Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi, 6 mộ cổ vừa được phát hiện tại khu vực suối Chình (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) là của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Bao gồm loại mộ vò, mộ nồi, mộ đất có niên đại thế kỷ I, II sau Công nguyên. Bên trong mộ cổ có chứa nhiều đồ tùy táng là khuyên tai, hạt cườm đá, chuỗi hạt chế tác từ vỏ ốc tượng.
“Các mộ này chứa di cốt của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Trong một số mộ có nhiều đồ tùy táng nhưng một số mộ không có. Điều này cho thấy có sự phân chia giàu nghèo trong xã hội", Tiến sĩ Khôi nhận định.
Suối Chình bắt nguồn từ núi Thới Lới chảy ra biển, trước kia suối này có nhiều cá chình nên người dân đặt tên là suối Chình. Hàng ngàn năm trước, cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã chọn chân núi Thới Lới, nơi gần với nguồn nước ngọt, gần suối để sinh sống.
Theo Tiến sĩ Khôi, văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn được hình thành từ dòng chảy văn hóa Sa Huỳnh ở đất liền. Văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn mang đậm tính chất biển đảo, tạo nên loại hình mới của văn hóa Sa Huỳnh. Vì vậy, việc khoanh vùng bảo vệ, khai quật, bảo tồn và trưng bày phục vụ phát triển du lịch là điều cần thiết.
Trước đó, vào các năm 2000 và 2005, Viện Khảo cổ phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện khai quật tại điểm khảo cổ suối Chình. Năm 2018, các nhà khảo cổ học tiếp tục thăm dò khảo cổ và tiến hành khai quật để bảo tồn địa điểm khảo cổ này.
Tác giả: Quốc Triều
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn