Là khách mời chương trình Quán thanh xuân tháng 7 cùng với đạo diễn Quốc Trọng, vợ chồng NSND đạo diễn Nhuệ Giang- Thanh Vân, NSND Trà Giang, một trong nữ diễn viên nổi tiếng nhất trên màn ảnh rộng Việt Nam thập niên 70, 80 của thế kỷ 20 đã chia sẻ nhiều về kỷ niệm đóng phim.
Nhớ lại rạp chiếu bóng, NSND Trà Giang kể: “Năm 12 tuổi, tôi được đi xem phim không được vào rạp vì lúc ấy, đang thời kỳ chống Pháp. Tôi nhớ là sau năm 1954 khi mình chiến thắng Điện Biên Phủ, lúc bấy giờ các đội chiếu bóng ở ngoài Bắc mới đi vào Nam. Tôi nhớ ngày đó gia đình mình đang ở Bình Định, buổi chiếu bóng đầu tiên tôi đi xem là đi theo người lớn. Đi xem chiếu bóng ở bãi chứ không phải ở rạp. Để đi đến bãi chiếu bóng, người lớn phải đốt đuốc để nhìn đường trong đêm tối, có nhà đi bộ tới 7-8km. Bộ phim chiếu bóng đầu tiên tôi được xem là “Thẻ đảng viên”, phim nước ngoài.
Đến thời điểm tập kết ra ngoài Bắc, vào những ngày nghỉ, có tiền ba cho nên 3 anh em tôi mới rủ nhau vào rạp xem phim. Tôi nhớ có xem bộ phim Nhật Bản, “Anh gắng nuôi con”.
Có thời điểm, chúng tôi còn trốn học đi xem phim. Có thể nói, tôi mê xem phim từ bé...”
Sau khi cùng khán giả tại trường quay xem lại một vài cảnh trong phim “Chị Tư Hậu” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, NSND Tràng Giang không tránh được sự xúc động.
Năm ấy nữ diễn viên Trà Giang 20 tuổi, bước vào vai chị Tư Hậu suýt soát 40, đằm thắm, chững chạc, là một thử thách không nhỏ, nhưng từ đó Trà Giang đã thành danh rực rỡ.
Cái vốn liếng mà Trà Giang mang vào phim chính là ký ức tuổi thơ nơi vùng chiến tranh ác liệt: “Tôi nhớ những trận càn, những trái bom nổ tung, những gia đình ly tán... Ba tôi hoạt động cách mạng ở Phan Thiết, kẻ địch bắt không được nên tới bắt mẹ tôi. Lúc đó em trai tôi còn ẵm ngửa, tôi và anh hai thì nhỏ xíu, sợ hãi khóc òa lên nhìn theo chiếc xe chở mẹ đi thật xa. Rồi cả ba anh em lại đứng trước cửa nhà dõi theo từng chiếc xe chạy ngang đường, vì người ta hứa sẽ trả mẹ về nên thấy chiếc xe nào cũng tưởng có mẹ mình trong đó. Chính cảm xúc ấy giúp tôi thể hiện lại chị Tư Hậu trong một bối cảnh chiến tranh tương tự”.
Khi được hỏi sau vai diễn “Chị Tư Hậu” và các bộ phim khác có dám đi vào rạp xem phim, hay ra đường là đeo khẩu trang như các ngôi sao showbiz bây giờ? NSND Trà Giang kể: “Khi mà “Chị Tư Hậu” bắt đầu chiếu, tôi có kỷ niệm như thế này. Tôi cũng không hóa trang gì ghê gớm, trời mùa đông tôi mặc cái áo bông trần màu xanh công nhân rồi đi vào rạp để xem.
Tôi muốn vào xem cùng khán giả xem phản ứng của khán giả thế nào. Người soát vé hỏi tôi: “Vé đâu?” Tôi nói: “Thôi, anh cho em vào xem cùng mọi người..”. Xem song phim, khi đi ra, khán giả mới nhận ra tôi là người đóng vai chị Tư Hậu. Đấy là kỷ niệm đầu tiên.
Còn kỷ niệm nữa khiến tôi rất cảm động, sau phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”- bộ phim được thực hiện khi Mỹ đang ném bom ở Hà Nội. Vào những ngày cuối cùng, khi Mỹ ném bom B- 52 tại Hà Nội, đạo diễn Hải Ninh và những người làm thu thanh, hậu kỳ vẫn ngồi trên xe hòa âm để xử lý.
Bộ phim đến cảnh kết thúc cũng là lúc tôi đang có bầu. Khi phim chiếu, tôi cảm động là khán giả nhận ra mình. Khi vừa sinh em bé, tôi cũng đi xếp hàng mua gạo, xếp hàng mua thịt, cá, rau... có khán giả cứ ôm chầm lấy mình nói: “Em thương chị lắm!”. Mấy cô bán thịt chọn cho miếng thịt ngon, rồi xin phép cho tôi mua trước...
Khi có quần áo viện trợ cho trẻ con, các cô mậu dịch viên cũng bán cho mình những bộ quần áo đẹp cho em bé. Có rất nhiều kỷ niệm cảm động khi tôi đóng xong phim và nhận được tình cảm của khán giả”.
NSND Trà Giang cũng chia sẻ thêm: “Năm 2012, phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” được Sở Văn hóa của tỉnh Quảng Trị cùng Viện tư liệu phim tổ chức chiếu kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Quảng Trị, đồng thời cũng là 40 năm ngày làm ra bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Lần đó, buồn là đạo diễn Hải Ninh ốm nặng, anh Hoàng Tích Chỉ- người cùng viết kịch bản với anh Hải Ninh cũng ốm yếu. Về Quảng Trị tham dự sự kiện này chỉ còn tôi, anh Đoàn Dũng. Tôi vô cùng cảm động khi được người dân Quảng Trị yêu quý, gọi chúng tôi là người của Quảng Trị, công dân của Quảng Trị...”
Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn