Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã sáng tác khoảng gần 100 ca khúc. Bên cạnh những ca khúc quá nổi tiếng như “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê” còn là những ca khúc được khán giả mến mộ không kém, như “Đôi mắt đò ngang”, “Tình ca bên một dòng sông”, “Non nước Cao Bằng”, “Mẹ tôi”, “Đồng Lộc thông ru”, “Tình ca hạt giống vàng”, “Trống hội cổng làng”, “Tình Thu”, “Tình Đông”, “Tình Xuân”, “Tình Hạ”, “Con dế buồn”, “Mưa”, “Nghe biển ru đêm”, “Tình ca hoa cúc biển”…
Có một điều lạ ở đây, mặc dù là nhà thơ nhưng Nguyễn Trọng Tạo thường không tự phổ nhạc những bài thơ của mình. Phần lớn các bài hát của ông là được sáng tác dựa trên… thơ của người khác! Và nhiều bài thơ của ông cũng được các nhạc sĩ khác phổ nhạc trở thành những ca khúc nổi tiếng. Chia sẻ về điều này, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nói: “Những bài thơ của mình đã được mình dồn hết cảm xúc và ý tứ, chỉ đến những bài thơ của những tác giả khác mình mới tìm thấy cảm hứng mới lạ để phổ nhạc”.
Có hai bài hát của 2 nhạc sĩ nổi tiếng được chắp cánh từ hai bài thơ hay của Nguyễn Trọng Tạo, đó là ca khúc “Một dại khờ một tôi” (nhạc sĩ Phú Quang), và ca khúc “Cỏ và mưa” (nhạc sĩ Giáng Son). Hai người nhạc sĩ này cũng đồng thời là những người bạn thân thiết của Nguyễn Trọng Tạo ngoài đời. Họ đã đến với đêm nhạc “Khúc hát sông quê” diễn ra tối ngày 8/9 tại Nhà hát Lớn với vai trò khách mời. Khi được hỏi về vấn đề cát- sê biểu diễn, Nguyễn Trọng Tạo nói: “Nhạc sĩ Phú Quang nói với tôi: “nếu tôi mà lấy tiền cát-sê là phải lấy bằng đô la, nhưng riêng Nguyễn Trọng Tạo thì không bao giờ phải nói đến tiền”.
Xuất hiện trong chương trình với vai trò là khách mời, nhạc sĩ Phú Quang tự đệm piano và hát ca khúc “Một dại khờ một tôi” (được phổ nhạc từ bài thơ “Chia” của Nguyễn Trọng Tạo).
Cũng xuất hiện trong đêm nhạc với vai trò là khách mời, nữ nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ, khi chị gặp bài thơ 4 câu “Cỏ và mưa” của Nguyễn Trọng Tạo, lập tức giai điệu vang lên trong đầu. Phổ nhạc xong cho bài hát thì thấy chưa ổn, vì bài hát...ngắn quá, Giáng Son bèn viết tiếp phần điệp khúc, nhưng chỉ bằng âm nhạc, chứ chưa có lời, sau đó gọi điện nhờ nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo viết tiếp phần lời cho bài hát. “Cỏ và mưa” trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng của Giáng Son, trở thành bài hít của nhiều ca sĩ trẻ.
Ngoài hai khách mời, chương trình “Khúc hát sông quê” có sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng. Trọng Tấn- Anh Thơ gây xúc động với khán giả khi cùng song ca ăn ý ca khúc “Mẹ tôi”(Nguyễn Trọng Tạo phỏng thơ Bùi Khắc Thành). Ca sĩ Anh Thơ và Nhóm cỏ lạ thể hiện hoàn hảo ca khúc chủ đề của chương trình, ca khúc nằm lòng của nhiều khán giả trong và ngoài nước: “Khúc hát sông quê” (phổ thơ Lê Huy Mậu).
Mặc dù chỉ còn lại 3 thành viên, nhưng nhóm 5 dòng kẻ vẫn luôn mang đến những bất ngờ mới lạ khi thể hiện các ca khúc “Làng quan họ quê tôi” (Nguyễn Trọng Tạo phổ thơ Nguyễn Phan Hách) và ca khúc "Cỏ và mưa" của Nhạc sĩ Giáng Son phổ thơ Nguyễn Trọng Tạo. Ca sĩ Phương Thảo khoe giọng hát giàu nội lực và đậm chất dân ca trong các ca khúc “Đôi mắt đò ngang”, “Tình ca bên một dòng sông”...
Sao Mai Nguyễn Phương Anh, người vừa đoạt giải quán quân cuộc thi “Người hát tình ca” thì say đắm, ám ảnh trong những ca khúc được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo viết theo phong cách nhạc trẻ như “Vầng mây bất hạnh”, “Con dế buồn”. Nhóm Dòng thời gian tạo nên một không khí sôi động qua ca khúc “Trống hội cổng làng” (Nguyễn Trọng Tạo phổ thơ Phạm Lưu Vũ). Ca sĩ Lê Anh Dũng khỏe khoắn trữ tình trong ca khúc “Tình hoa cúc biển”.
Độc đáo nhất trong chương trình phải kể đến bức tranh “Tứ bình” bằng âm nhạc, dưới bàn tay phối khí tài hoa của nhạc sĩ Minh Đạo, 4 tình khúc gồm: “Tình thu”, “Tình đông”, “Tình hạ” và “Tình xuân” của Nguyễn Trọng Tạo với sự thể hiện của Nhóm 5 Dòng kẻ, Nhóm Dòng thời gian, ca sĩ Lê Anh Dũng đã tạo thành điểm nhấn ấn tượng trong chương trình.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo xúc động chia sẻ trong chương trình, ông vốn coi làm thơ là nghiệp của đời mình. Chuyện sáng tác âm nhạc chỉ để chơi, thường khi phục vụ bạn bè trong các cuộc rượu. Vì ông đã từng dan díu với âm nhạc, sáng tác bài hát từ thủa còn phụ trách đoàn văn công trong những năm chiến tranh, và đã từng có những ca khúc được nhiều người biết đến, nên trong cuộc rượu bạn bè hay đề nghị hát. Mà hát đi hát lại mấy bài hoài thì chán, nên thỉnh thoảng phải sáng tác một bài mới. Rồi cũng chỉ hát trong các cuộc nhậu xong để đấy. Thế mà “hòm hòm” ông cũng có cả một gia tài gần trăm ca khúc. Và rồi bạn bè xúi làm đêm nhạc. Nguyễn Trọng Tạo nói: “Đêm nhạc là lần “trót dại” của tôi, và đây cũng là lần “dại cuối””…
Một số hình ảnh trong đêm "Khúc hát sông quê":
Tác giả: Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn