Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 3 diễn ra từ ngày 4 đến 9/11 với sự tham gia 10 đoàn nghệ thuật với 10 vở diễn gồm: “Ngôi nhà trong thành phố” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Thế sự” (Nhà hát Kịch Việt Nam); “Tôi đẹp… Tôi có quyền” (Nhà hát Tuổi trẻ); “Mùa hoa sữa”(Nhà hát Kịch Quân đội); “Bão của hoàng hôn” (Đoàn kịch Công an Nhân dân); “Đen trắng vòng đời” (Nhà hát Cải lương Hà Nội); “Lý triều dựng nghiệp” (Nhà hát Cải Lương Việt Nam); “Cô Son” (Nhà hát Chèo Hà Nội); “Thị Hến” (Nhà hát Chèo Việt Nam) và “Không có hoa hồng” (Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu).
Phát biểu tại lễ bế mạc, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh: “Nội dung các vở diễn tham gia liên hoan năm nay có những câu chuyện về đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, hiện đại… trong đó có nhiều tác phẩm đề cao tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước XHCN.
Liên hoan lần này, chúng ta đánh giá cao những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật có hiệu quả của tác giả, đạo diễn, diễn viên và những thành phần sáng tạo. Làm rõ hơn các chức năng: Nhận thức - Giáo dục - Dự báo, tạo nên sức truyền cảm và ấn tượng sâu sắc, những giá trị thẩm mỹ đến với người xem.
Sự tham gia nghiêm túc của các đoàn nghệ thuật, sự hưởng ứng nhiệt thành của khán giả đã góp phần làm cho sức sống nghệ thuật sân khấu được lan tỏa tích cực, góp phần tạo nên không khí sôi động, chào mừng kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ chính trị về “Tiếp tục xây dựng phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” và nhân kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng Thủ đô (1954 - 2018) một trong những trang sử vẻ vang của dân tộc”.
Trong phần nhận xét chuyên môn, NSƯT Trần Minh Ngọc - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho biết, có nhiều vở diễn có chuyên môn cao, thể hiện ở việc dàn dựng, kỹ năng diễn xuất của nghệ sĩ. Ngoài hai vở diễn có đề tài thể hiện kẻ sĩ Thăng Long như vở “Mùa hoa sữa” của Nhà hát Kịch quân đội” và “Ngôi nhà trong thành phố” của Nhà hát Kịch Hà Nội, nhiều đơn vị khác có những đề tài gai góc, thể hiện góc nhìn của cuộc sống hiện đại.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cũng chỉ ra những hạn chế là còn thiếu những kịch bản mới mẻ cả hình thức và nội dung. Nhiều đạo diễn còn vấp phải sai sót về đề tài lịch sử và phương pháp thể hiện đề tài qua các nhân vật. Một số vở diễn có tình tiết không đúng, có vở còn lúng túng trong những mảng, miếng… Về diễn viên, có nhiều diễn viên cố ý hát thật to, cố để khoe giọng gây ra sự khiên cưỡng, thiếu tinh tế khi thể hiện cảm xúc…
NSND Lê Tiến Thọ đề nghị các đơn vị, cá nhân tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, nghiêm túc khắc phục những hạn chế để phấn đấu xây dựng nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao. Các nghệ sĩ biểu diễn không ngừng trau dồi nghề nghiệp để nâng cao hơn nữa: Thanh, Sắc, Thục, Khí, Thần, có nhiều vai diễn xuất sắc để phục vụ nhân dân trong thời kỳ hội nhập và phát triển và hướng tới Liên hoan lần thứ IV năm 2020.
Kết quả cuối cùng, vở kịch “Mùa hoa sữa” của Nhà hát Kịch quân đội giành 3 giải Vàng, trong đó PGS.TS Phan Trọng Thành đoạt giải Đạo diễn xuất sắc, Giải vàng cho vở diễn và Họa sĩ Hoàng Duy Đông - Đặng Minh Tuấn đoạt Họa sĩ xuất sắc.
Vở “Đen trắng vòng đời” của Nhà hát Cải lương Hà Nội và “Ngôi nhà trong thành phố” - Nhà hát Kịch Hà Nội đồng đoạt giải Bạc.
NSƯT Bùi Đức Hạnh đoạt giải Nhạc sĩ xuất sắc với vở “Cô Son” của Nhà hát Chèo Hà Nội.
Về giải cá nhân có 16 nghệ sĩ, diễn viên đoạt huy chương vàng, 31 nghệ sĩ, diễn viên đoạt huy chương bạc. Trong đó, NSƯT Thu Hà, Thu Quỳnh, Thanh Hương đồng đoạt huy chương bạc. NSUT Thu Hòa tham gia vai bà giáo trong vở “Ngôi nhà trong thành phố” - Nhà hát Kịch Hà Nội; Thu Quỳnh tham gia vai Giang vở “Hoạ tình” của Trung tâm Sân khấu và Phát triển; Thanh Hương vai ca sĩ Thúy Hà vở “Ngôi nhà trong thành phố” của Nhà hát Kịch Hà Nội.
NSƯT Thu Hà (giữa) trong vở "Ngôi nhà trong thành phố".
“Ngôi nhà trong thành phố” của cố tác giả Xuân Trình, một trong số những nhà viết kịch tiêu biểu của nền kịch nói Việt Nam hiện đại. Vở diễn lấy bối cảnh giai đoạn 1968 - 1970, khi đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam.
Bà giáo (NSƯT Thu Hà) tiễn Phước - con trai thứ hai lên đường nhập ngũ trong khi con trai cả chiến đấu ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) vẫn bặt vô âm tín. Để có thể được chọn vào chiến trường, Phước đã phải viết đơn xin nhập ngũ bằng máu.
Việc Phước vào mặt trận đã trở thành niềm tự hào của gia đình, nhà trường và khu phố nhưng lại khiến cho bạn gái là ca sĩ Thúy Hà cảm thấy lẻ loi trong thành phố và Nhâm - cô bạn thân thời thơ ấu ôm mối tình đơn phương với anh trong vô vọng.
Tác phẩm tái hiện không khí náo nức của lớp lớp thanh niên ra mặt trận qua cảnh các tân binh tập trung lên đường. Trong khi người nhà bịn rịn, xót xa, cố đạp xe vòng ra ngã tư để nhìn con lần cuối, những người ra trận thể hiện tinh thần hào hứng, lạc quan.
Vở kịch gây xúc động khi gợi nhớ những tháng ngày Hà Nội bị Mỹ ném bom phá hoại. Phân xưởng của Nhâm có nhiều công nhân thiệt mạng, các gia đình phải kéo nhau đi sơ tán. Nhiều thanh niên quyết ở lại để “sống còn” cùng thủ đô. Các hộ dân đồng loạt sơn đen ngôi nhà của họ để đánh lạc hướng không quân Mỹ, tình nguyện “chia bom” với các địa điểm trọng yếu.
Vở kịch có sự tham gia của: NSƯT Thu Hà, NS Phú Thăng, NS Hoàng Sơn, Thanh Hương, Mạnh Hưng, Ngọc Quỳnh, Thúy An, Thiện Tùng, Diễm Hương, Việt Dũng, Xuân Tùng, Mạnh Cường, Xuân Hồng, Điền Viên, Tiến Mạnh, Tiến Huy…
NSƯT Thu Hà với vai bà giáo đã khắc họa thành công hình ảnh người phụ nữ Hà Nội xưa với vẻ dịu dàng, thanh lịch, nhẹ nhàng... Bà không chỉ yêu thương các con của mình mà rất quan tâm đến những người hàng xóm và bạn bè của con. Đặc biệt, vai bà giáo của NSƯT Thu Hà cũng đã góp phần tái hiện lại tinh thần sẵn sàng hy sinh mọi thứ để giữ bảo vệ bầu trời Hà Nội trước sự đánh phá tàn khốc của đế quốc Mỹ.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn