Những ngày mùa xuân, tách bạch khỏi phố xá, bè bạn và căn nhà thân yêu của mình, đạo diễn, NSND Phạm Thanh Phong thường trực ở bệnh viện để chăm sóc người mẹ già anh yêu thương hết mực. Cái dáng vẻ điềm đạm, chậm chậm, ít nói của anh càng trở nên trầm mặc trong không gian toàn những người ốm đau…
Bên ngoài là rất nhiều niềm vui, rất nhiều câu chuyện của bạn bè đầu năm chúc tụng, nhưng, đạo diễn Phạm Thanh Phong ngồi đó, bên cạnh là chiếc iPad để làm việc, viết kịch bản phim, check mail... Thỉnh thoảng anh nhìn sang người mẹ đang nằm trên giường bệnh, đôi mắt đượm buồn xa vắng...
NSND Phạm Thanh Phong khác hẳn "tính cách" của nhiều đạo diễn trên phim trường, bởi tính cách từ tốn, nhẹ nhàng và luôn "mê hoặc" lòng người bằng sự dịu dàng, nhỏ nhẹ vốn có của một chàng trai gốc Hàng Đào thanh lịch, hóm hỉnh. Đạo diễn Phạm Thanh Phong là "cha đẻ" của những thước phim truyền hình nổi tiếng như: "Chuyện phố phường", "Đất và người", "Tìm chồng", "Dương tính", "Khoảnh khắc cuộc đời", "Gió qua miền tối sáng", "Cảnh sát hình sự", "Ghen", "Cửa hàng Lôpa"...
NSND Phạm Thanh Phong. |
Gần đây, song hành với công việc làm đạo diễn, biên kịch, anh viết văn và xuất bản truyện ngắn "Trái tim đơn độc" (NXB Văn học), một tập truyện ngắn đầy trăn trở, suy tư của một người nếm trải nhiều trạng huống trong cuộc đời chìm nổi. Trong đó có nhiều truyện ngắn đã được làm phim và đạt được những giải thưởng trong các cuộc thi văn học như: "Đêm trăng suông", "Cỏ ngọt", "Điện thoại đồ chơi", "Nê-rô hiền dịu", "Tặng phẩm tình yêu", "Những con sói non"...
Chia sẻ về đam mê viết lách của mình, anh khẳng định, nếu không được viết ra, thì trái tim anh sẽ đầy trĩu nặng và đơn độc, như nhà văn nổi tiếng Canada Roberson Davies đã từng nói: "Sẽ là vô ích khi cố gắng viết một cuốn sách, trừ phi bạn biết chắc rằng hoặc là bạn phải viết nó, hoặc bạn sẽ phát điên lên, thậm chí là chết".
Đạo diễn, NSND Phạm Thanh Phong luôn tạo cho người đối diện một cảm giác tin cậy mỗi lần trò chuyện cùng anh. Dường như với những trải nghiệm của một đạo diễn, một nhà biên kịch, một nhà văn NSND Phạm Thanh Phong đã khiến cho cuộc sống của mình không chỉ thú vị trong những thước phim, trong những câu chuyện trong văn chương, mà điều thú vị luôn đầy ắp trong cuộc sống thường nhật. Và Phạm Thanh Phong thực sự lấy được nhiều niềm tin của hầu hết bạn hữu. Anh ít phát ngôn, với phương châm "im lặng là vàng", Phạm Thanh Phong đã có những trang viết, những thước phim thực sự ám ảnh lòng người.
Đạo diễn Phạm Thanh Phong tốt nghiệp khoa Văn (ĐH Tổng hợp Hà Nội) năm 1982. Đến cuối năm đó, anh theo học lớp đạo diễn tu nghiệp khóa I. Sau khi tốt nghiệp khóa học này (năm 1986), anh được nhận công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê), một thời gian sau thì về Trung tâm sản xuất phim truyền hình (Đài THVN). Ngày đó, lớp học tu nghiệp chuyên ngành điện ảnh chỉ có vẻn vẹn 10 người.
Nhiều người đã khuất bóng và cũng có những người bỏ nghề bởi lúc đó, những nhà làm phim Việt Nam không có đủ điều kiện cho ra đời "những đứa con tinh thần" của mình. Thời điểm anh bắt đầu đi vào lĩnh vực điện ảnh thì cũng đúng là lúc phim truyện cũng như phim truyền hình đang có chiều hướng đi xuống. Muốn góp sức lực nhỏ bé nào đó của mình cho nền điện ảnh và sống với niềm đam mê nghệ thuật buộc anh cùng bạn bè mình phải nỗ lực rất nhiều.
Từ tiểu thuyết của nhà văn Xuân Đức, lần đầu tiên Phạm Thanh Phong đã chuyển thể thành kịch bản phim "Người không mang họ" do Long Vân và Phan Vũ làm đạo diễn, là một trong những phim ăn khách cuối những năm 80.
Đạo diễn Phạm Thanh Phong (bên phải) và họa sĩ Đỗ Phần. |
Từ lần thử sức thành công ấy, Phạm Thanh Phong tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn, đến nay, anh đã có trên 25 năm gắn bó với điện ảnh và đã thành công trong các lĩnh vực như đạo diễn, viết kịch bản, biên tập... với hàng trăm tập phim truyền hình dài tập trong các phim như: "Tìm chồng", "Dương tính", "Khoảnh khắc cuộc đời", "Gió qua miền tối sáng", "Cảnh sát hình sự", "Ghen", "Cửa hàng Lôpa", "Cái dằm", "Đất và người", "Huyền sử thiên đô", "Cha dượng", "Chuyện phố phường"...
Một bộ phim đã để lại dấu ấn trong lòng người xem như "Đất và người" (chuyển thể từ tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma" của nhà văn Nguyễn Khắc Trường). Anh kể: "Về phim "Đất và người" thì tôi và nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã ngồi không biết bao nhiêu buổi, uống hết bao nhiêu rượu bia mới nghĩ ra ý tưởng kịch bản.
Có một kỷ niệm hồi làm phim "Đất và người" mà tôi không bao giờ quên, thời điểm đó, bố tôi ốm nặng và tôi đã viết kịch bản phân cảnh phim "Đất và người" trên giường bệnh của ông. Đang trong thời kỳ gấp rút nên hầu đêm nào tôi cũng thức trắng để viết mà quên béng việc những người bệnh xung quanh cần bóng tối để ngủ thế mà chẳng ai nhắc nhở tôi phải tắt đèn, cả bệnh nhân lẫn bác sĩ. Sau này tôi mới nghĩ rằng, có thể, vào thời điểm ấy, trên kênh Truyền hình Hà Nội đang chiếu phim về ngành y của tôi "Lời thề Hippocrates" nên ngay cả bác sĩ cũng nhân nhượng hơn chăng (cười)!".
Đạo diễn Phạm Thanh Phong cũng là "cha đẻ" của nhiều thước phim về đề tài hình sự. Anh kể: "Thực ra, trước khi bắt tay vào seri phim “Cảnh sát hình sự”, năm 1988, tôi đã chuyển thể kịch bản "Người không mang họ" cho đạo diễn Long Vân.
Hồi đó, tiểu thuyết vốn chỉ có hai tập nhưng sau khi dựng thành công hai tập phim, thấy rất lôi cuốn khán giả nên Cục trưởng Cục Công tác chính trị Trần Lâm và Giám đốc Liên hiệp điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tôi viết tiếp tập 3. Đến năm 1995, kỷ niệm Ngày thành lập Điện ảnh Công an nhân dân, tôi được mời làm phim về nữ chiến sĩ công an hộ khẩu "Giá như yêu được một người". Phim cảnh sát hình sự là một trong những đề tài khiến tôi say mê và làm việc cật lực. Tôi có thể ngồi viết kịch bản đến hết đêm là bình thường.
Có lần đi quay phim ở Thanh Hóa, lãnh đạo Công an thị xã Sầm Sơn đã cử cho chúng tôi một tiểu đội cảnh sát để hỗ trợ ô tô, vũ khí... quay đến 12 giờ đêm vẫn chưa xong, tôi hơi ái ngại nên nói với các đồng chí công an hoặc là làm cho xong thì rất muộn và nếu muốn nghỉ thì ngày mai lại cảm phiền các đồng chí thêm một buổi nữa. Thực ra, các đồng chí ấy cũng rất bận rộn nên chấp nhận sát cánh với chúng tôi đến 4 giờ sáng. Vì quay ở biển nên nước thủy triều lên cao là phải dựng lại bối cảnh. Thấy vậy, các đồng chí công an lắc đầu bảo, làm phim về hình sự còn vất vả hơn các anh đi đánh chuyên án thật...".
NSND Phạm Thanh Phong có lẽ là người đầu tiên nhận ra rằng, làm phim truyền hình phải là một công nghệ, một công nghệ sản xuất thực sự, đặc biệt là khâu kịch bản, rồi đến công tác đạo diễn. "Bản thân tôi, khi viết kịch bản phân cảnh, tôi phải viết rất chi tiết từ ẩn ý từng trường đoạn cho tới các cỡ cảnh, các động tác máy, đến câu nào thì máy trượt, đến câu nào thì diễn viên sẽ ra hình bên phải máy, bên trái máy... Rất cụ thể nên quay phim và diễn viên sẽ hiểu được ý của tôi để diễn xuất. Mỗi người có một cách và quan trọng nhất là tính hiệu quả của công việc vẫn là trên hết. Tôi coi trọng tính tổng thể và viết kịch bản phân cảnh theo cách riêng để cảm xúc, ý tưởng của mình truyền đạt đến cả ê kíp làm phim một cách đầy đủ nhất. Đến khâu hậu kỳ, tôi sẽ tiếp tục chỉnh sửa về dựng phim, lồng tiếng, âm nhạc, để có một chỉnh thể. Tôi nghĩ, đối với một đạo diễn, điều quan trọng là tính hiệu quả của công việc, chứ không phải là cách anh nói thật to, chỉ đạo thật hoành tráng... Đôi khi, sự im lặng và nhẹ nhàng lại có một ma lực khó đoán định nổi. Cho đến nay, chưa bao giờ, tôi cảm thấy thất vọng về con đường mình theo đuổi. Tôi nghĩ, nghề nào cũng có sự vất vả riêng, đã xác định gắn bó với nghề, mình phải yêu nghề và theo đuổi đến cùng".
Sau rất nhiều năm tháng "chiến đấu" với phim ảnh, vừa qua, đạo diễn Phạm Thanh Phong ra mắt tập truyện ngắn "Trái tim đơn độc" với 14 truyện ngắn được anh viết trong nhiều tháng năm qua, trước lời chúc mừng của rất nhiều nhà văn là các bạn hữu.
Hỏi anh về việc viết lách, anh cười hiền: "Những truyện ngắn trong tập truyện này đều được viết ra bởi những sự việc đã gieo ấn tượng rất mạnh trong tâm hồn tôi. Ấn tượng đó đã tạo cảm xúc mạnh mẽ thúc giục tôi phải bật dậy viết ra trang giấy, như chỉ là để giải tỏa tâm tình với chính mình. Có thể là giữa đêm khuya, hoặc khi vơ vẩn đâu đó trên đường phố. Ví dụ như truyện "Bến nước", được viết ra sau khi tôi đi làm phó đạo diễn phim "Thằng Bờm" ở Thuận Thành, Hà Bắc, hoặc như truyện "Lời ru xa xôi" được viết sau chuyến đi làm phim "Một thời đã sống" ở Bảo Lộc - Lâm Đồng.
Hoài niệm, nỗi nhớ nhung con phố nhỏ Hàng Đào, nơi tôi sinh ra và lớn lên, cứ đằng đẵng đi theo và ám ảnh tôi suốt cuộc đời. Dù có đi đến phương trời nào, đến tận miền đất xa xôi nào của Tổ quốc, nỗi hoài niệm và nhớ nhung đó luôn luôn hòa quyện với những sự kiện và những cảm xúc mà tôi phải trải qua. Có thể nói nỗi hoài niệm đó âm thầm làm vai trò chủ đạo trong những sáng tác của tôi, từ văn xuôi cho đến kịch bản và đạo diễn. Tới đây, tôi và nhà văn Phạm Ngọc Tiến đang có ý tưởng viết chung kịch bản về một dòng họ Hà Nội gốc trong đời sống ngày hôm nay. Tôi cũng đang viết một kịch bản phim về tình yêu, con người và một gia đình Hà nội mang cái tên rất dịu dàng "Tình như gió mây".
Đối với mỗi người làm nghệ thuật, dường như ai cũng phải chấp nhận một sự mất mát nào đó. Phạm Thanh Phong cũng vậy, mỗi cuộc đời của nhân vật trong phim dường như đều có một chút gì đó giống với cuộc đời của người đạo diễn giàu tâm huyết với điện ảnh, với nghệ thuật này. Cũng có sự thăng trầm, mất mát, sướng khổ, đơn độc...
Nhưng cho dù thế nào, anh bảo, chưa bao giờ trong cuộc đời anh cảm thấy thất vọng về con đường mình theo đuổi. Đã xác định gắn bó với nghề, mình phải theo đuổi đến cùng. Anh chia sẻ, ngày ấy, gia đình anh ở phố Hàng Đào, nhà mặt đường - một địa điểm rất tốt cho việc kinh doanh buôn bán nhưng anh chỉ đam mê văn học, rồi đến với điện ảnh như là duyên nợ. Nếu có một sự lựa chọn, đến bây giờ, sau hơn hai mươi năm nhìn lại, anh vẫn chọn con đường làm điện ảnh, nghệ thuật để được sống trọn vẹn với niền đam mê ấy.
Trong căn nhà ở phố Lý Nam Đế rộng rãi và ấm áp của anh, có rất nhiều kỷ vật của nhiều chuyến đi và những năm tháng làm nghề. Chỗ anh để trang trọng nhất là những giải thưởng dành cho kịch bản phim "Điện thoại đồ chơi", "Cỏ ngọt", "Linh huyết" và các giải thưởng dành cho những lần Liên hoan phim như: Giải Bông sen vàng, Cánh diều vàng, Huy chương vàng cho các phim: "Người cộng sự", "Mùa hè rớt", "Dương tính", " Tìm chồng", " Họ mãi là đồng đội"... NSND Phạm Thanh Phong trân trọng và lưu giữ tất cả như là cách anh lưu giữ những hoài niệm đầy ấm áp và yêu thương của những tháng năm tuổi trẻ.
Hiện tại, song hành với làm phim, anh có một nơi nương náu đó chính là những trang văn, đó là nơi anh tìm về chính mình trong cõi riêng đầy cô đơn và ký ức. Anh bảo, xuyên suốt trong 14 câu chuyện của anh, dù có xảy ra những trạng huống nào đi nữa thì vẫn ấm áp tình người.
Hai truyện ngắn "Quà cưới" và "Nê-rô hiền dịu" là hai truyện ngắn anh tâm đắc. "Quà cưới" được anh viết trên bối cảnh chính ngôi nhà anh ở 44 Hàng Đào, sau Phạm Thanh Phong chuyển thể thành kịch bản phim "Cỏ ngọt" được giải trong cuộc thi kịch bản của Đài Truyền hình Hà Nội, phim cũng đc giải trong Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc. "Nê-rô hiền dịu” thì được tặng thưởng truyện hay cuối năm của Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Phạm Thanh Phong bảo rằng, ám ảnh trong truyện của anh là một Hà Nội hoài cổ đang dần mất đi trong hiện tại, đó là những phận người, những nỗi cô đơn tràn ngập trong thế giới đầy biến động và nhốn nháo. Viết văn, đối với anh là một trạng thái cảm xúc khác biệt. Nó khác biệt với việc làm phim, nhưng cũng là cả một thế giới mà anh cần nương náu để tìm lại chính mình. Đó là thứ đã làm nên Phạm Thanh Phong và những thước phim đã sống cùng lịch sử phát triển của điện ảnh, truyền hình Việt.
Anh tâm sự: "Với tôi đó cũng như sự hoài niệm, dù rằng có rất thật trong cuộc sống thường ngày, nhưng vẫn chỉ là hoài niệm đẹp đẽ và mơ hồ. Cho đến ngày hôm nay, đã làm đạo diễn hàng trăm tập phim, viết kịch bản cũng hàng trăm tập phim, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, tôi vẫn dựa vào nỗi hoài niệm mong manh đó để làm điểm tựa cho cuộc sống và sáng tác của mình...".
Trần Mỹ HiềnNguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn