Năm 2017, kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại (1917-2017). Sau sự kiện “Mười ngày rung chuyển thế giới” (J. Rit) là sự ra đời của Liên Xô - nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Từ năm 1991 không còn tên gọi Liên Xô. Nhưng nước Nga thì vẫn tồn tại bất diệt trong tâm thức những người yêu chuộng công lý, hòa bình và hữu nghị trên trên toàn thế giới. Với ai thì không biết, nhưng với thế hệ chúng tôi đã trải qua lửa đỏ và nước lạnh thì nước Nga luôn trong trái tim mỗi người. Vì thế khi đọc cuốn sách Nước Nga - Hành trình tới tương lai của nhà báo cựu trào Hồ Quang Lợi, trong tôi lại rưng rưng một nỗi niềm. Và ký ức về nước Nga có dịp sống lại với bao kỷ niệm tươi nguyên.
Nhiệt hứng tương lai
Nhiệt hứng của sự viết rất quan trọng quyết định thành bại của tác phẩm. Theo kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi thấy có nhiều kiểu nhiệt hứng: tiểu khí (bới móc, phủ định sạch trơn), đại khí (hướng tới toàn cục, nhìn về tương lai, nhân giống cái đẹp), trang hoàng (kết hoa cài lá làm khải hoàn môn), học đòi (bê nguyên xi cái của người ta đã quá ư lạc hậu nhưng hớn hở tưởng là mới mẻ với mình), phục cổ (chỉ có quá khứ là đẹp duy nhất). Ấy là tôi nói trong làng văn.
Nước Nga - Hành trình tới tương lai, dĩ nhiên không phải là sáng tác văn chương. Nhưng nó có phẩm tính văn chương. Nó thuộc phạm trù báo chí. Tôi nghĩ, đây là dạng thức “thời luận”, lai tạo giữa báo và văn. Nhưng thôi, cần gì mất thời gian để bàn về “bộ xiêm áo” của tác phẩm. Quan trọng hơn là người khoác nó.
Nhiệt hứng tương lai của sự viết là sợi chỉ đỏ, là linh hồn của Nước Nga - Hành trình tới tương lai. Ngay nhan đề sách đã ánh xạ lên điều đó. Một nhan đề như là kết quả của quan sát, nghiền ngẫm, suy tư. Và kỳ vọng. Hơn thế là hy vọng. Một niềm hi vọng thiêng liêng về một nước Nga vĩ đại trong quá khứ, qua cơn binh biến, qua nạn “đại hồng thủy” sẽ hồi sinh. Sẽ vươn mình như.... Phù Đổng Việt Nam. Nếu không được viết bằng nhiệt hứng này thì tác phẩm cuối cùng cũng không thể vượt qua được sức mạnh vô song của “Ông Google”, nếu người ta chỉ cần thông tin thuần túy. Đọc “Ông Google” thì sẽ chỉ biết rất nhiều. Nhưng cảm xúc thì hiếm hoi. Mà lại là cảm xúc về tương lai thì thuộc về lĩnh vực tiên cảm, tiên tri, tiên đoán, tiên lượng. Đây không phải là tác phẩm đầu tay của tác giả. Nên dĩ nhiên ông có nhiều kinh nghiệm “trường báo/trận bút”.
Nhưng kinh nghiệm chủ nghĩa không kiến tạo nên thành công của tác phẩm. Nói viết bằng nhiệt hứng tương lai là để so sánh với sự viết dựa căn bản trên cảm hứng “hiện sinh chủ nghĩa” (existentialisme). Nghĩa là chỉ có cái hôm nay. Không quá khứ cũng không tương lai. Viết theo sự hướng dẫn của nhiệt hứng về tương lai không phải là “vị lai”, mà dựa trên một cái nhìn biện chứng đường đi nước bước của sự vật. Và quan trọng hơn là trên một tầm nhìn chiến lược, nắm được quy luật vận động của sự vật. Không phải ai cầm bút viết văn/báo cũng có được cái phẩm tính quý báu này. Nhìn vào cấu trúc tác phẩm độc giả sẽ cảm nhận được nhiệt hứng tương lai của sự viết với 4 chương: I (Vật đổi sao dời), II (Hỗn mang sau một cú sốc), III (Đứng dậy và đi tới), IV (Nước Nga và thế cuộc toàn cầu). Đúng như thế. Đứng dậy và đi tới. Hành trình tới tương lại là đại lộ của nước Nga nói riêng. Cũng là đại lộ của những dân tộc vĩ đại khác, trong đó có Việt Nam.
Nước Nga trong trái tim tôi
Nhiều người thích câu nói nổi tiếng của Tổng thống Liên bang Nga V. Putin: “Ai không khóc Liên xô cũ, kẻ đó thiếu một tấm lòng, nhưng ai muốn tái lập nó hoàn toàn giống với trước kia thì đó không phải là người có đầu óc”. Câu này được báo Tinh Hoa Việt (Chuyên đề của báo Đại đoàn kết) đăng lại trong số 62 (ra ngày 25-10-2017) khi trích giới thiệu một phần trong cuốn sách Nước Nga - Hành trình tới tương lai. Nước Nga trong tâm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam là quê hương của Lê nin - vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân thế giới, quê hương của một nền văn hóa lớn với những cây đại thụ tỏa bóng rợp trong các lĩnh vực văn chương, âm nhạc, hội họa, kiến trúc. Nước Nga, quê hương của một nền folklore Nga đặc trưng... Những thế hệ người Việt Nam đã từng sống, học tập và làm việc ở Liên xô trước 1991 đều ghi khắc tình cảm chân thành và rộng lớn của nhân dân Nga với Việt Nam.
Vì thế không riêng gì tôi mà độc giả nói chung rất yêu thích những trang viết trong các bài Những phát đạn nã vào quá khứ, Ba ngày đổi khác Liên xô, Thời điểm bi kịch của Liên bang Xô viết, Bước trầm của lịch sử,...Ở đó không có sự hả hê của những người vốn định kiến với cách mạng vô sản, nay thấy Liên xô sụp đổ thì “tay bắt mặt mừng” với những đồng minh của mình, với những kẻ vô ơn bạc nghĩa, cạn tình ráo máng, vô liêm sỉ khi quay ra chửi bới đất nước quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Nhưng hãy nhớ một câu châm ngôn nổi tiếng mà cả thế giới Đông - Tây, Cổ - Kim đều tâm đắc: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ nã vào anh bằng đại bác”. Chỉ cần một lần đặt chân đến nước Nga thôi, lập tức tâm thế chúng ta sẽ có những điều chỉnh cần thiết theo hướng bớt cực đoan, bới định kiến, bớt hẹp hòi là vì như tác giả chia sẻ: “Nhìn bên ngoài, Matxcơva vẫn vậy với vẻ đẹp quyến rũ của nó. Nhưng đằng sau cảnh sắc thanh bình đó, thành phố lớn này đang chứa đựng biết bao nhiêu vấn đề phức tạp và nóng bỏng, tạo thành những dòng xoáy khốc liệt, những mạch ngầm dữ dội”. Đó là cách cảm, cách nhìn, cách nghĩ của những người biết đồng cảm, chia sẻ trong hoạn nạn. Hình ảnh những hàng người rồng rắn xếp hàng mua sữa, bánh mỳ, và các nhu yếu phẩm khác ở Liên xô vào cuối thập kỷ tám mươi thế kỷ trước không phải là sự “sáng tác” huyễn tưởng, mà là sự thật. Một sự thật đau lòng mà chính chúng ta cũng đã trải qua vào đúng thời điểm đó như một sự trùng lặp của lịch sử. Người viết bài báo nhỏ này cũng đã sống ở nước Nga vào thời điểm khó khăn nhất (1987-1990) nên đồng cảm với sự viết của tác giả Hồ Quang Lợi.
Nước Nga với đặc trưng như cách diễn tả của Tổng thống V. Putin: “Nước Nga là một đất nước giàu có của những người nghèo”. Thiết nghĩ, câu nói đầy tính ẩn ngữ đó cũng có thể để nói về Việt Nam. Vậy nên khi tác giả viết về những cảnh “nhếch nhác” hay “xám xịt” của buổi xế chiều của chế độ Xô viết thì không phải là một cáo trạng như ai đó nghĩ xấu, mà là một nỗi niềm canh cánh, một sự đồng cảm pha chút chua xót, đau lòng, rưng rưng cảm xúc của những người cùng cảnh “áo ngắn” dám xắn tay gây dựng cơ đồ. Cùng nỗ lực vượt qua bĩ cực để tới ngày thái lai.
Những trang về nội tình cải tổ (perextroica) ở Liên xô (trước đây) và thời biến động ở nước Nga sau này, tôi nghĩ, đều được viết từ cái nhìn của nhân dân vĩ đại. Nghĩa là viết từ một tấm lòng và từ một trí tuệ. Vì nhân dân “Không muốn đất nước bị đẩy vào tình trạng rối loạn và phiêu lưu. Họ không muốn tương lai của họ bị đưa ra đánh cuộc”. Người ta nói trong sự viết có “hướng nội” và “hướng ngoại”, cũng như có “hướng thượng” và “hướng hạ” (hiểu là hướng tới đời sống nhân dân và ai đứng về phía nhân dân người đó sẽ vĩ đại). Tôi nghĩ, những trang viết của Hồ Quang Lợi về thời cuộc tất nhiên là sắc bén, khái quát cao, mở rộng biên độ tiếp nhận, nhưng sức lay động lại chính là những trang viết về con người Nga, đời sống Nga trong cơn lốc xoáy, binh biến, vật đổi sao dời, ba chìm bảy nổi chín lênh đênh của kiếp người. Những trang viết đậm chất nhân tình thế thái có sức ám gợi lâu dài sau khi gấp lại trang sách cuối cùng.
Tuy chỉ “đi qua”, lâu hơn là “dừng chân” ở nước Nga, nhưng cuốn sách mới của Hồ Quang Lợi sẽ đứng được trong lòng độc giả có lẽ, theo tôi, là nhờ vào cái tình của người viết. Cái tình đó có thể gói gọn trong một câu “Nước Nga trong trái tim tôi”. Tác giả không trực tiếp viết như thế. Nhưng nó như một thông điệp của trái tim. Hay nói cách khác cách viết của tác giả Hồ Quang Lợi là đi từ trái tim đến trái tim.
Viết với trải nghiệm văn hóa
Có nhiều cách viết (văn cũng như báo): Bằng sự trải nghiệm theo phương châm “sống đã rồi hãy viết”. Nghĩa là “sống lâu lên lão làng”. Cũng có thể viết do tài năng của trí tưởng tượng tuyệt đích (thường thuộc về các thiên tài). Nhưng bền lâu nhất vẫn là viết với trải nghiệm văn hóa. Đọc Nước Nga - Hành trình tới tương lai của Hồ Quang Lợi, không riêng tôi nhận ra hàm lượng văn hóa cao của tác phẩm. Khi tiếp cận nước Nga từ phương diện văn hóa và nhờ văn hóa mà nước Nga trụ vững qua phong ba bão tố, để quật khởi, để hùng cường, tôi nghĩ, tác giả đã đi vào trọng tâm của đối tượng khi vạch ra được ba yếu tố căn bản: giá trị - bản sắc - ứng xử. Phải có một cái “phông” văn hóa đến mức sâu rộng nào đó để viết trọn vẹn các chương III (Đứng dậy và đi tới), IV (Nước Nga và thế cuộc toàn cầu) hấp dẫn và thuyết phục cả những độc giả thông tuệ nhất và cũng ...khó tính nhất.
Tột cùng văn hóa là con người. Con người Nga quá khứ đã được khắc họa thành công trong các lĩnh vực nghệ thuật (nổi bật nhất là văn chương). Nhưng ở thời hiện đại, sau những “đại hồng thủy” thì chân dung con người Nga lúc này chưa phải là các triết gia, nhà khoa học, nghệ sỹ, dù họ tầm cỡ tài năng. Mà là nhà lãnh đạo đẳng cấp lãnh tụ. Vì sao? Vì dân tộc Nga và lịch sử đang đòi hỏi xuất hiện con người vạch lối, cầm cương, có tư chất của đại bàng, nhìn xa trông rộng. Điều đó giải thích vì sao tác giả lại tập trung khắc họa chân dung “Người cầm lái mới” của nước Nga - Tổng thống V.Putin. Tôi có cảm giác Hồ Quang Lợi đã vận dụng cái nhìn “lập thể” để tái dựng chân dung một trong những con người có quyền lực nhất hành tinh ngày nay. Không tung hứng, không tô màu, không huyễn hoặc, không xu phụ....cứ nhẩn nha thuyết phục độc giả bằng cả lý, cả tình. Mấy ai như Tổng thống Nga V. Putin dám công bố trước quốc dân đồng bào: “Đừng quá hy vọng vào tôi!”, bởi “Sự nhiệm màu sẽ không xảy ra!”. Đó là văn hóa của V. Putin - một tính cách Nga đặc trưng. Đồng thời cũng thể hiện cách viết với trải nghiệm văn hóa của chủ thể ngòi bút. Bình tĩnh, tự tin, chân thành, cởi mở, sẵn sàng đối thoại bằng chữ,...đó là tâm thế cầm bút của tác giả Hồ Quang Lợi.
Có một danh ngôn tôi và nhiều người thích: “Mở một cuốn sách thấy một con người”. Xin mời Quý độc giả hãy mở ngay cuốn sách Nước Nga - Hành trình tới tương lai của tác giả Hồ Quang Lợi.
Tác giả: Nhà văn Bùi Việt Thắng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn