một khung kính có tấm ảnh chân dung một chàng trai mái tóc bồng bềnh xòa xuống trán và chiếc áo sơ mi khá điệu đà.
- Thằng con trai út của tôi trước cũng có làm công tác như chị gái hắn. Bóng hắn đây!
Đồng chí bí thư Đảng ủy xã tiếp lời cụ, nói rõ hơn: Anh tên là Nguyễn Ích Hà bí danh Việt, cựu sinh viên Luật, anh từng làm Bí thư Đoàn Thanh niên thành phố Huế. Anh hy sinh trong một trận chiến dịp Tết Mậu Thân 1968.
Làng “Thanh Lương quê ngoại” của tác giả bài “Quê mẹ của ta ơi” là như thế đó.
***
Từ làng Thanh Lương quê ngoại chúng tôi sang làng “Phù Lai quê nội” của anh. Hai làng cách nhau có mỗi dòng sông với con đò ba bến nhưng cảnh vật khác hẳn nhau.
Nếu ở làng Thanh Lương vẫn còn một số nhà cửa vườn tược thì cảnh vật làng Phù Lai lại hết sức tiêu điều. Bởi làng Phù Lai cũng như làng Niêm Phò quê của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở phía bờ bên kia con hói ranh giới địa phận giữa hai làng đều thuộc vùng được quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn xếp vào loại được “tự do bắn phá”. Hoàn cảnh người Phù Lai và dân Niêm Phò do đó éo le hơn người Thanh Lương nhiều.
Phù Lai từ thời trước đã là một làng nghèo, ruộng lúa ít, nguồn sống chính của dân làng là cây thuốc lá và cây cà lấy quả. Làng Phù Lai ngày nay gần như bị bỏ hoang, bởi dân làng đã bị địch lùa đi sống tại tập trung nhiều nơi khác nay mới lục tục trở về.
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà một người anh họ của anh Lành, thân sinh đồng chí Bình “thằng Bê” mà bà chị họ anh nhắc tên hồi nảy.
Một túp lều tranh mới dựng lại chưa lâu giữa cái vườn xơ xác với mấy luống cà đang trổ hoa tím cùng khóm mía lao xao trong gió chiều. Bà chị họ già quàng hai tay ôm chặt vai “cậu Lành” tóc cũng đã điểm nhiều sợi bạc, òa ra khóc như mưa. Lát sau mới thấy một chàng trai rụt rè ra chắp hai tay chào chú. Cậu là em trai út của anh Bê.
Cậu từng noi gương hai anh, tham gia Quân Giải phóng miền Nam chẳng may bị địch bắt bỏ tù. Từ trại tù ra, hoàn cảnh éo le xô đẩy anh vào hàng ngũ quân đội Sài Gòn, vừa trở về làng sau ngày giải phóng. Anh chàng mặc cảm, không dám ra ngay từ đầu để cùng các bà con khác tay bắt mặt mừng đón chào ông chú họ.
Đi sâu hơn vào cảnh huống của gia đình tôi càng hiểu rõ hơn những giọt nước mắt tủi tủi mừng mừng của bà nông dân chất phác thân mẫu của ba chàng trai. Bà có người con trai cả hoạt động kiên cường và đã hy sinh cho cách mạng, đó là đồng chí Bình. Người con trai thứ của bà đang học năm cuối cấp tú tài - chao, vất vả biết bao cho một gia đình nghèo khó nuôi con ăn học đến ngần ấy - thì bị địch bắt đày đi Côn Đảo, có thể tại anh tham gia đấu tranh, cũng có thể anh chịu liên lụy vì ông anh trai.
Cậu thứ ba này, bà những tưởng rồi sẽ đi tiếp con đường sáng của hai anh, ai ngờ sa vào lầm lạc. Những giọt nước mắt của bà mừng được gặp cậu em họ sau ba mươi năm xa cách, buồn vì thương tiếc con trai cả, nhớ đứa con thứ nay đã ra tù song mãi bận công tác ở đâu xa chưa về thăm mạ, và tủi cho phận cậu con trai út cuộc đời chẳng may tì vết...
Anh chàng này dẫn ông chú đi thăm mộ bà nội anh mà mặt cứ buồn rười rượi, chú có hỏi mới dám trả lời. Anh Lành lựa lời nói vui an ủi cháu:
- Cháu đã đi bộ đội hai năm, thế là có nhiều điểm cộng. Bốn năm ở tù, thêm mấy điểm cộng nữa. Những năm làm lính ngụy, toàn điểm trừ. Nhìn chung lại hiện nay cháu trừ nhiều hơn cộng. Nhưng chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với những ai trót lầm lạc sáng tỏ như ban ngày. Cháu còn trẻ tuổi, cháu đã nhận ra lầm lỗi, cháu cố gắng vươn lên thì cuộc đời của cháu sẽ toàn điểm cộng, và cũng chẳng ai buồn nhớ đến điểm trừ của ai trong quá khứ.
Chàng trai khẽ: “Dạ”. Tôi nghe giọng anh dường như có một thoáng vui.
Từ Phù Lai, anh Lành vào Huế. Một bà, tôi không rõ có quen anh từ trước hay không, hỏi qua nụ cười xứ Huế:
- Huế giải phóng đã lâu sao anh về muộn vậy?
- Tôi đâu có về muộn, ấy là tại Huế đi nhanh.
… Ôi cơ chi anh được về với Huế
Không đợi trưa nay phượng nở với cờ
Cơ chi anh được sớm về bên nội
Hôn nỗi đau tan nát Phù Lai
Như quê bạn Niêm Phò trơ trụi
Đạn bom cày cả nương sắn đồng khoai
Cơ chi anh sớm được về bên ngoại
Giữ bờ tre bến nước Thanh Lương
Thương các cậu các dì chịu khảo tra không nói
Đào hầm nuôi cán bộ tháng năm trường…
2020
[1]. Từ ngày 18 đến 23-6-1975.
[2]. Anh Lành: tên gọi thường ngày của nhà thơ Tố Hữu.
[3. In trong tập “Bên dòng sông Bến Hải”, Nxb. Văn học, 1959.
Phan Quang
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn