Phim hoạt hình Việt chiếu rạp: Đã đến lúc hiện thực hoá giấc mơ?

Thứ hai - 13/08/2018 05:22
Mặc dù hàng năm, phim hoạt hình Việt vẫn gặt hái được nhiều thành công ở các kỳ liên hoan phim quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, “giấc mơ” sản xuất xuất được những bộ phim hoạt hình có thể đem ra rạp công chiếu vẫn chưa thể thành sự thật.

Bước tiến mới của phim hoạt hình “made in Vietnam”

Chỉ tính riêng năm 2017, có đến 13 phim hoạt hình Việt được sản xuất, trong đó 12 phim của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, 1 phim của VTV7. Đặt trong tương quan số lượng sản xuất các thể loại phim của nước ta, có thể nói lượng phim hoạt hình được sản xuất cũng không ít. Tuy nhiên, các phim vẫn chỉ dừng lại ở thời lượng trên dưới 10 phút và chỉ được chiếu ở các rạp nhỏ để phục vụ thiếu nhi nhân dịp ngày quốc tế thiếu nhi hoặc dịp hè.

Mãi đến gần đây, một số đơn vị tư nhân mới mạnh dạn đầu tư sản xuất phim hoạt hình nhưng cũng chỉ đủ tầm phát trên một số kênh truyền hình trả tiền hoặc kênh xem phim trực tuyến trên internet.

Phim hoạt hình Việt chiếu rạp: Đã đến lúc hiện thực hoá giấc mơ?
“Monta trong dải ngân hà kỳ cục” là bộ phim "made in Vietnam" đầu tiên được chiếu rạp.

Trong khi đó, ở hệ thống các rạp chiếu trên toàn quốc, phim hoạt hình vẫn là “sân chơi” độc quyền của phim ngoại. Mỗi năm các nhà phát hành nhập về hàng chục phim hoạt hình của Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… để phục vụ khán giả nhí.

Vì lẽ đó, khi 3 tập đầu tiên của phim hoạt hình “Monta trong dải ngân hà kỳ cục”, một phim “made in Vietnam” dài 20 phút/tập được công chiếu tại rạp đã thu hút rất nhiều sự chú ý của giới chuyên môn lẫn khán giả. Ngay trong ngày ra mắt ở Hà Nội, NSND - Đạo diễn Đặng Nhật Minh, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đã đến xem với một tinh thần hết sức hào hứng. Thậm chí, nhạc sĩ Huy Tuấn, MC Phan Anh, ca sĩ Hoàng Bách, cựu người mẫu Thúy Hằng - Thúy Hạnh… còn dẫn con trẻ đến rạp xem từ đầu đến cuối và vỗ tay không ngớt.

Chọn hình tượng chú khỉ Monta - đầu bếp tập sự trong căn bếp vũ trụ, phim đưa khán giả vào hành trình vui nhộn của Monta trong việc khôi phục lại trật tự ở dải ngân hà sau một lần nghịch ngợm tạo ra một mớ hỗn độn các hành tinh kỳ cục.

Điểm nổi bật của phim trước hết là được xây dựng theo chuẩn format của các kênh hoạt hình quốc tế. Tiếp đến là cách tạo hình nhân vật ngộ nghĩnh với những nét vẽ sinh động, dễ thương và đầy màu sắc. Ngoài ra, khán giả cũng bị cuốn hút qua những ý tưởng sáng tạo đầy trẻ trung và vui nhộn.

Chẳng hạn tập một là cuộc chiến xảy ra trên hành tinh Mì giữa hai đối thủ bán hàng là bà chủ tiệm má mì Ramen và ông chủ tiệm Dzô Phở. Tập hai xảy ra ở hành tinh Rác, nơi những đống rác khổng lồ được tạo hình thành những kỳ quan thế giới. Ở tập ba, Monta đến hành tinh Bánh sinh nhật để tìm một chiếc bánh tặng bạn. Không ngờ tại đây, cư dân chính là những chiếc bánh và Monta suýt bỏ mạng vì trở thành món ngon của… bánh ngọt.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, đây là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam bước đầu đã có màu sắc ngôn ngữ hoạt hình quốc tế dù chưa thật sự rõ nét. Và đó là một bước tiến không hề nhỏ trong việc hiện thực hóa giấc mơ đem phim hoạt hình Việt ra rạp chiếu sau bao nhiêu năm mong mỏi.

Cần những người dám mạo hiểm và dám vì trẻ em

Bà Trần Thị Thu Hiền - TGĐ Công ty CP Hãng phim hoạt hình Việt Nam từng chia sẻ rằng, việc các đơn vị tư nhân tham gia sản xuất phim hoạt hình bên cạnh hãng phim nhà nước sẽ góp phần tạo thay đổi diện mạo vốn có của thể loại này. Mỗi đơn vị sẽ có cách khai thác đề tài, áp dụng công nghệ riêng làm phong phú sản phẩm phim hoạt hình, mang lại cho khán giả nhí những món ăn tinh thần thú vị và sự cảm nhận đa chiều.

Phim hoạt hình Việt chiếu rạp: Đã đến lúc hiện thực hoá giấc mơ? - Ảnh minh hoạ 2
NSND Đặng Nhật Minh và PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái trong buổi ra mắt phim hoạt hình “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” tại Hà Nội.

NSND Đặng Nhật Minh cũng cho rằng, hiện nay, lượng phim hoạt hình nhà nước sản xuất để phục vụ nhu cầu của khán giả nhí còn quá ít và chưa tới được với rộng rãi trẻ em. Vì lẽ đó, khi có một đơn vị tư nhân tham gia vào lĩnh vực này, chịu bỏ một số tiền không nhỏ để sản xuất là điều đáng hoan nghênh.

“Bây giờ mỗi năm nhà nước chỉ đầu tư sản xuất khoảng 10 phim hoạt hình ngăn ngắn còn ra là kêu gọi xã hội hoá. Mà xã hội hóa thì không mấy ai dám nhảy vào sản xuất phim hoạt hình cả bởi doanh thu là vấn đề khá đau đầu. Bây giờ người ta toàn sản xuất các phim dành cho tuổi thành niên, các phim giải trí có thể kéo mọi đối tượng khán giả đến rạp để còn “hốt” doanh thu”, NSND Đặng Nhật Minh bày tỏ.

Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ việc sản xuất phim hoạt hình chiếu rạp vẫn đang “tiềm ẩn” dưới dạng “giấc mơ” bởi công nghệ làm phim hoạt hình ở Việt Nam hiện nay đang gặp khá nhiều vấn đề. Một bộ phim hoạt hình dài 90 phút đòi hỏi phải có một kịch bản tốt, đội ngũ nhân sự nhà nghề, kinh phí đầu tư “khủng”, công nghệ làm phim tiên tiến và một quy trình rất đỗi khắt khe.

Trước đó, phim hoạt hình “Con Rồng cháu Tiên” dài 23 phút được sản xuất với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, 100 nhân sự làm ròng rã trong vòng 6 tháng trời… đã được xem là một bước tiến trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, phim hoạt hình này vẫn bị đánh giá chưa mang ngôn ngữ hoạt hình quốc tế dù đã áp dụng công nghệ làm phim mới.

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, việc sản xuất phim hoạt hình mang ra rạp chiếu trước nay vẫn bị xem là mạo hiểm. Mạo hiểm bởi thực hiện khó, vốn đầu tư nhiều, phương tiện kỹ thuật hiện đại và đội ngũ nhân sự thuộc dạng “thiện chiến”… nhưng khi đưa ra rạp chiếu, doanh thu lại chưa chắc bằng một bộ phim truyện trung bình. Đó là lí do khiến nhiều nhà sản xuất e ngại, chùn tay… khi rón rén tìm hiểu về thể loại này.

Tuy nhiên, đến nay, người ta đã có thể tự tin vì các phim hoạt hình Việt đã nâng cao về kỹ thuật – công nghệ. Điển hình phim “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” đã bước đầu tiệm cận đến ngôn ngữ hoạt hình quốc tế và có thể nghĩ tới hướng xuất khẩu phim hoạt hình.

“Một bộ phim hoạt hình muốn phổ cập rộng rãi đến nhiều đối tượng trước hết phải như một câu chuyện của Andersen, bất kỳ đối tượng nào và quốc gia nào cũng có thể hiểu được khi đọc chúng. Và muốn làm được điều đó trước hết phải nghiên cứu rất kỹ tâm lý, thị hiếu và sự quan tâm của khán giả đối với thể loại này.

Ngày xưa, người ta xem phim chỉ chú ý đến nội dung thì nay người ta còn chú ý đến hình ảnh, tiết tấu, nhịp điệu, âm thanh, lồng tiếng, ngôn ngữ… và cả thông điệp nữa. Điều đáng nói hơn cả chính là cần phải thay đổi về tư duy sáng tạo và cần phải song hành với ngôn ngữ hoạt hình quốc tế.

Tôi nghĩ, đã đến lúc Việt Nam chúng ta có thể làm ra những bộ phim hoạt hình không thua kém gì Mỹ, Nhật Bản hoặc Trung Quốc để phát hành trên rạp chiếu. Nhưng muốn làm được việc đó, cần thiết phải có những nhà đầu tư dám mạo hiểm và nghĩ nhiều cho trẻ con”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói thêm.

Tác giả: Hà Tùng Long

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây