Cả một đời hoạt động nghệ thuật, “Trung uý Phương” Thế Anh không chỉ gây dấu ấn trong lòng khán giả mà còn được xem là “thần tượng” của rất nhiều thế hệ đồng nghiệp.
Chính vì thế, sự ra đi của ông ở tuổi 81, dù vẫn biết là quy luật “sinh lão bệnh tử” không thể tránh nhưng nhiều người vẫn vô cùng tiếc thương. Nhiều nghệ sĩ như: NSND Hoàng Dũng, NSND Thái Bảo, NSND Nguyễn Việt Thắng, NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Trần Lực, NSƯT Mỹ Uyên, diễn viên Chi Bảo… đều bày tỏ lòng thương tiếc thần tượng của mình kèm những bức ảnh đầy kỷ niệm.
NSND Hoàng Dũng đau buồn viết: “Anh là ngôi sao sáng chói trong nền điện ảnh nước nhà và là thần tượng của lớp nghệ sĩ chúng em”.
NSND Thái Bảo gọi Ba Duy của “Mối tình đầu” là “Người nghệ sĩ tài hoa, ngôi sao sáng của sân khấu và điện ảnh Việt Nam”. Đạo diễn Nguyễn Phương Điền cũng bày tỏ: “Cuộc đời nghệ thuật của chú là tấm gương sáng cho chúng con học hỏi và noi theo”.
Bản thân NSND Trà Giang - người gắn bó với NSND Thế Anh trong 3 bộ phim “Mối tình đầu”, “Em bé Hà Nội” và “Ngày lễ Thánh” đã sốc nặng khi nghe tin ông qua đời. Nữ nghệ sĩ cho biết, thời điểm, nam nghệ sĩ cùng gia đình chuyển vào TP.HCM sinh sống, bà có nhiều cơ hội gặp gỡ “đàn anh” hơn, nhất là mỗi khi đến dự các sự kiện văn hoá, điện ảnh.
Với bà, nam nghệ sĩ là một người yêu nghề đến cháy bỏng và luôn có trách nhiệm với từng vai diễn. Cách nghiên cứu và tìm tòi về nhân vật trước khi nhập vai đều giúp nam nghệ sĩ xây dựng thành công nhân vật mình đảm vai, với nét diễn rất chân thực và đầy sự sáng tạo. Chính nhờ có sự nghiêm túc này mà ông được nhiều người xem là tấm gương lớn để học tập.
NSND Trà Giang buồn bã chia sẻ rằng, các thế hệ nghệ sĩ gạo cội của làng sân khấu và điện ảnh cứ thưa vắng dần. Năm ngoái là NSND Đoàn Dũng, năm nay là NSND Thế Anh. Đây là một khoảng trống khó có thể lấp đầy đối với những người hoạt động nghệ thuật lâu năm và cả với những người yêu điện ảnh, sân khấu.
NSƯT Thành Lộc chia sẻ rằng, vào năm 1975-1976, một trong những vở kịch của Đoàn Kịch nói Trung ương (bây giờ là Nhà hát Kịch Việt Nam) đã “hốt hồn” anh chính là vở kịch Liên Xô tên là NILA (Cô gái đánh trống trận). Vở kịch có sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ gạo cội làng kịch miền Bắc thời đó nhưng bộ ba: Nguyệt Ánh, Hà Văn Trọng và Thế Anh đã làm nên thế chân kiềng cho thành công của vở kịch này.
Đặc biệt, nhân vật của nam nghệ sĩ là người sĩ quan bạch vệ Nga Hoàng, một nhân vật phản diện vừa “đẹp trai hút hồn” lại còn có nét diễn thật sắc xảo và quyến rũ. Đến nỗi khán giả xem mà cứ thấy thích và thấy tiếc khi nhân vật này bị NiLa bắn chết.
“Tôi gọi ông là anh vì từ khi quen biết nhau, trở thành đồng nghiệp, chúng tôi đã anh em với nhau rồi. Năm tôi 17 tuổi, được xem vở “Đôi mắt” của Đoàn kịch nói Trung ương trên sân khấu Nhà hát TP.HCM thì hình ảnh nhân vật người bác sĩ quân đội trong chiến tranh do anh Thế Anh khắc hoạ và thể hiện đã thu hút tôi hoàn toàn. Tôi “chết” với anh thật sự. Chết vì anh diễn hay, chết vì đài từ anh ấm áp, chết vì nhân dáng anh hoàn hảo và chết cũng vì anh quá đẹp.
Kiếm đâu ra một nghệ sĩ mà thanh sắc vẹn toàn đến vậy. Cho nên anh thành công cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh lúc đó cũng là điều chính xác. Chính xác mà không ai phải bàn cãi vì số phận phải là như vậy.
Có đọc một bài báo vào thời điểm đó viết về tài sắc đỉnh cao của một nam nghệ sĩ chính, người đó vào độ tuổi 40. Lúc mà vở kịch “Đôi mắt” do anh đóng cũng đúng vào thời điểm anh bước vào độ tuổi đó và hào quang toả sáng từ anh lớn lắm.
Anh trẻ hơn cái tuổi 40 của anh nhiều nên anh liên tục xuất hiện và thành công với thật nhiều vai nam chính trong các bộ phim điện ảnh sau đó. Các nhân vật của anh đẹp và rất nam tính chứ không điệu đà,
Dù anh có một gương mặt điển trai theo kiểu đồ sứ trắng, công tử bảnh bao… nhưng anh vào vai phản diện thì đôi mắt anh lại rất ác. Nam nghệ sĩ thời đó được như anh có bao người? Anh đã là thần tượng của tôi từ dạo đó, lâu lắm rồi.
Nhưng tôi lại rất ít dám bắt chuyện với anh, gặp thì vẫn cúi đầu chào nhưng nói chuyện nhiều thì không dám thốt. Biết anh rất hiền lành và dễ gần nhưng vì ánh sáng phát ra từ anh lớn quá, rộng quá… nên đôi khi mấy đứa em út trót thần tượng anh thấy điện mình yếu hơn và phải âm thầm chiêm ngưỡng anh từ xa.
Dẫu biết con đường nghệ thuật vốn luôn vận hành và không ưu ái giữ ai lại quá lâu nhưng cái gì được xem là vĩnh cửu nó vẫn sẽ ở mãi trong tâm trí, trong ký ức, trong hoài niệm của mọi người. Đó chính là giá trị sáng tạo mà người nghệ sĩ đã để lại. Với tôi, không ai có thể thế được anh. Vĩnh biệt anh - tiền bối - thần tượng của tôi”.
Theo thông báo từ phía gia đình và Hội Điện ảnh TP.HCM, tang lễ của NSND Thế Anh được tổ chức tại Nhà tang lễ Thành phố (Số 25 Lê Quý Đôn, quận 3). Lễ viếng bắt đầu từ 9 giờ sáng ngày 1/10 và kéo dài cho đến hết ngày 2/10. Lễ truy điệu sẽ diễn ra vào lúc 5h30’ sáng 3-10, sau đó linh cữu NSND Thế Anh sẽ được đưa đi hỏa táng tại Công viên nghĩa trang Phúc An Viên (Quận 9- TPHCM) và an táng chiều cùng ngày tại Nghĩa trang TP (Quận Thủ Đức- TPHCM).
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn