Người ta gọi điện chúc mừng đến "cháy máy"
Mới đây, anh xác nhận là năm 2019 sẽ cưới vợ. Điều này khiến nhiều người vẫn “bán tín bán nghi” vì năm nào hỏi chuyện cưới vợ anh cũng bảo cuối năm. Anh khẳng định thông tin này là chuyện thật không phải đùa đấy chứ?
Không, lần này tôi nói thật, không đùa nữa. Chúng tôi quyết định kết hôn để sớm yên bề gia thất bởi tôi cũng lớn tuổi và gia đình cũng giục lắm rồi. Tuy nhiên, chưa có ngày cưới cụ thể vì đợt này tôi cũng đã bận, chưa chọn được ngày nào.
NSND Trung Hiếu từng đóng hài tết với rất nhiều cô gái xinh đẹp nhưng chưa bao giờ hé lộ về bạn gái
Nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp... nghe tin tôi sắp tổ chức đám cưới ai cũng bất ngờ. Người ta gọi điện chúc mừng đến “cháy máy” hoặc khi gặp mặt bên ngoài đều cười phá lên. Nghệ sĩ Phú Đôn bảo tôi khôn thêm hơn anh ấy một năm. Có nghĩa là anh ấy kết hôn ở tuổi 45, còn tôi 46 tuổi sẽ kết thúc đời độc thân.
NSƯT Quốc Khánh thì cười phá lên bảo: “Hiếu đã khôn được 45 năm rồi sao giờ lại dại thế?” Anh Khánh còn bảo tôi: “Thế giờ nghệ sĩ phía Bắc, có khi còn mình anh là “ngôi sao cô đơn”.
Anh và bạn gái kém 19 tuổi quen nhau như thế nào?
Tôi với bạn gái cũng quen nhau hơn 4 năm rồi. Tôi nhớ không nhầm thì biết nhau từ hồi 2014. Thời mới yêu, cô ấy có đưa một vài hình ảnh lên trang cá nhân nhưng sau đó tôi phải làm công tác tinh thần ngay. Tôi có nói với cô ấy, chuyện trai chưa vợ, gái chưa chồng yêu nhau là rất bình thường nhưng vì nghệ sĩ nên dư luận sẽ rất quan tâm, rồi lời ra tiếng vào đâm ra mất hay.
Cái gì có thể giữ kín được để không bận tâm thì nên cố giữ. Cô ấy cũng nghe lời nên hầu như không bao giờ chia sẻ hình ảnh của cả hai. Bởi thế mà ngay cả người thân và bạn bè thân cũng rất bất ngờ khi biết chúng tôi sắp kết hôn.
Điều gì ở bạn gái khiến anh cảm thấy muốn gắn kết lâu dài?
Bạn gái tôi là một người khá xinh xắn, hiền lành và ít nói. Hồi sinh viên, cô ấy từng đoạt giải Nhì gương mặt sinh viên. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cô ấy không theo nghệ thuật dù từng có thời gian hoạt động trong lĩnh vực múa. Hiện cô ấy đang học tiếp cao học. Cô ấy kém tôi 19 tuổi nhưng cũng chín chắn và người lớn lắm.
Đã không còn cực đoan sau khi nhận ra thời thế cần phải thay đổi
Sau một thời gian làm Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, áp lực lớn nhất đối với anh là gì?
Thật sự, sau một thời gian làm “thuyền trưởng”, tôi mới thấy bốn bề là áp lực. Điều tôi trăn trở nhất là làm sao để nâng cao được đời sống vật chất lẫn tinh thần cho anh chị em nghệ sĩ, công nhân viên.
Tiếp đến, phải tạo ra nhiều công ăn việc làm cho 120 con người của Nhà hát. Đặc biệt, sắp tới, Nhà hát bắt buộc phải tự chủ thì phải làm sao để không bị lệch hướng. Chúng tôi cũng đã đề ra rất nhiều phương án để vượt qua khó khăn vì không thể cùng một lúc mà tự chủ ngay được.
Có thể hình dung mức thu nhập của các nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên hiện nay của Nhà hát?
Nhà hát của tôi hiện có 3 đoàn và nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách hoặc dựng vở kéo khán giả đến rạp thì quả thực rất đói. Chúng tôi phải xoay xở rất nhiều phương án khác nhau để đảm bảo đời sống cho anh em. Riêng năm nay, số lượng các chương trình lớn mà Nhà hát Kịch Hà Nội đảm nhận gấp đôi năm ngoái. Nhờ thế mà thu nhập của anh chị em cũng tăng lên đáng kể.
Có thể nói, năm nay là một năm cực kỳ thành công của Nhà hát. Nhà hát dựng 4 vở (gồm 2 vở chính kịch, 1 vở hài kịch và 1 vở thiếu nhi) và đều đoạt giải cao tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô, Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Rất nhiều huy chương vàng tập thể và huy chương vàng cá nhân. Ngoài ra, chúng tôi còn làm thêm 3 chương trình lớn phục vụ chính trị ở ngoài, tất cả đều thành công ngoài mong đợi. Năm nay có thể xem là một năm anh chị em nghệ sĩ làm không nghỉ, làm từ đầu năm đến cuối năm.
Nhưng Nhà hát vẫn tạo điều kiện để anh chị em nghệ sĩ có thể kiếm thêm nguồn thu bằng đóng phim, đi diễn sân khấu tỉnh?
Tất nhiên là phải thế rồi. Cái đó vừa là một cách để quảng bá thương hiệu Nhà hát Kịch Hà Nội, vừa để tạo điều kiện cho anh chị em có thêm thu nhập. Tuy nhiên, việc đi diễn phải nằm ngoài lịch của Nhà hát. Nghĩa là nếu dựng vở thì kể cả anh chị em có nhận lịch bên ngoài vẫn phải đảm bảo công việc của mình tại Nhà hát.
Suy cho cùng, việc anh chị em đóng phim cũng là làm nghề. Sự thành công của mỗi vai diễn dù gắn với hình ảnh cá nhân nhưng cũng là hình ảnh của Nhà hát.
Tôi tự hào vì Nhà hát Kịch Hà Nội có rất nhiều diễn viên thành công trên phim ảnh như: NSƯT Công Lý, NSƯT Thu Hà, Kiều Thanh, Thiện Tùng, Hồng Đăng, Chí Nhân, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh… Và mặc dù là những “ngôi sao màn ảnh” nhưng các bạn ấy rất ý thức trong công việc chung của Nhà hát. Hễ “nhà” có việc là các bạn ấy sẵn sàng gác lại công việc ở ngoài để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.
Điều gì khiến anh thay đổi suy nghĩ khi mở rộng hoạt động của Nhà hát Kịch Hà Nội sang hài kịch và kịch thiếu nhi, điều mà trước đây anh khăng khăng không bao giờ có chuyện đó?
Đúng là trước đây tôi khá cực đoan và khắt khe với nghề. Ngày xưa mà bảo tôi làm gì khác ngoài sân khấu là tôi không bao giờ làm. Làm phim thì phải là phim truyện nhựa và kịch thì cũng phải kịch chính luận. Nhưng sau tôi nhận ra rằng, cuộc sống không thể bó buộc mình trong một giới hạn như thế. Nghệ sĩ phải đa dạng và phong phú với nhiều nét diễn. Và dù đóng phim hài hay kịch hài thì mình cũng đang làm nghề chứ không phải làm nghề trái.
Bên cạnh đó, còn cuộc sống, còn mưu sinh và còn phải nuôi sống gia đình. Thêm vào đó, khán giả họ cũng muốn được xem mình biểu diễn trong nhiều thể loại và nhiều sản phẩm nghệ thuật.
Những năm từ 1996 đến 1998, tôi toàn đóng những vai chính diện, tốt bụng, tử tế… Nhưng đến năm 1998, Nhà hát tin tưởng phân cho tôi vai ông giám đốc buôn bán vàng bạc đá quý trong vở “Ảo vọng”. Đây là vai phản diện trái chất đầu tiên mà tôi đảm nhận. Khi nhận vai này tôi lo lắm, không biết khán giả xem có đánh giá sai về mình và làm mất đi hình ảnh vốn có của mình hay không.
Sau đó, rất nhiều cô chú và anh chị đi trước trách tôi “Sao Trung Hiếu lại có tư tưởng cổ hủ như thế nhỉ? Sân khấu là phải đa dạng, đa diện… mình đang trẻ phải thử sức xem mình hợp vai gì?”. Tức là việc hóa thân thành nhiều dạng nhân vật cũng là một cách để tránh sự nhàm chán của bản thân.
Đến năm 2003, tôi lại mạnh dạn nhận vai Khang trong phim “Đường đời” do NSƯT Quốc Trọng làm đạo diễn. Đây cũng là một vai phản diện khá nặng. Sau này, tôi tham gia nhiều phim hài tết để phục vụ bà con cũng như làm sinh động hơn đời sống nghệ thuật của mình.
Và xuất phát từ tư duy đó mà tôi quyết định thay đổi cách thức hoạt động của Nhà hát Kịch Hà Nội. Việc tôi mới làm đó là thay đổi bộ nhận diện thương hiệu của Nhà hát. Tôi mơ ước xây dựng Nhà hát trở thành một Nhà hát đa năng chứ không chỉ bó gọn trong chính kịch hoặc hài kịch.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn