“Tôi còn sức hát đến khi khán giả nghe chán thì thôi”
Ở tuổi 70, NSND Quang Thọ vẫn giữ được vẻ ngoài trẻ trung, tinh thần dẻo dai và lối nói chuyện rành mạch, cuốn hút. Những ngày này ông vẫn làm việc với lịch diễn dày đặc, liên tục chạy show ở khắp các tỉnh, từ Quảng Ninh, Hà Nội đến Hưng Yên.
“Ông uống bia rượu vẫn tốt mà luyện thanh cũng rất khỏe!”, nhạc sĩ Lưu Hà An tếu táo nhận xét tại buổi giới thiệu liveshow kỷ niệm 50 năm ca hát “Hãy đến với anh” vào tháng 11 tới của NSND Quang Thọ. Một show diễn lớn hiếm hoi với các nghệ sĩ Việt Nam ở độ tuổi thất thập cổ lai hy như Quang Thọ.
Khi được hỏi rằng, ông có bị áp lực về sức khỏe, về giọng hát trước liveshow này, NSND Quang Thọ thẳng thắn: “Tôi còn sức hát đến khi khán giả nghe chán thì thôi (Cười). Tôi có thể hát trong 2 giờ đồng hồ.
Nhưng trong liveshow tại Hà Nội lần này, để phù hợp với thời lượng chương trình tôi sẽ hát solo khoảng 12 ca khúc, ngoài ra có phần song ca, phần biểu diễn riêng của các học trò như ca sĩ Đăng Dương, Trọng Tấn, Tùng Dương, Khánh Linh, Lan Anh và Tân Nhàn...”
NSND Quang Thọ cho biết, ông vẫn dạy học trò và luyện thanh hàng ngày. “Để hát một chương trình như thế này, nghệ sĩ tuổi tôi phải có sức khỏe đáp ứng được, phải có sự luyện tập và trải nghiệm, luyện tập hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Với nghề ca hát, nếu không liên tục ca hát thì sức bền của giọng hát không kéo dài.
Với tôi, người ta cứ hỏi tại sao tôi còn giữ được giọng hát cho đến tận bây giờ? Bởi mấy chục năm nay tôi làm nghề dạy hát: phải hát lại những gì mình đã hát, để còn dạy lại cho học sinh. Thế nên, sự “trở lại” với giọng hát là thường xuyên luyện với học trò. Người dạy hát phải thị phạm để học trò hát theo. Người dạy hát nhiều khi còn mệt hơn hát bình thường. Bởi những khi học trò hát không đạt, mình phải hát lại, thậm chí... tăng cường độ lên.
Những ca sĩ nổi tiếng thường là những người thầy dạy hát đã có kinh nghiệm. Nếu họ giữ được giọng, thanh sắc của họ thì họ còn hát được rất lâu.
Điều này giải thích vì sao có những nghệ sĩ của thế giới và Việt Nam hát cho đến tuổi 70-80”, ông tiết lộ.
“Tôi từng khai tăng tuổi để đi làm... thợ mỏ”
Trong suốt 50 năm cống hiến cho âm nhạc, tiếng hát NSND Quang Thọ vang xa trên sân khấu chuyên nghiệp trong và ngoài nước, gặt hái vô số giải thưởng lớn. Để được khán giả yêu quý, được ghi nhận, kính trọng như ngày hôm nay ông không thể quên những năm tháng làm việc ở mỏ than Quảng Ninh. Cũng tại đây, tài năng ca hát của ông được chắp cánh.
NSND Quang Thọ cho biết, ông sinh năm 1948 trong một gia đình có 8 ở Hạ Long, Quảng Ninh. Năm ông lên bốn tuổi, cả gia đình chuyển đến sống tại thành phố Cẩm Phả.
Nhắc tới quãng thời gian làm thợ mỏ, NSND Quang Thọ chia sẻ: “Ngày xưa đi làm, đến khi trưởng thành, được kết nạp vào Đảng, được đưa lên làm lãnh đạo thì điều tôi ngại nhất đó là... khai lý lịch.
Khi tôi đang học lớp 8 (hệ 10 năm), tôi bị một trận thập tử nhất sinh- bị thủng dạ dầy, cũng không biết vì sao, có thể ăn cơm lẫn mảnh sành nên nó cứa thủng dạ dầy. Tôi bị xuất huyết trong một tháng mà không biết. Cho đến ngày không trụ nổi nữa, tôi bị ngất xỉu. Tôi được đưa vào bệnh viện, các bác sĩ nói tôi bị mất máu quá nhiều rồi. Tôi được cấp cứu và nằm viện một tháng.
Sau khi ra viện, tôi không theo học tiếp được. Hơn nữa, nhà tôi có 8 anh chị em, tôi là con trai lớn trong nhà. Tôi nghỉ học, đi làm đỡ đần bố mẹ.
Khi đi làm thì tôi chưa đủ tuổi. Thời đó, người ta rất kỷ luật trong chuyện tuổi tác. Chính vì thế, tôi phải chữa giấy khai sinh, tăng lên 2 tuổi mới đủ tuổi đi làm.
Cuối năm 1963, tôi đã đi làm rồi, đến năm 1964 mới chính thức vào biên chế là anh công nhân của phòng cơ điện mỏ than 06 Quảng Ninh”.
NSND Quang Thọ chia sẻ thêm, ông luôn nhớ về vùng mỏ với những kỷ niệm thô mộc nhưng óng ả như than. Dù đi đâu, về đâu, ông luôn nhớ về Cẩm Phả. Đó là nơi ông khôn lớn, trưởng thành với đầy ắp kỷ niệm.
Ông cho biết, chính những trải nghiệm từ những năm tháng làm “người thợ mỏ” đã giúp ông thể hiện thành công nhiều ca khúc về đề tài người thợ mỏ, trong đó nổi bật là ca khúc “Tôi là người thợ lò”. “Năm 1964, khi tôi đang biểu diễn, hai chiếc máy bay của địch bị bắn hạ, dạt vào đảo Bái Tử Long. Đúng dịp này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam có chuyến thực tế về Quảng Ninh. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc “Những ngôi sao ca đêm” và tôi gắn với ca khúc này từ đó”, ông bộc bạch.
Tác giả: Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn