Từng là công nhân hầm lò, NSND Quang Thọ sớm bộc lộ tài năng qua phong trào quần chúng và trở thành giọng opera xuất sắc của nền âm nhạc Việt. Những cống hiến trong âm nhạc của ông được nhà nước ghi nhận với danh hiệu NSND, được khán giả yêu quý với hàng trăm ca khúc gắn bó với người lao động.
Nhưng hơn cả những danh hiệu, điều NSND Quang Thọ tâm đắc trong cuộc đời làm nghệ thuật là sự nghiệp "trồng người". Từng giảng dạy hàng trăm học sinh, ông quan niệm mỗi giọng hát là một màu sắc. Với vai trò nâng đỡ, định hướng, ông luôn khuyến khích mỗi người phát triển cá tính. Học trò của ông vì thế có người thâm trầm như Đăng Dương, "quái" như Tùng Dương và có giọng hát nữ tính như Khánh Linh.
Ngược lại, trong con mắt các học trò, hình ảnh người thầy- NSND Quang Thọ hiện lên vừa đáng kính và cũng đầy chân thực.
“Người thầy ghép tam ca Đăng Dương- Trọng Tấn- Việt Hoàn”
Trong mắt ca sĩ Đăng Dương, NSND Quang Thọ là người thầy mẫu mực. Anh cảm thấy mình rất may mắn khi được học NSND Quang Thọ trong những năm đầu tiên về thanh nhạc. Với anh, những kỷ niệm về thầy vẫn còn mới như ngày hôm qua.
“Giọng hát nam tính, chính ca của thầy tôi đã ngưỡng mộ từ năm 7 tuổi. Năm 13 tuổi, tôi khăn gói lên Hà Nội để thi vào Nhạc viện. Vì đang vỡ giọng nên tôi chỉ có thể thi vào khoa nhạc cụ nhưng học violin thì không thích, mà piano thì tay cứng rồi không học được nữa. Theo lời gợi ý của NSND Thanh Tâm ở khoa nhạc cụ dân tộc, tôi đã theo cô học đàn bầu.
Nhưng vì mê hát nên tôi thường lén đứng ngoài cửa khoa thanh nhạc xem thầy dạy hát, có vài lần thầy bảo tôi vào trong nghe. Sau đó tôi tìm gặp thầy ngỏ ý: "Bây giờ con muốn đi học hát". Nghe vậy, NSND Quang Thọ khuyên tôi nếu thích thì thi vào khoa thanh nhạc xem sao. Và rồi tôi đỗ và theo học song song cả đàn bầu lẫn thanh nhạc.
Trong những năm đầu tôi học thanh nhạc, thầy Quang Thọ đã trực tiếp dìu dắt tôi. Thầy hiểu rất rõ những gì tôi thiếu hụt để bồi đắp. Thầy vô cùng tình cảm và kiên trì với từng học trò của mình. Nếu không có thầy, tôi không thể trở thành một nghệ sĩ có nền tảng vững chắc như hôm nay”, Đăng Dương chia sẻ.
Anh cũng chia sẻ thêm: “Ngoài là học trò của thầy, hai thầy trò chúng tôi cũng rất gần gũi khi đã đi diễn cùng nhau trong nhiều chương trình ở trong và ngoài nước. Cho đến nay đã gần 30 năm. Mặc dù đã 70 tuổi nhưng giọng hát của thầy vẫn rất đẹp, bền vững, đó là điều tôi khâm phục ở thầy".
Còn nhớ, trong live show “Mặt trời của tôi”, nghệ sĩ Đăng Dương đã xúc động ôm thầy giáo của mình bật khóc. Anh cảm thấy biết ơn thầy vô hạn khi mình có được thành công trong sự nghiệp như hôm nay.
Và Đăng Dương cũng từng tiết lộ, NSND Quang Thọ chính là người gợi ý ghép nhóm tam ca Đăng Dương, Trọng Tấn và Việt Hoàn. “Bắt nguồn từ gợi ý của thầy, 3 chúng tôi cùng kết hợp tham gia cuộc thi giọng hát hay học sinh - sinh viên toàn quốc 1998 với ca khúc “Việt Nam trên đường chúng ta đi” và gây được sự chú ý. Từ đó có động lực để 3 giọng hát thường xuyên xuất hiện cùng nhau trên sân khấu lớn”.
“NSND Quang Thọ là người nghiêm khắc nhưng giàu tình cảm”
Ca sĩ Tùng Dương nói, dù không đi theo dòng nhạc của thầy nhưng anh chịu ảnh hưởng rất lớn từ thầy Quang Thọ. Theo anh, thầy Quang Thọ luôn trân trọng cá tính riêng biệt của từng học trò. Cách giáo dục của thầy là luôn để mở mọi khả năng, không áp đặt học trò trong lựa chọn đường đi. Thầy chỉ định hướng, dựa trên khả năng sẵn có của mỗi người...
"NSND Quang Thọ là người có kỹ thuật âm nhạc và hát cảm xúc một cách chuẩn mực. Tôi vững vàng được như ngày hôm nay là nhờ những năm tháng luyện thanh cùng thầy. Tôi nhớ từ bài luyện thanh đầu tiên, thầy vỡ cho tôi. Trong quá trình dạy, tôi cảm nhận được thầy có tư duy cấp tiến, hiểu rõ cá tính của học trò. Nhờ theo học nền tảng nhạc cổ điển mà giọng của tôi mới dày được như vậy", Tùng Dương bày tỏ.
Trong ký ức của Tùng Dương, thầy Quang Thọ là người khắt khe, nghiêm khắc nhưng giàu tình cảm, ân cần. Chia sẻ trong liveshow của NSND Quang Thọ mới đây, Tùng Dương kể lại ấn tượng lầu đầu tiên gặp thầy: “NSND Quang Thọ đã dìu dắt Tùng Dương hơn 10 năm tại Nhạc viện. Tùng Dương nhớ rất nhiều kỷ niệm về người thầy vĩ đại của mình. Tùng Dương được lĩnh hội rất nhiều điều tuyệt vời, ý nghĩa từ ông truyền lại không chỉ Tùng Dương mà còn cho các học trò của ông.
Khi còn bé vào Nhạc viện xin thầy Quang Thọ cho được học thanh nhạc. Thầy nói rất to: bé như cái kẹo mút dở thế này thì làm sao mà hát được, học thanh nhạc phải to như trâu mộng. Thế này không hát được, thôi đi về đi, đừng thi nữa. Âm nhạc nghệ thuật chông gai lắm, bé như thế này làm sao mà hát được.
Chính vì điều đó mà Tùng Dương luôn muốn chinh phục thử thách với ngọn lửa âm nhạc của mình, sự truyền đạt của thầy đã dìu dắt Tùng Dương đến ngày hôm nay”.
“Chú Quang Thọ đã cứu vớt sự nghiệp âm nhạc của tôi”
Chia sẻ tại buổi giới thiệu liveshow kỷ niệm chặng đường 50 năm ca hát của NSND Quang Thọ, ca sĩ Khánh Linh cho biết: “Khánh Linh không gọi chú Quang Thọ là Thầy mà luôn gọi bằng chú, Khánh Linh rất kính trọng, biết ơn chú.
Khi bước chân vào học ở Nhạc viện, cũng có một quá trình, trước khi thi giữa học kỳ không được học ai. Chỉ có thầy Quang Thọ nhận dạy Khánh Linh. Linh không bao giờ quên, chính vì lòng biết ơn mà cả quá trình học của Linh không bao giờ thay đổi. Giọng của Linh không được dày dặn, thầy luôn lặng lẽ, không nói gì, chỉ giao bài cho giọng hát thuộc giọng nữ trung, những tác phẩm phù hợp để tôi mau tiến bộ”.
“Họa mi” Khánh Linh chia sẻ thêm, cô gọi thầy Quang Thọ bằng chú, phần vì kính trọng phần vì luôn coi ông như người thân trong gia đình. NSND Quang Thọ là nghệ sĩ cùng thế hệ với mẹ của Khánh Linh, NSƯT Vũ Dậu. “Trong khi tôi lạ lẫm, bơ vơ bị người khác từ chối nhận làm học trò thì chú Quang Thọ đã dang tay. Nói không quá thì chú đã cứu vớt sự nghiệp âm nhạc của Khánh Linh”, nữ ca sĩ xúc động chia sẻ.
Không riêng gì Đăng Dương, Tùng Dương, Khánh Linh; dù không trực tiếp học thầy Quang Thọ nhưng ca sĩ Trọng Tấn cho biết anh vô cùng kính trọng thầy. “Trọng Tấn là học trò, gắn bó, đồng hành cùng thầy Quang Thọ hơn 20 năm. Trọng Tấn không được thầy trực tiếp giảng dạy như anh Đăng Dương nhưng được thầy chia sẻ kinh nghiệm, dàn dựng rất nhiều tác phẩm cho các cuộc thi và biểu diễn. Trọng Tấn kính trọng người thầy đôn hậu, đầy ắp tình nghệ sĩ. Thầy là ngôi sao sáng, là tấm gương lớn cho các thế hệ học trò, nghệ sĩ đi sau học tập, tiếp nối. Ở tuổi 70, thầy vẫn giữ nội lực thâm hậu...”, “hoàng tử nhạc đỏ” bày tỏ.
Ca sĩ Lan Anh, Tân Nhàn tuy không trực tiếp học NSND Quang Thọ nhưng cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ ông. Qua những buổi biểu diễn chung, các ca sĩ học được từ NSND Quang Thọ tinh thần làm việc nghiêm túc, chỉn chu, hết mình vì nghệ thuật.
Tác giả: Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn