Phim Việt thiếu kịch bản hay, nhân vật thường bị “ngớ ngẩn hóa”

Thứ bảy - 17/06/2017 04:13
Những người trong giới điện ảnh khẳng định nhiều phim “hỏng” ngay từ khâu kịch bản. Đó là lý do phim Việt đang thiếu vắng phim hay.

Có lẽ chưa khi nào vấn đề kịch bản phim Việt lại “nóng” như lúc này, khi trên kênh truyền hình VTV có hai phim chiếu giờ vàng đều liên quan kịch bản ngoại hay cốt truyện ngoại. Danh mục phim điện ảnh Việt ra rạp mùa hè 2017 cũng có 2 phim Việt hóa phim Hàn. Phim Việt “ăn khách” cũng lại là từ kịch bản Việt hóa ngoại. Và nhiều dự án phim Việt theo xu hướng làm lại phim ngoại.

Trong hai cuộc hội thảo liên quan đến phim Việt ở Giải Cánh Diều tháng 4/2017 và trong Triển lãm quốc tế Telefilm 2017 diễn ra từ 6-10/6/2017 tại TP Hồ Chí Minh, kịch bản phim được đưa ra như một vấn đề “nóng” bởi phim Việt đang ngày càng tăng về số lượng nhưng không còn hút khán giả như trước.

Theo ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, trung bình một năm có khoảng 35-40 phim Việt ra rạp. Tuy nhiên, chất lượng nội dung phim vẫn chưa đạt như mong muốn vì thiếu kịch bản hay. Cho đến nay, phim Việt chỉ chiếm 25% thị phần…

Phim Việt thiếu kịch bản hay, nhân vật thường bị “ngớ ngẩn hóa”
Cảnh trong phim "Sống chung với mẹ chồng" (Ảnh: VTV)

Hai phim đang gây “nóng” trong giờ vàng phim Việt trên VTV là “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” thì kịch bản không thuần Việt, một dựa vào tiểu thuyết Trung Quốc, một theo kịch bản phim Israel.

Đầu năm 2017, phim ra rạp “Bạn gái tôi là sếp” làm lại từ phim hài Thái “ATM: Er Rak Error”. Và phim hè 2017 có hai phim: “Sắc đẹp ngàn cân”, “Yêu đi, đừng sợ!” là bản làm lại từ phim “200 Pounds Beauty” và “Spellbound” của Hàn Quốc.

Xu hướng làm lại phim nước ngoài không còn lạ với phim Việt, đang là một báo động về việc thiếu trầm trọng kịch bản phim thuần Việt.

Kịch bản phim đầu voi đuôi chuột

Kịch bản không hay thì đạo diễn và diễn viên có tài đến mấy cũng khó lòng làm phim hay. Mà nguồn kịch bản hay, có tính hấp dẫn, khai thác đề tài mới lạ hiện nay thì lại rất ít. Nhìn những phim Việt hóa, phim mua kịch bản từ nước ngoài ăn khách là một nỗi buồn cho phim Việt.

Khâu yếu nhất của các phim điện ảnh theo giám khảo Giải Cánh diều 2016 đó chính là kịch bản phim. Rất thiếu và hiếm kịch bản phim thu hút, hấp dẫn. Điều này được “minh hoạ” bằng việc nhiều nhà sản xuất phải bỏ tiền mua kịch bản nước ngoài về Việt hóa.

Phim truyền hình cũng không khá hơn ở khâu kịch bản khi cứ loay hoay chạy theo các chủ đề có tính thương mại nhưng dễ gây nhàm chán cho khán giả. Do cố ý kéo dài số tập để tìm kiếm quảng cáo, phim truyền hình Việt dài dòng đến mức gây cảm giác khó chịu.

Phim Việt thiếu kịch bản hay, nhân vật thường bị “ngớ ngẩn hóa” - Ảnh minh hoạ 2
Cảnh trong phim "Người phán xử" (Ảnh: VTV)

Không ít phim Việt (thuần Việt) trên truyền hình lẫn phim điện ảnh gần đây có ý tưởng hay, nội dung phong phú nhưng câu chuyện “đầu voi đuôi chuột”, tình tiết gượng ép, vô lý, câu chuyện lủng củng, mạch cảm xúc đứt đoạn. Như cách nói vui trong giới điện ảnh: Phim nước ngoài mở đầu không có gì nhưng càng xem càng có gì, phim Việt mở đầu có gì nhưng càng xem càng không có gì.

Điểm chung của phim Việt là câu chuyện ít hấp dẫn, hời hợt, các nhân vật hay được (bị) ngớ ngẩn hóa, hay làm quá lên với mục đích tạo tình huống để cười, hay mâu thuẫn xung đột, lời thoại ngô nghê thường biến bi thành hài, có khi như đọc bài giảng đạo đức… Phim chỉ đạt mức kịch nâng cấp.

“Phim Việt đúng là rất thiếu kịch bản hay. Nhà làm phim như người đi đường không có bản đồ hoặc có mà không rõ ràng. Vì thế, họ thường xuyên đi lạc; đường dây cốt truyện không cân bằng phần mở đầu và kết thúc” - Đạo diễn Việt Linh nói.

Ngay những phim do đạo diễn tên tuổi với dàn diễn viên toàn nghệ sĩ và sao, thần tượng, hotboy, hotgirl… cũng rơi vào tình trạng phần đầu có vẻ hấp dẫn với câu chuyện mở ra nhiều hướng nhiều tình huống, nhưng càng về sau càng hụt hơi, vấn đề cứ rơi rụng đâu, đến kết thúc thì xem như nhạt chuyện.

Hiện tại, mỗi năm số phim ra mắt công chúng đã khấm khá, nhưng phim thật sự để lại ấn tượng chỉ chừng 1-2 phim. Cách khai thác đề tài, nhân vật trong các phim cũng không theo bất kỳ một dòng-thể loại nào rõ nét, các nhà sản xuất thường chạy theo nhiều thị hiếu của nhiều đối tượng khác nhau, nhưng không có cái nào thật sự đậm chất, nhìn vào phim Việt giống nồi lẩu.

Người trong giới khẳng định nhiều phim “hỏng” ngay từ khâu kịch bản. Đó là lý do phim Việt đang thiếu vắng phim hay.

Nguyên nhân chủ quan là chính

Hầu như phim Việt đang phải nhập khẩu kịch bản ngoại để mong tạo được tiếng vang, nếu không thì chuyển thể từ tác phẩm văn học ăn khách. Nhiều phim được sản xuất đều đều nhưng lại không đọng lại những cái tên biên kịch để nhớ. Dẫu biết rằng kịch bản kém kéo theo nhiều hệ lụy khác, song các nhà sản xuất vẫn chưa biết đặt nhà biên kịch vào đúng vai trò quyết định, mà chỉ là nhân vật phụ đứng sau đạo diễn, diễn viên...

Không thể phủ nhận phim Việt ở khâu kịch bản thiếu và yếu do thiếu các nhà biên kịch chuyên nghiệp chắc tay để viết kịch bản hay, biết khai thác các đề tài có tính điển hình, các vấn đề đương đại mang tính toàn cầu cũng rất hạn chế, vì thế phim Việt thiếu sức hấp dẫn.

Kịch bản truyền hình hiện tại chỉ có vài nhà biên kịch có thể “độc lập tác chiến” một kịch bản, còn phần lớn là viết theo nhóm, khiến phim không có sự nhất quán trong câu chuyện hay các diễn biến tâm lý nhân vật. Chưa kể trong giới biên kịch truyền hình còn có xu hướng ngồi xem phim nước ngoài rồi sao chép, trộn lẫn thành kịch bản Việt, để tránh thưa kiện bản quyền họ thường rút gọn câu chuyện, nên phim rời rạc thiếu logic.

Ở phim điện ảnh, hiện có vài xu hướng đang thịnh: Hoặc đạo diễn tự viết kịch bản, (mà đó không phải sở trường), nên kịch bản yếu, mang sự áp đặt cá nhân, chiều theo thị hiếu thị trường nên phim thường rơi vào “thảm họa” hay “nhảm”; Hoặc nhà văn lấy tác phẩm của mình và tự chuyển thể kịch bản, mang chất văn học vào kịch bản, đưa nhiều tình huống khó mà “diễn”, nên bị đạo diễn cắt cúp, làm hỏng mạch câu chuyện kể, phim cũng trở nên “sượng”.

Ở khía cạnh khác thuộc về nhà sản xuất, do đặt nặng vấn đề lợi nhuận, cần thu hồi vốn nhanh, nên không thích đầu tư nhiều vào khâu kịch bản, thường ưu tiên những kịch bản thuộc các thể loại phim dễ làm, đơn giản, kinh phí thấp, thời gian thực hiện nhanh… kiểu như phim hài. Minh chứng rõ nhất là phim Tết.

Và cũng để tiết kiệm chi phí, nhất là với phim truyền hình, các nhà sản xuất thích “mua” kịch bản nước ngoài để Việt hóa hơn là đặt hàng kịch bản trong nước. Đây cũng là xu hướng có thể “giết” giới kịch bản phim thuần Việt.

Ở nước ngoài, những bộ phim muốn “ăn khách” đòi hỏi các nhà biên kịch vàng, có quyền lực với bộ phim không thua kém đạo diễn, có quyền chọn diễn viên, với công thức: câu chuyện 50% + diễn viên 30% + còn lại 20%, thì ở Việt Nam câu chuyện quyết định 50% , song không có cây bút và hoàn toàn phụ thuộc vào nhà sản xuất.

Phim Việt có thể làm như nước ngoài? Nâng vị thế của nhà biên kịch phim để có những kịch bản chất lượng cao, để phim Việt thuần Việt thật sự hấp dẫn và có giá trị cả nội dung, nghệ thuật?.

Tác giả: Theo Hoài Hương VOV.vn

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây