Ngọc Ánh là nữ ca sĩ nổi tiếng và được yêu mến vào những năm cuối 1980 đầu 1990. Thời điểm đó chị là một trong những ca sĩ của dòng nhạc trẻ hớp hồn khán giả, đồng thời cũng là một trong số các ca sĩ dẫn đầu trào lưu chạy sô như con thoi từ Bắc ra Nam.
Ảnh hưởng của Ngọc Ánh khi đó có thể thấy rõ qua những danh xưng mà khán giả đặt cho cô: “Nữ hoàng Tivi”, “Nữ hoàng băng cassette”, "Nữ hoàng nhạc rock", "Nữ hoàng cát- sê"… Có một thời cứ mở tivi lên là thấy Ngọc Ánh, bước ra cửa hàng băng đĩa là thấy băng nhạc áp đảo của Ngọc Ánh. Chị cũng là ca sĩ có lượng khán giả khổng lồ ở mọi lứa tuổi.
Được biết, ca sĩ Ngọc Ánh sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Cha mẹ, nội, ngoại của nữ ca sĩ là ở Quảng Nam. “Ngày đó, Sài Gòn trong mắt cô bé 4- 5 tuổi, tôi nhớ rất nhiều hình ảnh Sài Gòn ngày xưa. Tôi nhớ nhiều nhất là cơ sở bán bắp rang. Gia đình tôi có 10 máy như vậy. Nhà tôi nhập máy đó đầu tiên, bán ở Lê Lai, ngay chợ Bến Thành.
Tôi được chở đến đó chơi, được ăn bắp ở trên đó. Lúc đó, tôi thấy Sài Gòn đẹp và thơ mộng lắm. Người nhà hay chở tôi trên chiếc xe Honda, ngồi phía trước. Tôi cứ nhìn ngắm và nhớ hoài, không quên được Sài Gòn lúc đó. Nhất là những buổi chiều, khi nhà tôi rang bắp, đổ ra, thơm một góc trời. Rồi mọi người đứng đợi để mua bắp. Cứ mỗi bao bắp lại đóng dấu “Bắp Dũng”, Dũng là tên anh trai tôi. Cái mùi bắp rang đó, đến giờ Ngọc Ánh cũng chưa tìm lại được”, Ngọc Ánh nhớ lại khi xuất hiện trong chương trình “Ký ức tươi đẹp” vừa phát sóng.
Nữ ca sĩ cho biết, từ thuở nhỏ chị đã rất mê hát. Chị kể: “Tôi và các anh chị đều thừa hưởng gen hát hay của mẹ. Mẹ tôi háthay lắm. Cả gia đình ai cũng hát hay từ chị hai, cho đến anh ba, cho đến tôi là út. Ai cũng hát hay, nhưng không ai theo nghề. Cái nghiệp của mình nên mình đi theo nghề hát.
Tôi nhớ ngày xưa đi học ở trường Tân Sơn Hòa, đi bộ về nhà tầm 11h30 là mình mở radio nghe nhạc Chế Linh, Thanh Tuyền, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền...Tôi nghe thấm vào trong đầu. Mình rất thích nhạc, ngày xưa gọi là kích động nhạc.
Tôi nhớ một kỷ niệm, năm đó tôi 6 tuổi, đi ăn đám cưới. Thấy người ta đàn hát trên sân khấu, tôi cũng muốn lên sân khấu hát. Ba mẹ tôi thì nói, con còn nhỏ, lên hát gì. Nhưng tôi muốn nên bay lên sân khấu, lấy micro hát bài “Uống rượu mà không say nào hay”. Từ đó, gia đình biết mình rất đam mê, hát thể loại nhạc sôi động như thế.
Không ai dạy hát, tôi nghe radio, tối lại xem tivi. Thấy Hùng Cường, Mai Lệ Huyền nhảy nhót, tôi cũng đứng trước tivi nhảy và hát theo”.
Ngọc Ánh bắt đầu biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp từ năm 1985 tại sân khấu hồ bơi ở khu giải trí Tân Bình. Hồ bơi có sân khấu tràn ra giữa, Ngọc Ánh hát còn mọi người vẫn bơi. Khán giả ngồi một bên của hồ bơi. Ngọc Ánh hát hai bài: “Mùa xuân bên cửa sổ” và “Trị An âm vang mùa xuân”.
Thời điểm đó, không ca sĩ nào dám hát ca khúc có từ “nụ hôn” mà Ngọc Ánh lại chọn hát “Mùa xuân bên cửa sổ”. Bài này cũng được Ngọc Ánh thu âm cho đài phát thanh.
“Bài đó là ấn tượng sâu đậm đối với tôi. Năm 1987, tôi thu âm cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Cho đến 10 năm sau, mỗi lần đi đâu ở tỉnh, cũng nghe giọng mình hát trên loa. Hồi đó, cứ buổi sáng, sau nhạc hiệu bài “Diệt phát xít” là nghe thấy giọng tôi hát “cao cao bên cửa sổ, có hai người hôn nhau... Cứ đi đâu, hát chỗ nào, 5 giờ sáng là lại nghe mình hát trên loa suốt 10 năm trời”, Ngọc Ánh nói.
Thời đó Sài Gòn bắt đầu nở rộ các tụ điểm ca nhạc, và độ nổi tiếng của ca sĩ được đo bằng... tốc độ chạy show. Giờ ngồi nhớ lại những ngày tháng ấy, Ngọc Ánh nói chị nhớ nhất là tiếng vỗ tay của khán giả. “Tiếng vỗ tay của khán giả thời đó thật kinh khủng, dễ sợ và nó làm cho mình sung hơn trên sân khấu. Khi hát xong một bài, mình nghe như sấm dậy chứ không phải là tiếng vỗ tay không đâu. Cứ tưởng tượng thế này, nhà Văn hóa Lao động có 3 sân khấu: sân khấu trên lầu là sân khấu nhảy đầm, sân khấu bên dưới là tạp kỹ và một sân khấu nhỏ cạnh sân tennis là sân khấu của ban nhạc rock Đại Dương và tôi hát cả 3 sân khấu đó. Nhạc gì cũng hát”, Ngọc Ánh nhớ lại.
Ngọc Ánh ngày đó còn được mệnh danh là “Nữ hoàng chạy show”. Chị tiết lộ, kỷ lục một đêm chị chạy hát tới... 12 tụ điểm: “Tôi chạy show từ 6h 30 tối, riêng ở Đầm Sen hát 3 show. Sau đó, hát tiếp ở sân khấu Phú Thọ, rồi tiếp tục biểu diễn ở sân khấu Kỳ Hòa, xong là chạy ra sân khấu quận 10, rồi từ đó tôi chạy sang hát bên Nhà hát Hòa Bình, sau đó lại chạy sang tụ điểm 126, rồi chạy sang hát tiếp ở sân khấu Trống Đồng, xong lại qua Dancing Rex, rồi tới Liberty, lại chạy vào sân khấu Đông Kinh, Đệ nhất khách sạn... Mà hồi xưa, ở sân khấu nào cũng có hàng chục ngàn người, người ta đi xem ca nhạc đông lắm”.
Nói về tin đồn, Ngọc Ánh kiếm được nhiều cát- sê đến nỗi tiền, vàng dắt quanh người, chị chia sẻ: “Thời đó, nếu chạy show trong thành phố thì cũng có nhiều ca sĩ chạy show. Riêng đi tỉnh, chỉ có Ngọc Ánh. Không có ca sĩ nữ nào hát ở tỉnh. Lúc đó ca sĩ hát live, hát với ban nhạc, hoàn toàn hát thật, hát bằng thực lực của mình. Mỗi lần đi show như vậy, hát tầm 10 bài, mà mỗi lần đi tỉnh phải cả tháng rồi mới về nhà. Đi hát tỉnh dịp lễ tết, đâu có ai buôn bán gì.
Tiền cát- sê, tôi phải gói cả gói để mang theo, ôm nhiều lắm. Ngày xưa chưa có giấy 500 ngàn như bây giờ. Đến mùng 8 Tết, người ta báng vàng là mình lo mua, để cầm cho gọn. Thời xưa, mua vàng khâu, vàng chỉ nhỏ nhỏ, không có vàng cây như bây giờ. Mình mua một lượng, người ta bán cho 5 chiếc, tôi phải xỏ vàng vào cái kim băng, rồi cài vào sợi dây. Để ở khách sạn thì sợ mất nên tôi phải đeo dây vàng vào... thắt lưng. Khi hát, tôi còn cứng cả bụng vì quấn nhiều dây vàng.
Sau này có vàng miếng SJC, thì tôi phải luồn vào cái ruột tượng (túi vải nhỏ dài), rồi lấy kim băng cài vào thắt lưng. Mình đi hát như vậy, của... dính vào người như vậy, yên tâm hơn...”
Nói về sự hâm mộ của khán giả dành cho nghệ sĩ, Ngọc Ánh cho biết thời đó chưa có mạng xã hội. Khán giả chỉ nhìn thấy thần tượng trên tivi, nếu muốn nhìn trực tiếp chỉ còn cách mua vé vào sân khấu nghe hát.
“Lượng khán giả đến sân khấu rất thật. Sau khi xem xong, có người viết thư gửi đến, có người gửi thư xin ảnh qua các tòa soạn báo.
Tôi nhớ có lần hát trên sân khấu, khán giả la lên: “xin hình, xin hình”. Tôi còn phải vào cho ca sĩ khác ra hát nên nói khán giả gửi thư cho mình. Ca sĩ thì không nên tiết lộ địa chỉ nhà ở, nên giữ sự riêng tư. Lúc đó, tôi quên mất, trước sự nhiệt tình của khán giả, đọc luôn địa chỉ nhà. Đúng 1 tuần sau, thư đến nhà Ngọc Ánh, trời ơi, không thể tưởng tượng được phải đến mấy bao thư. Đến giờ, tôi vẫn giữ được đến 3 thùng sữa đựng thư. Khi đổ thư ra, tôi phải làm 1 con dấu “Ngọc Ánh thân tặng” để ký lên ảnh rồi đóng dấu, chứ nhiều quá, tôi không viết nổi nữa. Tôi rửa một lần... 10 ngàn tấm hình, thư của ai gửi tới, có bao thư bên trong, họ ghi sẵn địa chỉ của họ, có sẵn tem thì người nhà Ngọc Ánh đóng dấu chỗ người gửi, đóng dấu sau tấm hình rồi bỏ ảnh vào bao thư để gửi đi.
Có lúc cao điểm, phải 7 người làm thư như vậy để gửi cho khán giả. Bởi khán giả hâm mộ mình như vậy, mình không lỡ phụ lòng”, “Nữ hoàng băng đĩa nhớ lại”.
(Còn nữa)
Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn