Phát lộ dấu tích cung điện thời Lê sơ ở Hoàng thành Thăng Long

Thứ ba - 17/04/2018 23:37
Sáng nay (17/4), Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học để báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2017 tại số 9 Hoàng Diệu.

Dấu tích cung điện nghìn năm dưới lòng đất

Theo đó, năm 2017, hai đơn vị trên đã tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Đông nền điện Kính Thiên (giáp đường Nguyễn Tri Phương) với tổng diện tích gần 1.000m2.

Hố khai quật gồm 16 lớp đào, các lớp dày trung bình 20cm, diễn biến khá phức tạp vì trải qua một quá trình lịch sử đã bị phá hủy do có sự xâm thực của giai đoạn sau xuống các tầng văn hóa giai đoạn trước.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cuộc khai quật đã làm xuất lộ tầng văn hóa dày gần 4,5m với các lớp văn hóa có niên đại khoảng từ thời Đại La, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng, Nguyễn đến thời hiện đại. Cuộc khai quật đã làm xuất lộ 3 dấu tích kiến trúc thời Lý - Trần, một số dấu tích kiến trúc thời Lê sơ, Lê Trung hưng và thời Nguyễn. Các đặc điểm cơ bản của vật liệu, loại hình dấu tích còn lại được tìm thấy gồm: móng cột, móng tường, nền kiến trúc, bó nền…

Phát lộ dấu tích cung điện thời Lê sơ ở Hoàng thành Thăng Long
Phát lộ dấu tích cung điện thời Lê sơ ở Hoàng thành Thăng Long - Ảnh minh hoạ 2
Toàn cảnh hố khai quật ở phía Đông điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Tùng Long.

Di vật tìm thấy trong các tầng văn hóa này thuộc nhiều loại hình khác nhau như: đồ đất nung, đồ gốm, đồ gỗ, đồ kim loại, trong đó có một số lượng lớn là gạch ngói. Đặc sắc nhất trong là gạch ngói và vật liệu trang trí lợp mái cung điện có tráng men vàng (hoàng lưu ly) và men xanh (thanh lưu ly) thuộc thời Lê sơ (thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 17).

PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng, những di vật này cho phép hình dung rõ thêm về loại “ngói rồng”, đầu rồng phía diềm mái, đuôi rồng phía góc mái… lợp cung điện trong khu vực chính điện Kính Thiên của Hoàng đế Lê sơ. Ngoài ra, một phát hiện đáng kể nữa đó khu vực khai quật tìm được khá nhiều gốm sứ thời Mạc (khoảng thế kỷ 16). Di tích di vật thời Mạc cho thấy thời Mạc tiếp thu nguyên thời Lê sơ, chỉ sửa chữa không đáng kể.

Điểm đáng lưu ý là dấu tích kiến trúc thời Trần tìm thấy dải nền hoa chanh này có kích thước rất lớn, phần còn lại dài 1,15m. Vật liệu xây dựng đường hoa chanh là ngói phẳng, dẹt… được xếp đặt rất công phu. Đặc điểm này cho thấy đây là dấu tích của kiến trúc sớm thời Trần (thế kỷ 13) và đây là một kiến trúc thời Trần chiếm vị trí quan trọng trong hoàng cung Thăng Long thời Trần. Đây đồng thời là dải hoa chanh lớn nhất (trừ kiểu hoa chanh dạng vòm cuốn thời Trần ở 18 Hoàng Diệu) trong hầu hết các dải nền hoa chanh ở các vị trí khác của kinh thành Thăng Long và các di tích khác của Đại Việt thời Trần.

Phát lộ dấu tích cung điện thời Lê sơ ở Hoàng thành Thăng Long - Ảnh minh hoạ 3
PGS Tống Trung Tín cùng GS Phan Huy Lê và Giám đốc Trung tâm Di sản Hoàng thành Thăng Long tham quan hố khai quật. Ảnh: Tùng Long.

Kiến trúc thời Lê Trung hưng tìm thấy móng tường xếp bằng gạch vồ rất kiên cố. Có ý kiến cho rằng, đây là dấu tích móng cổng trong cấm thành Thăng Long thời Lê Trung hưng. Tầng văn hóa này còn có dấu tích móng đá, gạch đang được phỏng đoán là một loại hình ao/hồ trong hoàng cung. Dấu tích này đang được tìm hiểu tính chất và niên đại.

Có đủ cứ liệu khảo cổ học phục dựng không gian điện Kính Thiên

GS. TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, các dấu tích kiến trúc và hệ thống di vật mới được phát lộ rất mới so với trước đây. Cái mới đó có thể làm giới nghiên cứu hoang mang nhưng lại rất quý. Các phát hiện này tiếp tục phản ánh diễn biến phức tạp dấu tích kiến trúc của điện Kính Thiên qua các triều đại lịch sử. Và điều này nhất thiết phải có một bản đồ tổng thể, kết nối các điểm khai quật từ trước đến nay để có thể hình dung một cách tổng thể và tìm ra trục trung tâm của điện Kính Thiên.

Nhiều nhà khoa học cũng đề nghị cần nghiên cứu rõ hơn về hồ nước vừa tìm thấy trong lòng hố khai quật mới đây để thấy được sự kết nối của dấu tích này với thời Đại La, Lý, Trần… Đặc biệt, cần làm rõ yếu tố nhà Mạc qua các tầng văn hóa và các di vật tìm thấy trong quá trình khai quật. Quan trọng hơn là việc nên lập kế hoạch khai quật mở rộng và thúc đẩy nhanh việc khai quật để trả lại không gian cho điện Kính Thiên.

Phát lộ dấu tích cung điện thời Lê sơ ở Hoàng thành Thăng Long - Ảnh minh hoạ 4
PGS Tống Trung Tín giới thiệu về các di vật tìm thấy ở hố khai quật. Ảnh: Tùng Long.

GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu rằng, kết quả khai quật khu vực phía Đông nền điện Kính Thiên đã mang đến những kết quả rất mới. Trên cơ sở đó đặt ra nhiều vấn đề mới cho giới nghiên cứu.

“Tôi thấy hố khai quật lần này có độ sâu sâu nhất từ trước tới nay và có dấu tích kiến trúc xuyên suốt từ thời Đại La cho đến tận Nguyễn. Mặc dù dấu tích Đại La ở hố khai quật lần này khá nhỏ nhưng đã phần nào chứng tỏ phạm vi Đại La tràn từ Đoan Môn sang Kính Thiên. Thời Lý, Trần, Lê… chúng ta cũng tìm thấy dấu tích kiến trúc, đặc biệt là dải nền hoa chanh thời Trần dài 1,15m. Như vậy có thể đoán ở đây từng tồn tại một kiến trúc cực lớn.

Đặc biệt, các vật liệu kiến trúc thời Lê lần này tìm thấy cực kỳ phong phú. Các vật liệu này có quy mô của mái cung điện thời Lê sơ. Có đủ tư liệu để nghiên cứu theo hướng đó”, GS Phan Huy Lê nhấn mạnh.

GS Phan Huy Lê cũng cho rằng, qua các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, giới nghiên cứu và khảo cổ cần quan tâm 3 vấn đề. Thứ nhất, kế hoạch khai quật khảo cổ mà UBND TP. Hà Nội phê duyệt là mỗi năm được khai quật 1000m2. Con số này là hợp lý, không cần mở rộng diện tích và đẩy nhanh tiến độ quá. Cái quan trọng là việc khai quật cần có kế hoạch cụ thể và khoa học.

“Tôi đề nghị thời gian tới tập trung khai quật suốt từ Đoan Môn đến điện Kính Thiên và sau điện Kính Thiên trong một giới hạn nhất định. Làm thế nào đó, ta có đủ cứ liệu khảo cổ học phục dựng không gian điện Kính Thiên. Tôi nhấn mạnh là phục dựng không gian điện Kính Thiên còn phục dựng điện Kính Thiên trên thực tế là rất khó. Riêng phục dựng mái và một số kiến trúc thì có thể làm được”, GS Lê bày tỏ.

Phát lộ dấu tích cung điện thời Lê sơ ở Hoàng thành Thăng Long - Ảnh minh hoạ 5
Một số di vật thời Lê sơ tìm thấy dưới lòng điện Kính Thiên. Ảnh: Tùng Long.

Theo GS Phan Huy Lê, việc khai quật cần phải gắn với nghiên cứu chứ không nên chỉ thuần khai quật. Đã đến lúc cần nối các điểm khai quật để hình dung kiến trúc qua các thời như thế nào. Trên cơ sở đó, tổ chức một hội thảo khoa học để bàn về tất cả các vấn đề đặt ra. Ngoài ra, đây là các cuộc khai quật để bảo tồn chứ không phải để giải phóng mặt bằng. Vì thế, sau mỗi cuộc khai quật cần phải đề ra phương án bảo tồn cụ thể. Cái gì bảo tồn trong thời gian ngắn, cần sớm cho người dân đến tham quan; cái gì cần bảo tồn trong thời gian dài cũng phải có kế hoạch. Thêm vào đó cần, phải tư liệu hóa tất cả mọi thứ ở trình độ cao nhất.

Tác giả: Hà Tùng Long

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây