Lạc quan để vượt qua bệnh tật
- PV: Nhắc đến Hoàng Cúc khán giả sẽ nhớ đến một người nghệ sĩ nổi tiếng với hàng loạt vai diễn nổi tiếng vào thập niên 80 cũng như có nét đẹp sang trọng nhưng u buồn?
- Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc: Trong cuộc sống này có người phụ nữ nào lại trọn vẹn tất cả. Nguyễn Du từng có câu nói nổi tiếng: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Ở đây không phải vì bạn giỏi mà họ ghen. Mà tự thân cuộc sống là như thế, vô thường là như thế. Khi con người ta sinh ra đã có “tham - sân - si” trong lòng mỗi người, chỉ có điều chúng ta chế ngự và vượt qua như thế nào. Không ai không có một đoạn trường tân thanh trong cuộc sống. Đối với tôi, những giông tố cuộc đời đó chỉ làm cho tôi nghị lực và bản lĩnh hơn.
- Trên sân khấu, bà đã nhiều lần đóng cặp với NSND Hoàng Dũng, bà có nhận xét gì về người đồng nghiệp của mình?
- NSND Hoàng Dũng thời gian qua được báo chí nhắc rất nhiều, cũng như được đồng nghiệp khen ngợi. Đặc biệt, anh thành công rực rỡ qua vai diễn Phan Quân trong “Người phán xử”. Tôi có xem và phải nói Hoàng Dũng đóng quá hay. Để chia sẻ về sân khấu, thời chúng tôi còn đóng cặp với nhau thì tôi thấy ở Hoàng Dũng có rất nhiều điều cần học tập và trân trọng. Càng khó anh Dũng càng thể hiện mình là người làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Anh ấy có thể tự mình ngồi khâu, độn vai áo để vai từ xuôi thành thẳng... Chúng tôi thường đùa với nhau, vì sống trong thời bao cấp nên thân hình không cần giữ eo thì vẫn eo (Cười).
Ngay từ những điều nhỏ đó, với người khác là đơn giản nhưng với Hoàng Dũng thì chỉnh chu từ trang phục diễn của mình. Không những thế, Hoàng Dũng còn có cái tài hóa trang chi tiết nhân vật rất giỏi mà điều này đối với sân khấu là rất quan trọng. Hoàng Dũng hóa trang giỏi đến mức, đóng trẻ sẽ rất trẻ, đóng già rất già, cộng thêm sự diễn xuất tài tình. Bên cạnh đó, anh còn làm đạo diễn rất tốt. Tôi thấy không chỉ lớp trẻ mà ngay sân khấu kịch của chúng ta, để có nghệ sĩ như Hoàng Dũng là rất hiếm. Tôi mong thế hệ trẻ có thể học hỏi từ Hoàng Dũng. Hoàng Dũng say đắm nghề và dồn tất cả cho nghệ thuật, anh là người tài năng đáng trân trọng.
- Có tin đồn Hoàng Cúc còn là “đại gia bất động sản” vì kinh tế nên bà không còn mặn mà với nghề diễn?
- Việc tôi bán bất động sản cũng là số phận. Nếu tôi không làm thêm nghề khác mà chỉ tập trung cho nghề diễn thì sẽ khó giữ được sức khỏe cho mình. Khi diễn sân khấu có ngày diễn 3 suất nhưng có vai bi kịch thì sẽ phải khóc cả ngày, khóc liên tục hoặc đi đóng phim lại phải rong ruổi đi quay khắp mọi nơi, thậm chí kéo dài vài tháng.
Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc: “Khi con người ta sinh ra đã có “tham - sân - si” trong lòng mỗi người, chỉ có điều chúng ta chế ngự và vượt qua như thế nào. Không ai không có một đoạn trường tân thanh trong cuộc sống. Đối với tôi những giông tố cuộc đời đó chỉ làm cho tôi nghị lực và bản lĩnh hơn”.
Tôi rất nhớ nghề nhưng đôi khi phải chấp nhận. Khi chưa bỏ nghề thì tôi bị bệnh, khi về hưu thì lại bận chăm sóc con cháu. Khi các nhà hát có vở diễn mới, tôi vẫn đến xem, hay là xem phim truyền hình Việt Nam. Đam mê về nghề trong tôi vẫn không dứt nhưng điều kiện chưa cho phép để quay lại.
- Bà thường xuyên đến xem các vở diễn mới ở các nhà hát, vậy bà có ấn tượng với ai nhất?
- Khó có thể lựa chọn cụ thể ai vì các diễn viên trẻ hiện nay rất giỏi và có nhiều ưu thế. Những nghệ sĩ thời chúng tôi còn hạn chế trong việc giải phóng hình thể có lúc chỉ nhảy một điệu valse cũng thấy khó khăn. Tuy nhiên nghệ sĩ thế hệ trước có nhiều người đóng hài kịch giỏi, chính kịch giỏi và bi kịch cũng giỏi nên các em ngày nay hay bị đem ra so sánh. Thật sự khi xem các bộ phim tôi thấy có những lúc các em chưa tập trung hết mình ở một cảnh nào đó và vì lý do riêng các em vừa làm diễn viên, vừa làm MC, vừa quay quảng cáo mướt mải “chạy sô”. Nhưng nhìn chung có nhiều em rất tài năng.
- Hơn 40 năm dành tất cả cho tình yêu sân khấu nhưng gần tuổi về hưu bà lại phát hiện ra bạo bệnh và đến nay cũng đã chữa trị thành công, vậy bà đã vượt qua bệnh tật như thế nào?
- Thật ra tôi bị 2 bệnh trong người. Tôi phát hiện bệnh ung thư trước khi về hưu. Có những buổi diễn xong tôi còn cảm giác bị tắc thở và mặt thì bị sưng. Tôi nghĩ đây chính là một phần của sự trả giá cho nghề nghiệp. Vì tôi đã lao vào công việc mà không để ý đến sức khỏe, khi có bệnh thì không uống thuốc triệt để. Đến khi có bệnh tôi nghĩ đó là số phận.
Tôi luôn tin vào tâm linh. Khi mình bị bệnh “hiểm nghèo” tôi không lấy đó làm lo sợ hay mất niềm hy vọng. Bệnh của tôi là ung thư vú. Tôi được biết, ở Mỹ mới đưa ra thông báo bệnh ung thư không cần dùng hóa chất, hay ở Nhật Bản chữa bệnh không cần xạ trị. Hiện tại, tôi đã chữa khỏi bệnh và tôi vẫn tự chăm sóc bản thân mình tốt hơn trước rất nhiều. Sau khi chữa bệnh xong, tôi đã tham gia một số hiệp hội, trong đó có Hội “tình người” để động viên những người bị bệnh hay có số phận kém may mắn trong cuộc sống. Tôi luôn truyền lại và khích lệ mọi người hãy sống lạc quan, sống có khoa học… Tôi lấy những công việc xã hội để làm niềm vui cho mình.
Thực sự, tôi không mất thời gian cho việc buồn rầu, suy nghĩ những điều tiêu cực, thay vào đó tôi dành thời gian cho con cháu, cho gia đình và bạn bè. Người phụ nữ dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều khổ hơn đàn ông rất nhiều.
Yêu con dâu hơn con đẻ
- Mọi người xung quanh còn chứng kiến tình cảm đặc biệt bà dành cho con dâu là một điều hiếm có trong xã hội?
- Nhiều người đã rất ngạc nhiên. Thế nhưng tôi nghĩ rất đơn giản, con nào cũng là con, thậm chí yêu con dâu (diễn viên Thùy Linh - PV) hơn con đẻ. Ngay như bạn nhìn thấy rõ, con trai tôi đi làm về là tắm, ăn cơm nhưng con dâu thì phải nấu cơm cho cả gia đình, sau đó lại cho con ăn, cho con uống sữa, dọn nhà, ru con ngủ…. phải làm nhiều việc trong một ngày. Nói ra để chúng ta thấy rõ, người phụ nữ dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều khổ hơn đàn ông rất nhiều. Tôi thấy mình là mẹ chồng và hưởng lợi rất nhiều đấy, mình không đẻ con gái và không nuôi dưỡng nhưng sau 20 năm, lại có đứa con gái về làm con nhà mình, đẻ cho mình những đứa cháu, nấu cơm cho mình ăn… Tại sao mình lại không yêu mà lại xem nó là con dâu.
Thời đại này, tìm con dâu đảm rất hiếm. Nhiều cô con dâu thích ra ở riêng, các cháu chủ yếu là người giúp việc chăm sóc. Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu mình sinh con gái và khi nó lớn lên lấy chồng, nó sẽ không chăm sóc mình được như con dâu. Nếu tôi có sinh con gái, chưa chắc tôi đã yêu con gái mình bằng con dâu đâu nhé (Cười).
Tôi thấy tư duy những bà mẹ châu Á cần phải thay đổi. Chúng ta phải yêu thương con dâu như chính con đẻ. Nếu cứ xem con dâu chỉ là con dâu thì tư duy đó là lỗi thời và không văn minh. Chúng ta là “người với người sống để yêu nhau”. Tư duy không tốt sẽ tạo ra hố ngăn cách.
- Không chỉ tình cảm với con dâu, hai đứa cháu nội của bà thay vì gọi bà nội, các cháu lại đều gọi là mẹ Cúc?
- Vì chúng nó rất yêu tôi. Chúng nó yêu mẹ nó thế nào thì cũng như yêu mình như vậy. Việc Kay và Kakao (tên gọi ở nhà của hai đứa cháu - PV) tự gọi tôi là mẹ chứ không có việc tác động phải gọi thế này, phải gọi thế kia. Trẻ con rất thông minh, chúng nó đều cảm nhận được tình cảm mình dành cho chúng nó, cho gia đình.
- Cảm ơn Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc!
Tác giả: Theo Thuỷ Mộc
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn