Điều gì khiến anh bắt tay vào dàn dựng vở cải lương “Thầy Ba Đợi”?
Vở diễn “Thầy Ba Đợi” do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ là tác giả kịch bản văn học, soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương. Thực ra, trước đó, khi tìm ý tưởng cho hoạt động kỷ niệm 100 năm cải lương Việt Nam, tôi đã ướm lời với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ với Nhà hát Cải lương Việt Nam là chỗ thân tình như người nhà. Anh từng viết nhiều kịch bản cho nhà hát và các vở diễn đó đều gây tiếng vang rất lớn.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã nghiên cứu lịch sử cải lương và thống nhất chọn thầy Ba Đợi tức nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Đây là một nhân vật có công rất lớn góp phần hình thành nên âm nhạc tài tử Nam Bộ sau đó là cải lương nhưng tư liệu về ông lại vô cùng ít ỏi.
Thầy Ba Đợi vốn là một quan của triều nhà Nguyễn – Huế. Khi vua Hàm Nghi bị Pháp đầy sang Châu Phi, ông đã phiêu dạt sang mảnh đất Nam Kỳ, trú ngụ ở ngôi chùa trước đó là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu từng tá túc để viết “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Quá trình nương náu và đi dạy nhạc, ông không thể truyền trực tiếp nhã nhạc cung đình Huế cho nhân dân vì chỉ có vua quan triều đình mới được thưởng thức loại âm nhạc này.
Để nhã nhạc cung đình Huế không mất đi và để dân được tiếp cận với loại âm nhạc này, ông đã nghĩ ra cách sản sinh ra một hệ thống âm nhạc mới chính là âm nhạc đờn ca tài tử. Thầy Ba Đợi với kiến thức uyên bác của mình trở thành ngọn cờ đầu trong việc cải biên, sắp xếp, sáng tác, quy hoạch tổng thể lại 20 bản tổ, nòng cốt của đờn ca tài tử. Cải lương phát triển từ đờn ca tài tử, nếu không có đờn ca tài tử sẽ không có sân khấu cải lương.
Với những công lao này, ê-kíp chúng tôi muốn khẳng định ông là hậu tổ của đờn ca tài tử và sân khấu cải lương. Từ suy nghĩ đó mà PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã chấp bút viết kịch bản thơ rồi hai soạn giả chuyển thể thành kịch bản cải lương.
Anh nghĩ gì về mối lương duyên lớn của cá nhân anh nói riêng và Nhà hát Cải lương Việt Nam nói chung với các kịch bản do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chấp bút?
Quả thực, chúng tôi có mối lương duyên rất lớn với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. Trước đó, chúng tôi đã từng dựng vở: Chuyện tình Khâu Vai (2014), Mai Hắc Đế (2015), Hừng đông (2016)... dựa trên kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. Có thể nói, đây là một may mắn lớn mà không phải nhà hát nào cũng có được.
Các kịch bản do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết đều giàu chất liệu sân khấu dựa, có những tìm tòi và sáng tạo rất thuyết phục. Thêm vào đó, bao giờ tác giả cũng để cho người chuyển thể và đạo diễn thỏa sức sáng tạo. Vì lẽ đó mà làm việc với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ rất dễ chịu, không hề có bất kỳ áp lực nào. Các vở diễn sau khi công diễn đều gây được tiếng vang và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Chúng tôi luôn mong mối lương duyên này kéo dài thêm để có thêm được nhiều vở diễn thú vị hơn gửi tới khán giả.
Khi bắt tay dựng vở “Thầy Ba Đợi”, anh gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Sau khi kịch bản văn học do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết xong, chúng tôi kết nối với các bạn trong miền Nam. Người đầu tiên là soạn giả Hoàng Song Việt, một soạn giả uy tín của cải lương miền Nam. Người thứ hai là NSND Trần Ngọc Giàu cũng là người nổi tiếng trong giới sân khấu phía Nam. Hai người nhất trí cùng nhau triển khai dự án này khiến chúng tôi vững tâm hơn rất nhiều.
Thực ra, khi đưa ý tưởng này vào miền Nam tôi cũng có chút lo lắng bởi sợ các nghệ sĩ TP.HC không được tin tưởng ở khả năng sáng tạo của ê-kíp miền Bắc. Trước đó, cũng từng có không ít ý kiến cho rằng cải lương miền Bắc và miền Nam khó mà tìm được sự đồng điều trên cùng một sân khấu bởi có quá nhiều sự khác biệt. Nhưng rất bất ngờ là khi biết dự án này, các nghệ sĩ “ngôi sao” của sân khấu cải lương phía Nam như: NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hồng Minh, NSƯT Quế Trân, NSƯT Trọng Nghĩa, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Hữu Quốc... đã rất hào hứng tham gia.
Các nghệ sĩ đều thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của mình đối với từng vai diễn dù thời gian để họ tập luyện không có nhiều. Bản thân NSƯT Thanh Tuấn đã ngoài 70 tuổi, thời gian rất bận bịu nhưng vẫn đảm bảo vai diễn tốt nhất. Quế Trân cực kỳ nghiêm túc trong nghệ thuật.
Phải nói thêm rằng, các nghệ sĩ miền Bắc cũng nỗ lực vô cùng để vở diễn được trọn vẹn nhất. Nghệ sĩ Quang Khải là một nghệ sĩ cốt cán có năng lực. Anh không chỉ là diễn viên chính, luôn tạo ra những dấu ấn riêng mà còn là người khai thác rất tốt những thế mạnh của mình trong công việc. NSND Vương Hà thì không thể chê được một điểm gì bởi chị quá chuyên nghiệp và tài năng. Thu Trang tham gia chỉ vài ba lớp thôi nhưng khi cất giọng lên các đồng nghiệp đều phải hết mình trân trọng. Tình cảm của nghệ sĩ hai miền trong quá trình tập vở rất ấm, yêu mến, quyến luyến nhau.
Trong vở diễn có nhiều trường đoạn khán giả hết sức ấn tượng. Đoạn vua Hàm Nghi bị đầy tạo hiệu ứng tình cảm đối với khán giả. Rồi mối tình giữa nhạc sư Quang Đại và cô Ái Hoa. Cô Ái Hoa đã hy sinh cả mạng sống để nhạc sư Quang Đại được an toàn, giống như đồng bào Nam Bộ chở che cho nhạc sư vậy. Cảnh nhạc sư Quang Đại qua đời cũng khiến nhiều người rơm rớm nước mắt.
Âm nhạc được sử dụng trong vở này khác hẳn. Sau khi xem vở diễn, nhiều bạn trẻ đến gặp chúng tôi bày tỏ rằng “nghe nhạc thích quá”. Vấn đề về trang trí sân khấu cũng là một sự thay đổi không hề nhỏ. Thường trong cải lương miền Nam thiên về trang trí tả thực, thế nên khi tôi mang trang trí của họa sĩ Doãn Bằng vào nhiều người rất ngạc nhiên. Họa sĩ muốn gợi hình ảnh của chiếc đàn không phải tả thực mà chỉ gợi tả biểu trưng. Thấp thoáng được xoay đi xoay lại nhưng góc độ khác nhau tạo điểm cao thấp trong sự tương quan của trang trí. Ở đây, trang trí tả ý, có yếu tố ước lệ.
Sau khi kết thúc các suất diễn, anh em vô cùng khao khát làm sao đưa được vở này ra Hà Nội. Lẽ ra chúng tôi sẽ triển khai nhiều đêm hơn nhưng vì lịch diễn của ê-kíp chỉ được đúng ngần đó thời gian nên chỉ có thể biểu diễn tại Hà Nội vào đêm 27 và 28/5.
Sau thành công của vở cải lương “Thầy Ba Đợi”, anh có ý tưởng gì cho sự kết nối nghệ sĩ cải lương hai miền Nam – Bắc một cách dài hơi?
Sau khi vở diễn này thành công ở TP.HCM và Long An, tôi đã hoàn toàn xóa bỏ được những lo lắng về khát vọng muốn cải lương hai miền tìm được sự đồng điệu trên sân khấu. Trước đó, tôi có nói, cần đổi mới sân khấu cải lương, không phải bằng sự táo bạo, phá cách... mà nhặt lại trong di sản những gì còn đẹp đẽ. Lấy lại những giá trị của thời gian để thay đổi nếp xem của hiện tại cũng là một sự đổi mới. Cố gắng làm sao một vở diễn cải lương phát tiết được hết nét đẹp. Cải lương mà biết cách đổi mới sẽ không bao giờ "chết".
Khi nhận được những ý kiến và tự ái rất đáng yêu của các bạn đồng nghiệp đối với cải lương miền Bắc, tôi cũng có khá buồn. Nhưng sau khi công trình vở “Thầy Ba Đợi” xong, những cái đó đã bị xóa bỏ. Các bạn đã tin tưởng mình hơn mà không cần mình làm gì cả…
Tôi đã thống nhất với soạn giả Hoàng Song Việt và các nghệ sĩ trong miền Nam, sẽ có những dự án nối dài. Anh Hoàng Song Việt với công ty của anh ấy sẽ cùng phối hợp dàn dựng những vở diễn mang tính đổi mới cho cải lương. Tới đây có cải lương kết hợp Graffiti, rồi cải lương thực ảnh... Một loạt những ý tưởng và chương trình thể nghiệm sẽ được triển khai trong miền Nam với các thành phần sáng tạo của cả hai miền.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn