Dù đã U80 nhưng ông vẫn rất yêu nghề diễn, hàng ngày vẫn đều đặn đi đóng phim. Bí quyết nào giúp ông giữ được lửa yêu nghề bền lâu đến thế?
Đúng là ở cái tuổi của tôi nếu so với những người khác thì vẫn còn khỏe nên vẫn còn được nhiều người mời đóng phim. Vậy, vì sao ở tuổi này rồi mà không chịu nghỉ ngơi, cứ tham gia phim làm gì cho mệt thì tôi cũng trả lời rằng đó là do “nghề” và “nghiệp”. Đã là nghiệp rồi thì dẫu có muốn dừng lại cũng khó. Tôi bén duyên với nghề diễn lúc 19 tuổi và đến bây giờ 79 tuổi vẫn đóng phim là vì nghiệp.
Nhiều khi muốn nghỉ ngơi nhưng được các con cháu mời, đọc kịch bản thấy thú vị lại nhận lời. Hoặc có nhiều vai nho nhỏ, các con nó bảo: “Bố ơi, vai này con chỉ gửi bố được một tí cát sê thôi nhưng bố giúp con nhé?”, nếu các con mời, tôi cũng “gật đầu” ngay.
Với tôi, cát sê không phải là điều quan trọng vì các con cũng không để bố mẹ phải thiếu thốn mà quan trọng là được sống trong không khí của đoàn làm phim, được đi du lịch không mất tiền. Nay Điện Biên, mai Lai Châu, ngày kia Hà Giang, ngày mốt Sơn La… là tôi thích lắm.
Điều hạnh phúc với tôi là vẫn còn sức khoẻ, vẫn còn minh mẫn và vẫn còn lòng yêu nghề. Cho nên tại sao đến giờ đã U80 rồi mà vẫn đóng phim là vì vậy.
Tất nhiên không phải phim nào tôi cũng nhận lời. Những phim nhố nhăng, vở vẩn… tôi không bao giờ đóng dù trả cát sê cao đến mấy. Mình dạy cho sinh viên về nhân cách nghề nghiệp hàng chục năm trong trường Sân khấu - Điện ảnh mà giờ mình “ấm a, ấm ớ” thì sinh viên xem thường mất.
Ông từng chia sẻ càng có tuổi thì thỉnh thoảng lại bị “ẩm IC”. Có bao giờ ông buộc các đạo diễn phải gửi kịch bản để học thuộc thoại từ trước hàng tháng?
Có, nhưng không phải để học thoại đâu, học thoại với tôi không phải là vấn đề mà cốt yếu để hiểu mình là ai. Tôi lấy ví dụ như trong đời tôi được đóng rất nhiều vai Trưởng bản. Nhưng khi được xem kịch bản trước mình sẽ có sự nghiên cứu để tìm một lối diễn xuất phù hợp. Trưởng bản Mèo phải khác Trưởng bản Mường, Trưởng bản Thái hoặc Trưởng bản Tày… Mình không thể lặp lại một lối diễn cho những dạng vai giống nhau được.
Cách đây không lâu, đoàn làm phim Canada có mời tôi đóng phim “14 ngày và 12 đêm” nhưng không có kịch bản nên tôi từ chối. Tôi bảo: “Các anh không cho tôi kịch bản để tôi nghiên cứu trước thì tôi không đóng được”. Cuốic cùng đoàn làm phim cũng đã gửi tôi kịch bản từ trước đó khá lâu mặc dù vai của tôi chỉ quay độ khoảng 15 phút. Trong nghệ thuật, vai dài hay vai ngắn không quan trọng, quan trọng là anh diễn tả vai đó như thế nào.
Là người từng tham gia rất nhiều phim hài. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng của phim hài hiện nay?
Chúng ta thấy rằng, phim hài hiện nay được chia làm hai loại. Loại thứ nhất là hài tình huống, loại thứ hai là hài ngôn ngữ. Hài ở phía Nam đa phần là tạo nên tiếng cười bằng ngôn ngữ, còn phía Bắc chủ yếu là hài tình huống. Mà hài tình huống là hài thú vị nhất, nó sâu sắc và đọng lại sau tiếng cười. Thời gian gần đây, bật tivi lên tôi thấy có nhiều bộ phim hài nhố nhăng không xem nổi, phải tắt ngay.
Tất nhiên, đó là công việc của các bạn diễn viên, tôi không có ý phê phán gì nhưng nếu mời tôi tham gia những phim hài đó thì không bao giờ tôi nhận lời.
Ngày nay, hài tết tăng lên về số lượng nhưng lại đi xuống về chất lượng. Là người từng đóng nhiều hài tết, ông nghĩ gì về câu chuyện này?
Đúng là đang có thực tế đau lòng đó. Bản thân người biên kịch bây giờ cũng phải viết cho thật nhanh để lấy tiền, người dàn dựng cũng làm cho thật chóng để còn làm cái khác… Đặt ngòi bút xuống viết kịch bản đôi lúc không phải xuất phát từ trái tim mình mà từ đồng tiền. Nói như thế không phải anh em mình xấu đâu mà vì cuộc sống nên họ cũng đành phải “nhắm mắt đưa chân”. Cho nên, hài tết nhiều về số lượng nhưng chất lượng lại ngày càng tồi.
Một điều nữa, việc giảng dạy của một số thầy cô cũng rất là ẩu. Các em sinh viên học bây giờ không phải như chúng tôi ngày xưa. Các em vào học chỉ để tìm kiếm một bước đệm vào nghề chứ không hẳn để tích lũy kiến thức rồi mới sử dụng kiến thức đó để làm nghề.
Là một người đã hơn 10 năm đứng trên bục giảng trường Sân khấu - Điện ảnh, lại là một diễn viên gạo cội… ông có cảm thấy lo lắng thực trạng phim hài hiện nay sẽ làm cản trở bước tiến của điện ảnh?
Không những cản trở sự phát triển của điện ảnh mà còn làm thẩm mỹ của quần chúng đi xuống. Nhiều người cười hềnh hệch nhưng không biết mình đang cười cái gì. Và khi những nhà làm phim thấy khán giả cười cứ nghĩ phim mình đã “thắng” rồi lại lao đầu vào làm tiếp những bộ phim như thế thì điện ảnh lại càng ngày càng suy đồi.
Phải có những nhà lí luận phê bình, có những ngòi bút trong sáng và sâu sắc… để chỉ ra những điều này thì may ra tương lai mới có sự đổi khác.
Năm ngoái, bộ ảnh cưới của ông bà đã khiến rất nhiều người ngưỡng mộ. Vậy bí quyết nào để ông bà dù đã lớn tuổi vẫn giữ được tình yêu mặn nồng đến vậy?
Cái quan trọng là ngay từ đầu phải có tình yêu, rồi trong quá trình sống với nhau tình yêu có giảm đi thì vẫn còn có tình thương. Sự cảm thông, sự thấu hiểu và tình yêu thương sẽ giúp con người ta dễ dàng bỏ qua cho nhau. Vợ chồng có lúc này lúc kia, nếu ông tiến bà phải biết nhường, bà tiến ông lui về sau… có như thế mới dung hòa dài lâu được.
Tôi bây giờ, cứ mỗi lần nhìn bà ấy ăn là lại rơm rớm nước mắt. Trước đây, nhan sắc rực rỡ bao nhiêu thì bây giờ nhắn nhúm lại, trệu trạo nhai rất khó nhọc… nên thương lắm. Bao nhiêu những sự cáu bẳn tan biến đi hết.
Phải chăng vì ông từng du học ở Nga 10 năm nên càng về già ông lại càng muốn bù đắp cho vợ?
Nghĩ lại chuyện này, tôi thấy biết ơn mẹ tôi và thương bà ấy vì trong thời gian tôi du học ở Nga từ năm 1970 đến 1977 một tay mẹ tôi cùng bà ấy ở nhà quán xuyến mọi thứ. Về chưa được bao lâu tôi lại quay trở lại Nga để bảo vệ luận án sau đại học và mọi thứ lại tiếp tục đổ lên vai hai người phụ nữ ấy. Mà thời điểm đó, chiến tranh ác liệt lắm, mọi thứ khó khăn hơn bây giờ rất nhiều. May là cuối cùng gia đình cũng vượt qua được khó khăn, vợ chồng xa nhau nhưng tuyệt đối tin tưởng nhau.
Tôi có một cái dở là chuyên tâm vào việc học hành, nghề nghiệp… mà ít quan tâm chuyện gia đình. Ngày đi học ở Nga cũng thế mà quãng thời gian sau này cũng thế. Nhiều khi đi dạy, được bao nhiêu tiền lại cho sinh viên hết.
Như gần đây, tôi được mời sang làm chuyên gia ở Lào, tiêu chuẩn mỗi tháng được 400 USD, bà ấy có nhắn sang bảo sẽ sửa nhà, tôi cũng định bụng sẽ gom góp một ít rồi mang về cho bà ấy sửa. Nhưng cuối cùng đi cả đợt mà mang về cho bà ấy được có 100 USD. Là tại vì qua đó thấy sinh viên người ta khó khăn quá, tôi không nỡ lòng nên lại trích tiền tiêu chuẩn của mình cho các em ăn uống, mua đồ sinh hoạt…
Bây giờ ông chăm bà, bà chăm ông… hay có ở với người con nào không?
Tôi được 3 con, hai trai một gái. Các cháu tôi đều cho đi học nghệ thuật hết nhưng chỉ học cho biết thế thôi chứ tôi không cho đi làm nghề. Hiện nay, vợ chồng chúng tôi ở trong cùng khu đất với vợ chồng anh cả, còn vợ chồng anh con trai thứ hai và con gái út thì ở TP.HCM.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn