Xuất thân là một công nhân mỏ nhưng cuối cùng lại hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp và từng là một tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam thập niên 80 - 90. Cơ duyên nào đưa anh đến với âm nhạc?
Ngày xưa tôi đến với âm nhạc một cách rất tình cờ. Bố mẹ tôi mất vì bạo bệnh khi tôi lên 8 tuổi. Những năm tháng tuổi thơ, tôi sống nhờ vào sự chở che của mọi người. Tôi từng làm đủ mọi nghề để nuôi sống mình từ đóng gạch thuê, kéo xe bò, bốc vác... chả chê việc gì không làm miễn sao có tiền ăn học.
Hồi đó nhà tôi ở cạnh rạp Kim Đồng, mỗi lần có đoàn chèo hay cải lương về diễn, tôi đều cùng túm bạn gần nhà hồ hởi mang ghế đi xem. Những làn điệu, câu ca cứ ngấm dần vào tôi lúc nào không biết.
Sau này, vì mưu sinh, tôi vào làm công nhân mỏ ở Quảng Ninh. Sau khi tham gia các hội diễn âm nhạc, tôi đoạt được rất nhiều giải thưởng và tôi được mời gia nhập đoàn nghệ thuật Phòng không - Không quân. Từ đó, tôi bước vào con đường hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp.
Thời bấy giờ, để theo đuổi được con đường hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp là cả một vấn đề lớn. Gia đình, họ hàng, lối xóm, bạn bè… xem ca hát là “xướng ca vô loài” hoặc “thằng đàn con hát”.
Nhưng chúng tôi vẫn dũng cảm chọn nghề nghiệp bởi ngoài duyên còn cả nghiệp. Tuy nhiên, nhìn lại thì chúng tôi đã có những tháng ngày vô cùng vinh quang và rực rỡ.
Có những ngày chúng tôi được mời hát tới 5 - 6 điểm và đến đâu cũng có công an dẹp đường cho chúng tôi đi. Khán giả đứng từ xa nhìn chúng tôi ngưỡng mộ chứ không có cơ hội lại gần. Tôi vẫn thường nói, không tiền nào mua được vinh quang đó cả.
Hẳn cát sê của những ca sĩ như anh thời đó rất cao?
Cát sê hồi đó của chúng tôi cũng bình thường thôi bởi đất nước mình lúc đó vẫn đang rất khó khăn. Diễn xong mỗi nơi người ta trả cho khoảng 2-5 đồng, ngày có thể được 25-30 đồng, nếu quy đổi với mệnh giá tiền bây giờ thì được khoảng dăm triệu so.
Nhưng chúng tôi sống với nhau hồi đó vui lắm. Ngồi ở hàng nước chè cứ gặp bạn bè là lại kéo nhau vào ngồi trò chuyện rôm rả, cuối cùng “ráo mồ hôi là hết tiền”. Còn lại gia đình sống bằng tiền lương cứng mà cơ quan trả.
Phải chăng vì thế mà 40 năm hoạt động âm nhạc, anh vẫn thuộc diện nghèo nhất trong số các nghệ sĩ cùng thời?
Nếu tôi bán đi được khoảng 40 tuổi thì chắc tôi sẽ không nghèo bởi cách làm việc và cách suy nghĩ ngày xưa đã ăn sâu vào chúng tôi quá rồi. Tôi là nghệ sĩ do Nhà nước đào tạo nên chúng tôi tôi luôn đặt nhiệm vụ phục vụ Nhà nước lên trên hết. Đối với tôi, nhiệm vụ cơ quan giao phó bao giờ cũng là hàng đầu.
Tất nhiên, chế độ đãi ngộ của Nhà nước dành cho chúng tôi cũng rất lớn. So với bây giờ có thể không đáng là bao nhưng so với thời chúng tôi thì như vậy đã là quá nhiều. Chúng tôi không phải chân lấm, tay bùn như người nông dân; ca đêm ca hôm như người công nhân… nhưng lại được hưởng nhiều quyền lợi hơn họ.
Chính cái đó đã hằn sâu trong suy nghĩ rồi nên so với các bạn bây giờ chúng tôi nghèo thật. Nhưng chúng tôi giàu hơn các bạn trẻ bây giờ đó là tình cảm của khán giả dành cho chúng tôi trong một chặng đường rất dài. Nếu nói về cái đó thì chúng tôi đã thực sự rất giàu có rồi.
Các bạn ấy bây giờ có thể kiếm được rất nhiều tiền, ra được rất nhiều sản phẩm âm nhạc và làm được nhiều điều mình muốn nhưng không có được vinh quang, hạnh phúc như chúng tôi ngày xưa.
Vậy với anh, thứ gì anh đang có được xem là giàu nhất so với đồng nghiệp cùng lứa?
Thực sự tôi không muốn nói ra những điều của bản thân để mọi người thương xót hoặc làm điều gì đó cho mình. Nhưng quả thật, những người nghệ sĩ như chúng tôi đang có cuộc sống trên mức bình thường một chút.
Tôi năm nay đã 60 tuổi và đã lập nghiệp ở Hà Nội 40 năm nhưng nhà có được là nhờ Nhà nước cấp sau chuyển đổi thành nhà riêng. Còn để mua được nhà bằng cát – sê trong thế hệ của chúng tôi chắc là sẽ không thể. Cho nên tôi mới nói, Nhà nước cũng đã đãi ngộ chúng tôi rất nhiều.
Tôi chưa có xe hơi nhưng có lúc tôi vẫn đi diễn bằng tac-xi hoặc bằng xe máy. Xe hơi tôi không bao giờ nghĩ đến vì điều kiện không có và với thực tế giao thông ở Hà Nội hiện nay thì có một cái xe hơi còn khổ hơn là không có.
Từng đào tạo nhiều thế hệ học trò như: Tùng Dương, Minh Thu, Hiền Anh… Các thế hệ học trò của anh đều thành danh còn bản thân vẫn là một người chở đò thầm lặng. Các học trò có thường xuyên tri ân thầy bằng những sự quan tâm đặc biệt?
Cái đó cũng có nhưng mình biết mình là ai, mình đang như thế nào, các em bây giờ hoàn cảnh ra sao. Khi các học sinh - sinh viên làm được những điều cho bản thân là tôi đã mừng lắm rồi.
Tôi chỉ mong muốn các em làm được thật nhiều điều cho bản thân và gia đình, còn đối với tôi mỗi năm đến các ngày trọng đại có một lời thăm hỏi là đã hơn tất cả những thứ khác mà các em mang lại.
Trong số các học trò do mình đào tạo, mỗi em mang đến cho tôi những niềm tự hào riêng. Bất kỳ sự thành công nào của các em tôi cũng mừng cho các em.
Ngày 8/3 tới đây, tôi cùng Minh Thu, Ánh Tuyết, Bách Nguyễn, Nguyễn Hữu Chiến Thắng… sẽ cùng nhau làm một đêm nhạc “Khi xuân thức giấc” tại Nhà hát Tuổi Trẻ để tri ân khán giả. Đây cũng là dịp để tôi hội ngộ những người học trò, những người đồng nghiệp, những người em của mình.
Đã 60 tuổi nhưng anh vẫn đi về lẻ bóng. Anh không bao giờ thấy cô đơn sao?
Đi đi về về lẻ bóng đối với tôi là bình thường. Mọi người sẽ thấy có gì đó đáng thương hại nhưng với tôi đó là cái nghiệp của mình rồi.
Cuộc đời của con người không gì sung sướng bằng được làm những gì mình mong muốn mà lại vừa có sự tự do và sự thoải mái để thực hiện nó. Thậm chí, có thể nói tôi hạnh phúc vì điều đó. Vì tuy tôi đi về một mình nhưng xung quanh tôi có bạn bè, học sinh – sinh viên rất nhiều.
Những ngày lễ tết mọi người đều sum họp với gia đình còn mình chỉ có một mình thì anh có chạnh lòng không?
30 năm về trước thì cũng có nhưng 30 năm trở lại đây thì mọi cái như thế đối với tôi đã trở thành bình thường. Tức là mình đã quá quen với cuộc sống như thế rồi nên không còn cảm giác chạnh lòng như ngày xưa nữa.
Ngày xưa, mỗi khi có cảm giác đó tôi lại đi du lịch. Tôi là người đi rất nhiều. Bạn bè thỉnh thoảng lại trêu “huyền đề có mọc thêm không?”. Đi nhiều để quên đi nỗi buồn cô đơn nhưng cũng sẽ giúp cho mình có thêm nhiều trải nghiệm trong cuộc sống và tích luỹ cho mình nhiều giá trị văn hoá.
Mặc dù đã lục tuần nhưng hình như anh vẫn đang yêu?
Có lẽ 100 tuổi mà vẫn còn sống chắc tôi vẫn chưa hết yêu. Tất nhiên là yêu theo nhiều nghĩa khác nhau. Tôi yêu những người xung quanh tôi, yêu công việc của tôi và yêu những khán giả của mình. Đối với tôi, đó là tình yêu lớn nhất và thiêng liêng nhất.
Người ta bảo, Đức Long là người nghệ sĩ có nhiều góc khuất muốn giấu kín?
Cuộc đời tôi giống như một cái bánh chưng vậy, bóc ra tôi chẳng có gì để giấu cả. Nhiều người hỏi, ở tuổi này tôi vẫn hoạt động âm nhạc bền bỉ, phải chăng âm nhạc như một cứu cánh?. Nhưng tôi nói luôn, âm nhạc không phải là cứu cánh mà là cuộc sống, hơi thở và không khí của tôi. Khi nào tôi không thể đi hát được nữa có nghĩa là tôi sắp ngừng thở rồi (cười).
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn