Chồng đã mất từ lâu, có mỗi một cô con gái cũng ở tận trời tây. Vậy hàng năm bà đón Tết như thế nào?
Con gái ở xa nhưng thỉnh thoảng cũng về đón Tết với mẹ. Những năm con gái về, có mẹ có con thì không khí trong nhà cũng vui vẻ và nhộn nhịp hơn. Năm nào con không về thì mẹ lại phải sắm sửa và chuẩn bị mọi thứ với bạn bè.
Tuy nhiên, do con gái ở xa mười mấy năm rồi nên cảm giác đón Tết một mình cũng quen rồi. Dù ở một mình nhưng Tết nhất tôi cũng soạn sửa đầy đủ. Năm nào cũng đầy đủ quất đào, có năm còn gói bánh chưng.
Thực ra, gói bánh chưng không phải để ăn mà muốn tìm lại không vị của Tết xưa. Gói xong lại tất bật đưa đi biếu người này, đi cho người kia chứ có dùng mấy đâu.
Nhiều thứ cứ mua sắm thế nhưng Tết lại đi chơi suốt. Bạn bè thấy tôi ở một mình nên cũng muốn rủ tôi đi chơi cho vui. Tết đến, tôi chỉ cảm thấy chạnh lòng trong giây phút giao thừa một chút thôi còn không cảm thấy cô đơn lắm.
Tôi nghĩ mình phải biết tìm niềm vui cho mình chứ không thể cứ ngồi đó mà gặm nhấm nỗi buồn được. Tôi luôn sống tích cực và không cho phép mình cứ chìm trong uỷ mị.
Bà có nói về Tết xưa và thèm khát được trở lại Tết xưa. Vậy Tết xưa của bà có thể hình dung như thế nào?
Tết xưa và Tết nay khác nhau nhiều lắm. Lúc mình còn nhỏ, Tết đến nhà rất nhiều việc. Các cụ làm ăn một năm vất vả và nghèo khổ nên Tết là các cụ cũng cố gắng để được đầy đủ nhất. Phải có thịt, gà, bánh chưng, kẹo bánh… Cho nên để có được một cái Tết tươm tất thì các cụ sẽ rất vất vả.
Ngày xưa, cứ đến Tết là tôi lại được giao nhiệm vụ rửa lá dong, vo gạo nếp, đãi đỗ… để gói bánh chưng. Những hôm trời ấm còn đỡ, trời rét căm căm mà làm được ngần đó việc xong là lạnh cóng cả tay.
Vất vả là thế nhưng mọi người đều rất háo hức và chờ đón để có được nồi bánh chưng. Ngày xưa, bố mẹ tôi toàn luộc bánh chưng vào đêm 30 Tết để sáng ngày mồng Một có bánh chưng nóng mà ăn. Thời đó, có khi một mình tôi ăn được hết cả một cái bánh chưng to đùng.
Rồi ngoài bánh chưng thì còn cặm cụi ngồi cắt từng bông hoa giấy đủ màu đề chăng lên cho có màu sắc một tí. Nhớ về Tết xưa còn là nhớ về cảm giác được người lớn mừng tuổi. Chỉ vài xu thôi nhưng được mừng tuổi là thích lắm. Tất cả những cái đó đều là văn hoá truyền thống mà nhà nào cũng đều giữ gìn và sinh hoạt theo. Bây giờ những thứ đó không có nữa rồi.
Vậy theo bà, Tết nay có còn được như Tết xưa?
Bây giờ, đôi lúc, tôi vẫn muốn gói bánh chưng để tìm lại cảm giác ngày xưa. Vì bây giờ cuộc sống phát triển hiện đại và đầy đủ hơn nên văn hoá truyền thống ngày càng phai dần đi.
Bây giờ Tết mọi người vẫn mong ngóng về đoàn tụ và sum họp với gia đình nhưng tình người không như ngày xưa nữa. Bây giờ người ta không mặn mà với Tết.
Có những người cứ đến Tết lại đi du lịch chứ không thích ở nhà nấu nấu, nướng nướng, khách khách, khứa khứa… Mà có ở nhà cũng chưa chắc đã đủ người để ngồi ăn với nhau bữa tất niên vì con cái mỗi người đi chơi một nẻo.
Bạn bè tôi năm nay cũng đã đăng ký đi du lịch Tết từ rất sớm. Đại thể bây giờ mọi thứ quá dễ dàng và có điều kiện hơn nên Tết không như xưa.
Với hoàn cảnh như của bà, có bao giờ bà sợ Tết không?
Sợ chứ. Sợ ở đây không phải vì quá cô đơn hoặc vì chạnh lòng mà bởi Tết bây giờ không như Tết xưa. Không còn cái cảm giác háo hức mỗi khi Tết đến. Đôi lúc cứ cố đi tìm để lấy lại cảm xúc của ngày xưa nhưng không thể.
Còn cô đơn thì cũng đã quen rồi. Mà mạng xã hội bây giờ rất chi là tiện lợi nên mẹ con vẫn trò chuyện với nhau thường xuyên. Khoảng cách về địa lý do đó không bị xa cách quá.
Ở tuổi này mà bà vẫn luôn suy nghĩ lạc quan, thậm chí xê dịch hết này đến nơi khác… Điều gì khiến bà có nhiều năng lượng tích cực đến vậy?
Tôi nghĩ, cách sống của mỗi người là do suy nghĩ, quan niệm… Quan điểm của tôi cũng giống nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đó là “cuộc đời này chỉ là cõi tạm, mọi thứ rất vô thường”.
Chúng ta không biết hôm nay thế nào, ngày mai ra sao. Cho nên tôi luôn xác định một phút, một giây còn sống vẫn phải vui vẻ, lạc quan và yêu đời. Mình không ngồi đợi vui đến với mình mà phải tạo ra niềm vui cho mình.
Chẳng hạn, bây giờ có tuổi rồi, tôi không hào hứng với phim ảnh nữa. Thời gian rảnh rỗi tôi đi thể dục, đi du lịch, đi học nấu ăn và thậm chí còn đi học cắt may. Tôi rất thích thời trang nên tôi thích học cắt may để tự may cho mình.
Không những thế, tôi còn đi học viết chữ thư pháp. Người ta nói rằng, viết thư pháp là để tĩnh tâm và tạo cho mình tính kiên trì. Tôi học cái đó để luyện tính kiên trì và tạo cho mình cơ hội tĩnh tâm. Ngoài ra, muốn nhẹ lòng cũng nên biết sống buông bỏ, không ham hố, không sân hận, không nặng nề…
Năm mới bà thường mong ước điều gì cho bản thân và gia đình?
Năm mới tôi luôn cầu mong sức khoẻ. Không phải vì tôi đẩy đủ những thứ khác nên chỉ cầu sức khoẻ mà tôi thấy sức khoẻ là điều quý giá nhất. Có sức khoẻ sẽ có tất cả. Nhiều người bây giờ giàu có, đủ đầy… nhưng nay ốm mai đau nên cuộc sống cũng cám cảnh và thương tâm lắm.
Nhân tiện năm mới Kỷ Hợi, tôi cũng xin gửi lời chúc Ban biên tập báo và độc giả báo một năm mới an lạc – cát tường – như ý.
Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin.
(Còn tiếp)
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn