Anh nhìn nhận như thế nào về thị trường hài tết phía Bắc những năm gần đây?
Bây giờ, công nghệ làm hài tết rất phát triển và điều kiện cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Chính vì vậy mà số lượng phim được tung ra mỗi dịp tết phong phú hơn trước đây. Có thể nói là “trăm hoa đua nở” khi nhà nhà, người người làm hài tết. Thị trường có sự phân khúc rất rõ. Bây giờ người ta làm hài không phải để bán đĩa mà phát lên mạng, ai thích xem phim nào thì xem.
Điều này khác hẳn với ngày xưa, các băng đĩa hài tết được kiểm duyệt rất kỹ càng. Số lượng băng đĩa phát hành bao nhiêu, chất lượng như thế nào, nội dung có vấn đề gì chưa ổn… các cơ quan quản lý văn hoá nắm được hết. Bởi lẽ đó mà các đĩa hài tết ngày xưa làm rất chỉn chu, có sự đầu tư nghiêm túc và nội dung phải đạt chuẩn.
Vì thị trường hài tết bát nháo như vậy nên mấy năm trở lại đây anh và nghệ sĩ Xuân Bắc không xuất hiện trên hài tết?
Không phải. Tôi với Xuân Bắc vài năm mới ra một đĩa để sản phẩm đó mang dấu ấn riêng. Chúng tôi làm như vậy để có nhiều thời gian chuẩn bị và đầu tư cho kịch bản. Nếu năm nào cũng làm sẽ rất dễ bị cạn kiệt ý tưởng và dễ dẫn đến việc lặp lại chính mình.
Anh nghĩ sao khi hài tết càng ngày càng lắm cảnh hở hang, khoe thân… tục tĩu, khiến màu sắc hài tết cứ mất dần đi?
Nói đến hài, người ta thường nói “đố tục giảng thanh”. Không có quy chuẩn hoặc khuôn mẫu nào cho một dạng hài. Quan trọng là bên cạnh việc hướng đến yếu tố giải trí thì phải có sự nhân văn, văn hoá và lành mạnh.
Từ xưa đến nay, hài luôn là một sân chơi vừa dễ lại vừa khó. Dễ ở chỗ là đối với công nghệ như ngày nay thì chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh cũng có thể làm hài. Nhưng cũng chính vì dễ dãi như thế nên sự thanh lọc ngày càng khắc nghiệt. Đi kèm với sự thanh lọc là sự đào thải.
Cái gì cũng có chân giá trị của nó. Mới đầu khán giả còn xem vì lạ, vì tò mò… nhưng xem mà thấy nhảm nhí quá họ sẽ không bao giờ xem nữa. Không phải cứ mua tiếng cười bằng mọi giá là được. Ngày xưa, vì mua được cái đĩa rất khó nên cố mà xem cho hết. Ngày nay, mở mạng ra đã ngập tràn rồi, tội gì không chọn cái gì đáng xem mà xem.
Nếu trước đây, hài dân gian là một đặc sản của miền Bắc thì nó đang mất dần đi sau sự ra đi của “ông trùm hài tết” Phạm Đông Hồng. Anh nghĩ sao về điều đó?
Tôi nghĩ rằng, hài dân gian lúc nào cũng có sức sống tiềm ẩn. Cách làm hài mượn tích xưa nói chuyện nay, ai cũng có thể làm được. Chỉ có điều, anh Phạm Đông Hồng là một người kỹ lưỡng và rất chịu đầu tư cho sản phẩm hài dân gian của mình nên các sản phẩm của anh ấy có gu riêng, sản phẩm nào cũng chỉn chu.
Từ thời anh Phạm Đông Hồng còn sống, tôi cùng Xuân Bắc làm với anh ấy khá nhiều đĩa như: Râu quặp, Không hề biết giận, Cả Ngố, Quan trường - Trường quan… và những đĩa đó đến bây giờ vẫn có người xem. Hài hay nghệ thuật có hai thứ để cho người ta xem. Một là “lâm khốc giật độc” tức là mới lạ, độc đáo và khốc liệt. Hai là tạo ra được tiếng cười người ta yêu thích thì người cứ thích xem mãi.
Một vài năm trở lại đây có hiện tượng người người đua làm clip rồi đăng tải lên mạng để kiếm tiền. Điều đó có khiến những nghệ sĩ diễn hài nhiều như anh bị ảnh hưởng thu nhập?
Tôi nghĩ là không ảnh hưởng vì các sản phẩm hài trên mạng đều có sự phân khúc. Những sản phẩm mà các nghệ sĩ bỏ ra bao nhiêu chất xám, công sức và thời gian làm nên luôn có một chỗ đứng nhất định, không sản phẩm nào cạnh tranh được.
Những sản phẩm đó có đối tượng khán giả riêng và một khi họ đã yêu thì sẽ thích xem mãi. Còn những sản phẩm chỉ làm để kiếm tiền sẽ không bằng được. Riêng thu nhập của nghệ sĩ đôi khi cũng còn tuỳ thuộc vào mối quan hệ của từng người. Đôi khi quan hệ kém, người ta ít mời thì thu nhập ít đi.
Nhiều người cho rằng, sở dĩ thời gian gần đây không mấy nhà sản xuất hài tết nào mời Xuân Bắc - Tự Long vì cả hai hét cát sê cao quá, lại cứ bắt buộc phải mời cả đôi chứ không chịu nhận lời một người. Anh nói sao về điều đó?
Cái này đúng nhưng chỉ đúng có một nửa. Mọi người không thể biết cát sê của Xuân Bắc - Tự Long bao nhiêu mà bảo là cao. Ở ngoài này có kiểu, không mời được lại cứ đổ cho nghệ sĩ hét giá cát sê cao. Thậm chí, có nhiều đơn vị tổ chức sự kiện không muốn mời chúng tôi để hướng đối tác đến các nghệ sĩ do mình chỉ định cũng bịa ra lí do chúng tôi hét cát sê cao, không mời nổi. Những đơn vị kiểu như thế mà có mời chúng tôi cũng không nhận lời.
Còn tại sao chúng tôi chỉ nhận lời khi mời cả hai bởi đó đã là thương hiệu. Tôi cũng không diễn chung với ai ngoài Xuân Bắc cả và Xuân Bắc cũng không diễn cặp với ai ngoài tôi. Bao nhiêu năm diễn chung, chúng tôi có nhiều đứa con tinh thần, diễn hợp rơ và ăn ý với nhau quen rồi nên giờ không muốn diễn với ai khác. Trường hợp, có những chỗ thân thiết muốn một trong hai người diễn chung với người khác vì một lí do nào đó chúng tôi phải xin phép nhau. Nó không phải là “quy ước” mà là phép tắc xử sự với nhau.
Việc “khai tử” Táo Quân khiến nhiều người tiếc nuối. Anh cùng các nghệ sĩ gắn bó với chương trình này có nghĩ đến chuyện tự làm một chương trình tương tự?
Với Táo Quân, 16 năm qua, chúng tôi toàn tâm toàn ý là vì trách nhiệm với cộng động và với Đài Truyền hình Việt Nam. Chúng tôi chịu đựng nhau để làm nên chương trình ấy và cố gắng duy trì trong suốt thời gian dài. Những việc bên ngoài chúng tôi làm cũng chỉ để xây dựng hình ảnh và kiếm tiền. Nếu bây giờ mang Táo Quân ra ngoài làm cũng sẽ giống như làm kinh tế, vừa miếng ai người nấy cắn. Nếu không chịu đựng được sẽ rã đám ngay lập tức. Vì thế, tôi nghĩ sẽ rất khó để tự làm một chương trình như Táo Quân ở bên ngoài.
Ở ngoài đời, anh có phải chịu đựng Xuân Bắc?
Điều đó là dĩ nhiên. Tôi đã nhiều lần nói “Tôi nhịn Xuân Bắc như nhịn cơm sống”. Xuân Bắc là “chủ tịch nông trường cao su” vì thường xuyên đi muộn. Ngoài ra, Xuân Bắc làm cái gì cũng lâu, ăn lâu, nói chuyện cũng rất lâu. Đang bữa cơm mà có ai gọi đến là y như rằng, mọi người ăn xong dậy hết, đồ ăn nguội hết rồi hắn ấy mới bỏ máy xuống ăn lại từ đầu.
Mà không phải ăn ít đâu, ăn rất nhiều và ăn rất khoẻ. Đôi khi phải đợi, nếu không đợi sẽ vừa ăn vừa làm. Hắn ta say nghề cũng quá đà. Nhiều khi vào guồng là quên mất cả thời gian. Đáng ra làm từ 2h chiều đến 12h đêm nghỉ thì hắn ta làm từ 4h chiều đến 4h sáng. Nhiều khi vì hắn mà cả đám mệt rũ ra. Lắm lúc tôi cũng phải gay gắt vì những thói tật của Xuân Bắc. Thậm chí, tôi còn doạ bỏ nhóm hai lần rồi.
Phải chịu đựng NSƯT Xuân Bắc như thế, tại sao tình bạn của hai người vẫn kéo dài được 25 năm?
Tất nhiên, để tồn tại được nhiều khi phải cố chịu đựng thôi. Bên cạnh những thứ trái ngược thì tôi với Xuân Bắc cũng có nhiều cái tương đồng. Nhiều khi một câu nói bộc phát mà cả hai nói giống đúc như nhau. Nhiều ý tưởng cho các tiểu phẩm cũng rất trùng nhau.
Nhiều việc cùng làm giống nhau ở một thời điểm. Chỉ có điều, tôi rất thích tiền nhưng ngại làm việc về tiền bạc nên toàn để cho Xuân Bắc tự quyết (cười).
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn