Nhiều năm qua, “Chị Tư Hậu” Trà Giang sống một mình trong căn hộ chung cư trên đường Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, TP. HCM. Căn hộ không quá lớn nhưng có đủ không gian cho bà sinh hoạt và vẽ tranh. Thỉnh thoảng, nghệ sĩ piano Bích Trà - con gái duy nhất của bà lại về thăm mẹ, ở chơi với mẹ được mấy hôm rồi lại đi.
Nữ nghệ sĩ tâm sự, mặc dù cả một thời tuổi trẻ, bà đã “cháy” hết mình cho những vai diễn nhưng nhiều năm qua bà vẫn luôn thấy nhớ nghề. Nhiều lúc bà cũng muốn nhận lời tham gia phim ảnh nhưng vì đã có tuổi nên đành gác lại.
“Nói thật, tôi vẫn nhớ nghề lắm. Đi làm phim tài liệu với các bạn trẻ, đứng trước ống kính làm nhân vật của họ, mình cảm thấy thương và mến phục họ”, NSND Trà Giang nói.
Nhắc đến những vai diễn mình đã từng thể hiện, trong lời kể của NSND Trà Giang vẫn vương vấn rất nhiều ký ức. Cả ký ức đau thương, vất vả, ngọt ngào xen lẫn hạnh phúc.
“Cái vốn liếng mà tôi mang vào phim chính là ký ức tuổi thơ nơi vùng chiến tranh ác liệt. Tôi nhớ những trận càn, những trái bom nổ tung, những gia đình ly tán... Ba tôi hoạt động cách mạng ở Phan Thiết, kẻ địch bắt không được nên tới bắt mẹ tôi. Lúc đó, em trai tôi còn ẵm ngửa, tôi và anh hai thì nhỏ xíu, sợ hãi khóc òa lên nhìn theo chiếc xe chở mẹ đi thật xa.
Rồi cả ba anh em lại đứng trước cửa nhà dõi theo từng chiếc xe chạy ngang đường, vì người ta hứa sẽ trả mẹ về nên thấy chiếc xe nào cũng tưởng có mẹ mình trong đó. Chính cảm xúc ấy giúp tôi thể hiện lại chị Tư Hậu trong một bối cảnh chiến tranh tương tự. Nếu còn sức khỏe, với nhân vật thấy, tôi không thể không đóng. Với tôi, nhân vật phải là nơi mình gửi gắm tình cảm của chính mình”.
Vì quan niệm, cuộc sống của con người không thể không có đam mê nên nhiều qua NSND Trà Giang trải lòng mình với hội hoạ. Bà thực sự bị mê hoặc bởi đường nét, hình khối, bố cục, sắc màu… của hội hoạ bởi bộ môn nghệ thuật này giúp bà biểu lộ được xúc cảm của trái tim.
NSND Trà Giang kể, sau khi nghỉ đóng phim vì cảm thấy không hợp với dòng phim thị trường, bà cứ thấy “thiếu thiếu” một điều gì đó. Một lần, vào đầu năm 1999, bà đến thăm bà Lê Thị Thoa - phu nhân Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Phó Giám đốc Viện Pasteur TPHCM thì thấy treo rất nhiều tranh. Nữ nghệ sĩ hỏi ra mới biết tranh do chính bà Thoa vẽ.
Bà nghĩ bâng quơ rằng: “Chị Lê Thị Thoa là tiến sĩ sinh hoá, đã cao tuổi mà vẫn chịu khó học vẽ và vẽ rất đẹp thì chắc mình cũng vẽ được”. Nghĩa là thế nên bà đăng ký các lớp học vẽ. Cuối năm 1999, chồng bà là GS Bích Ngọc qua đời. Sự mất mát này để lại một khoảng hẫng lớn trong lòng nữ nghệ sĩ khiến bà đến gần hơn với hội hoạ.
“Hội hoạ đối với tôi cũng là một cách thiền. Và tôi nhìn cuộc đời như đứa trẻ lần đầu nhìn thấy, hội hoạ có cái bản năng nguyên khôi như tranh trẻ thơ đùa bỡn với sắc màu.
Tôi vẫn nghĩ hội họa đến ngưỡng cuối cùng chính là vô ngã. Người nghệ sĩ nào cũng đi trên con đường tìm về bản ngã để bộc lộ rõ nhất cá tính của mình nhưng khi đã vẽ với tinh thần vô thường, không cần để chứng tỏ, cũng không cầu xấu, đẹp thì sẽ đạt đến cảm xúc vô ngã.
Tôi vẽ giống như hơi thở, như sự vận động không ngưng nghỉ để khám phá bản chất của tâm thức, loại trừ mọi chất bẩn còn tồn ứ. Và đấy cũng là một phương pháp tu tập”, NSND Trà Giang tâm sự.
Theo nữ nghệ sĩ, sự cảm hóa của nghệ thuật là vô cùng lớn lao. Vẽ, làm thơ hay viết nhạc bằng tất cả sự thiện tâm của mình thì xã hội sẽ nhìn rõ hơn thiện, ác.
“Trong những điều răn dạy của Phật, có một điều mà tôi luôn tâm đắc, đó là hãy hết lòng yêu tổ quốc của mình cho dù còn có những căn bệnh phải mổ xẻ. Hãy yêu như yêu cha mẹ mình, cả những khi người cha người mẹ đôi lúc cũng phạm lỗi. Tôi nghĩ tất cả mọi tôn giáo đều có chung ý nghĩa tối thượng này”.
Mặc dù yêu hội hoạ đến nhường đó nhưng nữ nghệ sĩ thú nhận từng có lúc ngỡ mình phải rời bỏ hội hoạ vì nhiều lẽ.
“Bạn biết đấy, tôi là một người đam mê với điện ảnh và có một khát vọng của riêng mình. Tôi phải đối mặt với sự thật khi người nghệ sỹ đã không còn nhiều cơ hội. Nhiều lúc tôi cảm thấy kiệt sức, tuyệt vọng. Và quan trọng hơn, tôi cứ vẽ mãi mà không tìm thấy chính mình.
Nhiều lúc vẽ xong thấy bức tranh không phải là mình, tôi bỏ đi rồi lại vẽ tiếp. Vẽ tiếp vẫn không thấy là mình, vẫn cảm giác giống một ai đó, bị ảnh hưởng bởi ai đó. Cho nên, đôi khi tôi muốn từ bỏ vì thấy mình bất tài. Nhưng tôi đã kiên nhẫn và tự động viên chính mình.
Và rồi, thời gian cho tôi dần dần nhận ra con người thật của mình trong hội hoạ. Những bức tranh của tôi bắt đầu có những mảng, miếng, đường nét, bố cục, màu sắc… của riêng tôi.
Nghĩa là ngôn ngữ hội hoạ của tôi bắt đầu xuất hiện từ trong sâu thẳm con người tôi. Những bức tranh của tôi đã không lẫn vào bất cứ hoạ sĩ nào, đẹp hay xấu tôi không tự bình luận, nhưng không lẫn vào ai là điều quan trọng nhất. Và thực sự hạnh phúc khi tôi có những cuộc triển lãm của riêng mình”, NSND Trà Giang tâm tình thêm.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn