Nhật Bản thậm chí chỉ sử dụng cầu thủ U21 đá Asiad. Nhưng mục tiêu của bóng đá Nhật Bản khác hằn phần còn lại của giải đấu, được vạch ra từ cách nay nhiều năm: Họ cần chuẩn bị lực lượng cho Olympic Tokyo trên sân nhà sau đây 2 năm, nên việc làm bây giờ của họ là tích luỹ chuyên môn, bản lĩnh, cũng như kinh nghiệm cầu thủ nòng cốt sẽ dự Olympic Tokyo 2020.
Sau 2 năm nữa, chắc chắn định hướng sử dụng nhân sự của bóng đá Nhật Bản sẽ lại khác: Họ sẽ bổ sung nhiều cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất có thể, đồng thời sẽ không bỏ qua bất cứ tài năng nào ngoài 23 tuổi mà họ cho là cần thiết, ở sân chơi Thế vận hội, diễn ra trên sân nhà.
Thái Lan chỉ dùng lứa U23, không bổ sung bất cứ cầu thủ nào ngoài 23 tuổi, tham dự Asiad sẽ diễn ra vào tháng sau.
Tuy nhiên, tính chất của bóng đá Thái Lan ngay ở thời điểm hiện tại khác xa so với bóng đá Việt Nam. Lực lượng dự AFF Cup 2018, thậm chí lực lượng dự Asian Cup 2019 của bóng đá Thái Lan gần như đã định hình.
Đội hình nào cần tranh tài để gia nhập nhóm đầu châu lục, giữ vững vị thế số 1 Đông Nam Á, còn đội hình nào thông qua các giải trẻ để tích luỹ đã được họ phân nhóm từ lâu.
Vả lại, Thái Lan đã 4 lần vào bán kết môn bóng đá nam Asiad (1990, 1998, 2002 và 2014). Đây không phải thời điểm để họ mặn mà chen chân vào nhóm có huy chương của Á vận hội nữa, mà là thời điểm Thái Lan muốn có thành tích ở Asian Cup vào năm sau.
Bóng đá Việt Nam thì khác, đây là giai đoạn mà chúng ta cần tìm ra lực lượng tốt nhất dự AFF Cup vào cuối năm, thông qua phong độ, năng lực chuyên môn và bản lĩnh của các cầu thủ cụ thể, thể hiện ở các sân chơi lớn, thông qua những giải đấu như Asiad. Chứ bóng đá Việt Nam chưa có sẵn lực lượng đấy giống Thái Lan.
Bóng đá Việt Nam cũng vừa đón kỳ tích tại giải U23 châu Á mới cách nay chỉ nửa năm. Lọt vào đến tận chung kết giải U23 châu lục, mà lại không tìm được thành tích ở mức chấp nhận được tại Asiad, với công thức nhân sự “U23+3” (U23 cộng với 3 cầu thủ ngoài 23 tuổi), thì càng dễ gây hụt hẫng cho thế hệ U23 nói trên, gây hụt hẫng cho cả nền bóng đá.
Thành ra, khác với bóng đá Thái Lan, bóng đá Việt Nam cần chứng minh năng lực của mình tại Asiad, và cần đội hình tốt nhất trong khả năng có thể của chúng ta, để thi thố với quần hùng châu Á.
Chưa hết, sau kỳ tích U23 châu Á, một số ngôi sao của giải đấu nói trên có dấu hiệu chững lại, có dấu hiệu thoả mãn, giờ bắt buộc họ phải cạnh tranh chỗ đứng với những cầu thủ có chuyên môn tốt nhất bóng đá nội ở cùng vị trí, không phải là tốt hơn việc chưa tập trung đội tuyển đã biết mình chắc suất hay sao?
Ví dụ nếu như không có thủ môn Đặng Văn Lâm, há chẳng phải thủ thành Bùi Tiến Dũng nghiễm nhiên có suất bắt chính tại Asiad, trong khi anh chưa hề chứng minh mình xứng đáng thông qua sự thiếu ổn định ở giải quốc nội? Làm thế khác nào bất công cho các thủ môn còn lại?
Nếu không có Nguyễn Văn Quyết, Công Phượng sẽ thiếu người cạnh tranh nơi tuyến đầu, trong khi bản thân Công Phượng cũng cần được đặt vào môi trường cạnh tranh ra trò để phát triển tốt hơn, để có thêm động lực phấn đấu.
Và người ta vẫn cho rằng sở dĩ nhóm các cầu thủ U23 của HA Gia Lai không phát triển nhanh và toàn diện bằng nhóm các cầu thủ U23 của CLB Hà Nội, vì ở HA Gia Lai, Công Phượng và các đồng đội thiếu các cầu giàu kinh nghiệm, giàu bản lĩnh và có năng lực dìu dắt, giúp họ chống chọi với những thời điểm khó khăn. Giờ, khi được quyền bổ sung những cầu thủ như thế đứng bên cạnh các tuyển thủ U23, tội gì chúng ta không sử dụng.
Ngay đến Olympic Brazil và Olympic Argentina khi cần phải thi đấu đàng hoàng tại các kỳ Olympic Rio 2016 và Bắc Kinh 2008, những nền bóng đá kể trên còn bổ sung Neymar, thủ môn Weverton (Brazil năm 2016), Mascherano, Riquelme (Argentina năm 2008), huống hồ là bóng đá Việt Nam, trong khi mục tiêu thành tích và định hướng của chúng ta tại Asiad lần này không hề giống Nhật Bản hay Thái Lan, nên cũng không nhất thiết phải rập khuôn thực hiện những việc mà Nhật Bản hay Thái Lan thực hiện!
Tác giả: Trọng Vũ
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn