Hôm 22/7 vừa rồi, Mesut Ozil đã đăng tải ba bức tâm thư rất dài nói về những chỉ trích mà anh phải hứng chịu trong thời gian gần đây và tuyên bố từ giã đội tuyển bóng đá quốc gia Đức.
Ở phần đầu lá thư, tiền vệ của Arsenal nêu rõ lý do dẫn đến cuộc gặp với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi tháng 5 của mình, cuộc gặp được cho là mồi lửa của tất cả những cuộc tranh cãi về sau này.
Ozil sinh ra từ một gia đình Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư vào Đức, anh khẳng định mình “có hai trái tim, một trái tim dành cho Đức và trái tim còn lại là của Thổ Nhĩ Kỳ”. Cầu thủ 29 tuổi này cho biết anh đã gặp tổng thống Erdogan nhiều lần và bức ảnh chụp chung giữa họ không liên quan đến chính trị hay bầu cử, đó đơn thuần chỉ là một hành động thể hiện sự tôn trọng.
Bức ảnh Ozil chụp cùng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (thứ 2 từ phải sang) gây tranh cãi
Theo Ozil, cuộc gặp này không có nghĩa là anh tán thành với các chính sách đàn áp các đối thủ chính trị và xâm phạm quyền tự do ngôn luận của Erdogan. Những ngôi sao trong làng thể thao Thổ Nhĩ Kỳ dám lên tiếng chỉ trích Erdogan như cựu cầu thủ Hakan Sukur hay tuyển thủ bóng rổ Enes Kanter đã phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng, do đó không quá khó hiểu khi Ozil không thể giữ khoảng cách quá xa với Erdogan.
Tuy nhiên, Ozil lại không đả động gì đến cuộc gặp với Erdogan đã khiến anh bị mất tập trung khi thi đấu trong màu áo đội tuyển Đức tại World Cup, khiến đội tuyển này bị loại sớm ở vòng bảng.
Tiếp theo, Ozil chỉ trích trường học cũ, các nhà tài trợ và đối tác thương mại đã không bênh vực anh, và các tờ báo Đức đã biến bức ảnh Ozil chụp chung với Erdogan thành một công cụ chính trị. Hơn nữa, phần lớn những lời chỉ trích đối với màn trình diễn không hiệu quả của Ozil tại World Cup đều đụng chạm đến vấn đề phân biệt chủng tộc.
Đặc biệt, Ozil chĩa mũi nhọn trực tiếp vào chủ tịch liên đoàn bóng đá Đức như sau: “Đối với Grindel và bè cánh của ông ấy, tôi là người Đức nếu đội tuyển Đức chiến thắng, nhưng tôi chỉ là một kẻ nhập cư nếu chúng tôi thất bại”.
Cũng theo Ozil, ông Grindel từng có hành vi kỳ thị chủng tộc khi bỏ phiếu chống lại luật hai quốc tịch và thiếu tôn trọng khi phát ngôn rằng “văn hóa Hồi giáo đã bám rễ vào nước Đức”. Ozil đặc biệt nhấn mạnh Grindel là một người thiếu năng lực, không tôn trọng các cầu thủ có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ và biến anh thành một công cụ chính trị.
Hơn nữa, Ozil thất vọng khi Grindel đã không hề bênh vực khi anh đối mặt với làn sóng chỉ trích sau khi tuyển Đức bị loại. Thậm chí Grindel còn phê bình Ozil trên tờ Kicker, đòi anh phải giải thích về việc chụp ảnh với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
“Trong khi tôi cố gắng giải thích rằng Thổ Nhĩ Kỳ là quê hương của tôi và đó là lý do của bức ảnh thì Grindel có vẻ như chỉ muốn thể hiện quan điểm chính trị của mình và miệt thị tôi”, Ozil cay đắng chia sẻ. Nhưng đồng thời, anh cũng gửi lời cảm ơn đến huấn luyện viên Joachim Low và giám đốc điều hành đội tuyển Đức Oliver Bierhoff đã bênh vực mình.
Anh kết lại: “Tất cả những chuyện đã xảy ra khiến tôi phải cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định từ giã đội tuyển quốc gia. Tôi cảm thấy mình bị phân biệt chủng tộc và không được tôn trọng”.
Vậy là ngày 22 tháng 7 năm 2018 đã đánh dấu một tổn thất lớn đầy đau đớn cho nền bóng đá nước Đức khi một trong những cầu thủ tài năng nhất của họ phải từ giã đấu trường quốc tế vì nạn phân biệt chủng tộc. Đây có lẽ là thời điểm tăm tối đáng quên nhất đối với những người yêu bóng đá chân chính tại Đức.
Ozil là một trong những cầu thủ hay nhất của đội tuyển Đức giành hạng ba World Cup 2010 và vô địch World Cup 2014. Anh cũng để lại dấu ấn rất lớn khi Đức hạ Brazil 7-1 ở bán kết World Cup 2014. Thậm chí ở World Cup 2018, không chỉ một mình Ozil sa sút phong độ mà thất bại của Đức đến từ lỗi hệ thống, trách nhiệm thuộc về cả HLV Joachim Loew.
Và sau tất cả, chắc chắn tiền vệ xuất sắc Mesut Ozil xứng đáng nhận được nhiều sự trân trọng hơn vì những gì anh đã cống hiến cho đội tuyển quốc gia Đức.
Tác giả: Đan Ly
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn