Phan Quang: “Tôi đã để nghề báo ngập lụt cuộc đời”

Chủ nhật - 09/09/2018 08:39
Tôi đã để nghề báo ngập lụt cuộc đời mình. Nghe tin Phan Quang nghỉ hưu ở tuổi 75, một nhà báo nữ đến phỏng vấn: “Ông có ý định dành thời gian rỗi rãi chuyên tâm sáng tác văn học, làm nên một vài tác phẩm để đời?”

Cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà hoạt động chính trị văn hóa xã hội, các nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà giáo cùng các bạn hữu quý thân hôm nay đến dự buổi gặp kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam và giới thiệu cuốn sách “Phan Quang, 90 tuổi, 70 tuổi nghề”. Cảm ơn các đồng chí, đồng nghiệp, bạn hữu từ Quảng Trị, Huế, Đà Lạt, TPHCM, Vũng Tàu… đã không quản ngại đường xa ra chia vui với chúng tôi.

Chân thành cảm tạ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, UVTƯ Đảng, Tổng giám đốc Đài TNVN, ban lãnh đạo Đài cùng các đồng nghiệp nhà Đài đã tổ chức chu đáo, chăm lo buổi gặp mặt và giao lưu này, biểu hiện tình cảm làm tôi vô cùng xúc động, đặc biệt mối ân tình đối với lớp người đi trước qua lời phát biểu của anh Nguyễn Thế Kỷ vừa rồi.

Phan Quang: “Tôi đã để nghề báo ngập lụt cuộc đời”
Các vị lãnh đạo, các văn nghệ sỹ đến Chúc mừng Nhà báo Phan Quang.

Cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang đã dành nhiều thời gian, công sức làm cuốn sách, một công trình khoa học đồng thời là kỷ vật mừng người đồng nghiệp cao niên.

Tác phẩm chọn lọc 99 bài viết của nhiều bậc đàn anh và bạn hữu quý thân - hôm nay một số vị có mặt tại đây - cùng những vị tôi chưa từng biết tên gặp mặt bao giờ, trong số những tác giả có bài in trong tập sách, nhiều tên tuổi đã ra đi vào cõi vĩnh hằng như nhà báo Hoàng Tùng, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Tô Hoài, Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Trinh, nhà giáo Trần Đồng Minh, nhà thơ Trần Nhật Thu, nhà báo Tân Linh...

Đồng nghiệp ngày nay còn nhớ đến

Bạn bè thuở trước khuất xa rồi [1]

***

Thế hệ chúng tôi, những người nay tuổi ngoại tám, chín mươi, có diễm hạnh được sống những ngày tháng hào hùng của đất nước. Chúng tôi tham gia cách mạng khi vừa mới lớn, sau sự kiện Nhật hất cẳng Pháp, để rồi cùng với cha mẹ bà con cô bác làm cuộc tổng khởi nghĩa giành lại chính quyền Tháng Tám năm 1945.

Phan Quang: “Tôi đã để nghề báo ngập lụt cuộc đời” - Ảnh minh hoạ 2

Nhà báo Phan Quang cùng PGS TS Nguyễn Thị Trường Giang và các cộng sự xây dựng cuốn “Phan Quang 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề “.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, mặt trận Huế vỡ, quân Pháp bị vây tại Huế tràn ra chiếm vùng đồng bằng ba tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, ngày ngày đứng trên núi rừng chiến khu nhìn về đồng bằng chúng tôi thấy khắp nơi bốc lên những ngọn khói cuồn cuộn từ sáng đến chiều, lửa quân đội thực dân đốt cháy xóm làng ta đó. “Bình Trị Thiên khói lửa” không phải là hình tượng văn chương, nó là thực tế hiển hiện trước mắt, từ đó dưới sự lãnh đạo của Đảng, “Bình Trị Thiên đau thương” nhanh chóng trở thành “Bình Trị Thiên anh dũng”, góp phần cùng cả nước đánh thắng mấy cuộc chiến tranh giữ nước, làm nên nước Việt Nam với vị thế hôm nay.

Tôi được tổ chức phân công làm báo năm chưa tròn tuổi hai mươi, mấy lần leo dọc Trường Sơn từ địch hậu ra vùng tự do rồi quay trở lại, tham gia bốn chiến dịch, có lần hành quân lên mãi Thượng Lào, phục vụ chiến dịch Điện Biên, để rồi may mắn đúng vào ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, “tôi bỗng gặp trời thu Hà Nội” [2] .

Sau hơn sáu năm làm báo Cứu quốc Liên khu 4, tôi về báo Nhân Dân nấp bóng cây đa cổ thụ phố Hàng Trống, chủ yếu làm một chân phóng viên chuyên về nông nghiệp, ngày ngày xắn quần lội ruộng leo đồi, cùng “nông dân tả ngạn sông Hồng vỡ hoang”, khôi phục những công trình bị chiến tranh tàn phá cho “nước sông Cầu lại tưới cánh đồng chiêm”, xây dựng các vùng kinh tế mới thấp thoáng “màu áo nâu giữa rừng xanh Tây Bắc”.

Đời tôi có cái may, mỗi lần cơ quan có việc cần, Phan Quang là một trong số những phóng viên được ưu ái. Đất nước chia cắt, tôi vào vùng giới tuyến viết bài phản ánh tâm tình người dân “đôi bờ tắm nước một dòng sông”, cùng ra khơi “đánh cá Cửa Tùng”.

Sau mùa hè đỏ lửa năm 1972, ta giải phóng phần lớn tỉnh Quảng Trị, tôi lại về “nơi đụng đầu lịch sử”, mừng đảo “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận” [3] , “thăm lại chiến trường Khe Sanh Đường 9”, viếng nhà tù Lao Bảo, viết về “ánh điện Đông Hà” và “những tà áo trắng” các chiến sĩ ngành y chăm sóc sức khỏe người dân trong cái bệnh viện vừa dựng bằng tre nứa lá trên đổ nát hoang tàn.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris ký kết, quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, tôi có mặt tại đầu cầu Hiền Lương đúng vào giờ G, giờ hiệp định bắt đầu có hiệu lực, để cho xe lăn bánh trên chiếc cầu phao công binh ta vừa bắc trong đêm, bám theo xe đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị qua sông Bến Hải đi tiếp vào Nam “trên nẻo đường này xưa kia ta đã đi”.

Mùa xuân năm 1975, nhiều phóng viên báo chí ra chiến trường. Tôi lại được về quê, chuyện trò với “các chiến sĩ Thành cổ”, chưa kịp ghé thăm nhà đã vô luôn xứ Huế nhìn “lá cờ Mặt trận trước Ngọ Môn” đúng ngày 25/3/1975, ngày tỉnh Thừa Thiên cùng thành phố Huế hoàn toàn giải phóng.

Từ bờ sông Hương tôi bôn vào Đà Nẵng đang kẹt cứng đồng bào các nơi bị chính quyền Sài Gòn ép di tản, viết cảnh đồng bào ta “từ địa ngục trở về” làng quê trên những chuyến xe do chính quyền giải phóng cấp, những anh giải phóng quân ngày đêm canh gác “bảo vệ Bảo tàng Chăm” phòng trộm cướp di sản, để rồi từ bến sông Hàn đi tiếp vô Nam, ngỡ ngàng “lần đầu tôi gặp Sài Gòn”, chứng kiến cảnh Thượng tướng Trần Văn Trà tuyên bố: “Thắng lợi này là của toàn thể nhân dân Việt Nam” và cho phép tướng Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của ông được rời dinh Độc lập trở về đoàn tụ với gia đình họ.

Đời một người cầm bút, có vinh dự nào lớn hơn?

***

Chế Lan Viên, nhà thơ tài hoa và nhà báo sắc sảo, người dắt dẫn tôi những ngày tập tễnh bước vào nghề, ông thuộc lớp đàn anh nhưng coi tôi như bạn tri âm, có lần viết: “Làm báo hằng ngày như nuôi con mọn. Nó khóc, nó quấy, nó đòi ăn. Ta viết từ trồng cây, đánh du kích, xây dựng chính quyền ở xã, nuôi gà, ông Nguyễn Trãi, chuyện tiếu lâm, các vụ cãi nhau trong gia đình và ở quốc hội Mỹ, những vụ nổ súng ngoài đường và vụ nổ trên mặt trời... Ôi! Còn gì mà ta không đụng tới, hỡi chúng ta - những người làm báo hằng ngày, hằng ngày hay hằng đêm cũng được, đêm nào dưới ánh lù mù hay le lói, ta không trõm mắt ra mà viết bài hay đọc bản tin...”.

Nhìn lại tôi thấy cả đời mình chuyên làm báo hằng ngày: hơn 6 năm báo Cứu quốc, hơn 28 năm báo Nhân Dân, 9 năm Đài Tiếng nói Việt Nam - gần nửa thế kỷ trõm mắt viết bài, đọc tin…, còn các công việc khác phần lớn kiêm nhiệm. Mải mê với công việc, đến hồi cầm Quyết định nghỉ hưu, tôi giật mình nhìn dòng chữ rành rành trên Sổ bảo hiểm xã hội: “Thời hạn công tác: 57 năm 8 tháng”!

Khi tôi chạm mốc tuổi xưa nay hiếm, nhà văn Ngô Thảo người bạn cùng quê có bài đăng báo Nhân Dân, gọi Phan Quang là con dao pha, tổ chức cần việc gì giao ông việc ấy, báo chí cần thể loại nào ông viết thể loại ấy. Con dao pha có thể chặt cây, bổ củi, phạt cỏ trong vườn, băm bèo nuôi lợn, nhưng cũng chỉ được đến thế thôi. Ơn trời cho tôi sống đến hôm nay để mừng kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Đài TNVN, thấy vị thế Việt Nam tỏa sáng trên trường quốc tế, gặp các đồng chí lãnh đạo, đông đảo bạn hữu, đồng chí, đồng nghề thân quý đang tiến vào thời công nghiệp 4.0, xây dựng, phát triển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Đời một cây bút dao pha, có hạnh phúc nào lớn hơn?

Phan Quang: “Tôi đã để nghề báo ngập lụt cuộc đời” - Ảnh minh hoạ 3

***

Tôi đam mê văn học từ hồi còn bé nhưng lớn lên, tổ chức lại phân công làm báo. Tôi nỗ lực hết mình, và để tự an ủi, tôi nghĩ báo và văn là con cùng một mẹ, người mẹ ngôn từ, hai anh em trưởng thành đi làm ăn mỗi người một nẻo nhưng phân mà không cắt, phân rồi lại hợp, có hợp có phân, dù rạch ròi báo - văn, trong văn có báo trong báo có văn, ta hãy cố làm tốt bất cứ việc gì có ích, chớ có mơ màng chuyện viễn vông. Ngày ngày tôi trõm mắt viết bài, đọc tin, sửa duyệt bài của anh em, đêm đêm bên ánh đèn không đủ sáng tôi làm văn, viết truyện, dịch tác phẩm văn học nước ngoài…

Cách đây hơn 60 năm, nhà thơ Chế Lan Viên đang điều trị bệnh ở nước ngoài, nghe tin tôi sắp đi làm phóng viên địa phương [4] của báo Nhân Dân tại Liên khu III, viết thư giục: “Diêu này, Diêu đã đi Khu ba chưa? (...) Diêu ơi, Diêu hăng hái đi Khu ba đi. Không nên ở Hà Nội lắm…. Hoan sợ nghề báo như nước lụt ngập hết cả công việc sáng tác, nhưng nếu nó là một mức nước ngâm chân cây lúa, giữ ta trong những nhiệm vụ lớn, giúp ta gắn với phong trào, vui buồn đau khổ chung, thì nó chẳng hại mà có ích cho nghề văn” [5] .

Tôi đã để nghề báo ngập lụt cuộc đời mình. Nghe tin Phan Quang nghỉ hưu ở tuổi 75, một nhà báo nữ đến phỏng vấn: “Ông có ý định dành thời gian rỗi rãi chuyên tâm sáng tác văn học, làm nên một vài tác phẩm để đời?” Tôi đáp: “Muộn mất rồi!”. Và để kết thúc nỗi niềm, tôi nói vui: “Con người ai chẳng có mối tình đầu. Nhưng đến mức tuổi tôi hôm nay mà chỉ biết mải mê săn đuổi mối tình đầu, chẳng hóa ra mình phụ bạc người vợ hiền gắn bó bên nhau từ thuở muối dưa?”

[1] Thơ Nguyễn Hồng Trân mừng thọ Phan Quang.

[2] Những câu đóng ngoặc kép là đầu đề một số bài đã đăng báo.

[3] Một câu trong bài thơ Bác Hồ mừng các chiến sĩ giữ đảo Cồn Cỏ.

[4] Tương tự phóng viên thường trú ngày nay nhưng quyền hạn lớn hơn, Quyết định do Ban Bí thư ký.

[5] Thư đề ngày 1/5/1957.

Tác giả: Ngày 6/9/2018 Phan Quang

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây