Những cái chết thương tâm vì pháo sáng
Pháo sáng được cấu tạo bởi nhiều chất hóa học, trong đó có hai nguyên tố quan trọng nhất là lưu huỳnh và phốt pho. Đây là những chất giúp duy trì sự cháy và có thể tác dụng với nhiều phi kim và kim loại khác. Thực tế, đây là dụng cụ không thể thiếu của ngành hàng hải và nó có đặc biệt là không tắt ngay cả trong môi trường nước. Pháo sáng có nhiệt độ lên tới 1600 độ C, có loại lên tới 3000 độ C.
Trào lưu đốt pháo sáng trong các SVĐ xuất phát từ những nhóm Ultras cuồng nhiệt ở Nam Mỹ, rồi lan sang châu Âu (đặc biệt ở quốc gia như Italia, Serbia…). Những kẻ quá khích xem pháo sáng, cùng màu sắc rực rỡ là công cụ để… thỏa mãn niềm vui, phô trương thanh thế và cả… đe dọa đối thủ.
Nhưng chính ngọn lửa hung bạo ấy mỗi khi được đốt cháy lên trên các SVĐ luôn tạo ra ám ảnh kinh hoàng. Nhiệt độ quá cao của nó có thể khiến những người hâm mộ khác đối diện với tử thần bất kỳ lúc nào.
Năm 1993, thế giới bóng đá đã khóc cạn nước mắt khi chứng kiến cậu bé 13 tuổi có tên Guillem Lazaro đã bị quả pháo sáng bắn trúng ngực và chết ngay tại chỗ trong trận đấu tại Barcelona. Cũng trong năm ấy, một người đàn ông 67 tuổi có tên John Hill cũng qua đời vì lĩnh trọn quả pháo sáng trong trận đấu tại Cardiff. Chưa dừng lại ở đó, một cậu bé 14 tuổi ở Brazil cũng trở thành nạn nhân của pháo sáng khi qua đời trong trận đấu của Corinthians.
Ngay cả các cầu thủ cũng trở thành nạn nhân của “thứ đồ chết người” này. Những người hâm mộ bóng đá sẽ không thể nào quên được trận bán kết Champions League giữa AC Milan và Inter năm 2003. Vì không đồng tình với quyết định của trọng tài, những CĐV Inter đã ném quả pháo sáng trúng đầu của thủ thành Dida. Sau đó, những “cơn bão” pháo sáng liên tiếp bị ném xuống sân. Tới mức, các cầu thủ hai đội chỉ ngán ngẩm cùng nhau chứng kiến thảm họa ấy trong làn khói mù mịt. Năm 2015, thủ môn số 1 của đội tuyển Nga, Igor Akinfeev cũng bị quả pháo sáng ném trúng đầu trong trận đấu với Montenegro.
Và có lẽ, những kẻ quá khích chỉ đốt pháo sáng chỉ để thỏa mãn “thú tính” của họ. Nhưng những kẻ đó đâu có ngờ rằng, đằng sau “thú vui” ấy, họ đã để lại quá nhiều nỗi đau. Và thậm chí, vài chục năm sau này, những giọt nước mắt vẫn chưa ngừng rơi vì nỗi đau ấy. Họ là những nạn nhân vô tội của sự “thú tính” từ một bộ phận kẻ quá khích.
“Nếu bạn đốt pháo sáng trong đám đông lớn, tức là bạn đang đặt cược cơ hội sống của họ với tử thần. Tôi đã từng chứng kiến quá nhiều vụ như vậy. Trong trận đấu ở Hy Lạp vào năm 2000, một trợ lý trọng tài đã gục ngã bởi pháo sáng. Tôi từng chứng kiến một CĐV ở Budapest mang hai ba lô chứa đầy pháo sáng bị cảnh sát tịch thu” - cựu trọng tài John Rowbotham chia sẻ.
Nước ngoài xử lý ra sao với hành vi đốt pháo sáng?
Cũng bởi sự nguy hiểm của pháo sáng mà nó trở thành kẻ thù của những nhà chức trách ở châu Âu. Những kẻ ném pháo sáng vào ông John Hill đã bị kết tội ngộ sát và bị bỏ tù. Ở Scotland và Anh, bất kỳ CĐV nào mang pháo sáng (hoặc vật cháy nổ) vào sân sẽ bị bỏ tù trong 3 tháng và cấm tới SVĐ vĩnh viễn.
CLB Celtic đã đình chỉ vô thời hạn với 2 CĐV đốt pháo sáng trong trận đấu với Fenerbahce vào năm 2015. Sau đó, những người này đã khai với cảnh sát rằng họ có thể dễ dàng mua pháo sáng ở Thổ Nhĩ Kỳ “hơn ăn kẹo”.
Cũng bởi sự mạnh tay này mà Anh và Scotland (hai quốc gia nổi tiếng với holigan) đã gần như ngăn chặn được nạn pháo sáng trên khán đài. Chỉ có như vậy, người Anh mới giữ hình ảnh cho giải Premier League, giải đấu có doanh thu lớn nhất trên thế giới.
LĐBĐ Đức cũng rất mạnh tay xử lý triệt để vấn nạn pháo sáng. Một CĐV của Schalke từng bị phạt từ 18 tháng (và không được giảm án) vì đốt 19 quả pháo sáng trong trận đấu với Frankfurt vào năm 2012. Họ muốn xử lý mạnh tay những trường hợp “nhen nhóm” này để làm trong sạch nền bóng đá Đức.
Trong khi đó, ở Hà Lan, những CĐV đốt pháo sáng sẽ bị cấm vào SVĐ từ 10 năm cho đến trọn đời. Những kẻ gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Rõ ràng, trong những năm qua, hình ảnh của bóng đá Việt Nam đã bị hoen ố ít nhiều vì vấn nạn pháo sáng. Chúng ta từng nhận án phạt của AFC vì đốt pháo sáng trong trận đấu ở vòng loại giải U23 châu Á. Thế nhưng, ở V-League, tình hình khá lỏng lẻo.
Không phải tới bây giờ mà việc đốt pháo sáng đã xuất hiện trong nhiều năm qua ở giải đấu bóng đá số 1 Việt Nam (đặc biệt là sân Hàng Đẫy) nhưng không được ngăn chặn hiệu quả. Và chỉ tới khi một CĐV nữ bị tai nạn nghiêm trọng, vấn đề này mới được xới lại.
Lúc này, những người hâm mộ đang cần sự nặng tay của những cơ quan chức năng cũng như VFF để giúp bóng đá Việt Nam trở nên trong sạch hơn và có thể xóa bỏ được vấn nạn pháo sáng.
H.Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn