NSND Bạch Tuyết sinh 1945 tại Châu Đốc, An Giang. Từ nhỏ, bà đã sớm bộc lộ năng khiếu ca, ngâm và thường được chọn biểu diễn trong các chương trình ca nhạc của trường. Bà từng rất thần tượng cố nghệ sĩ cải lương Thanh Nga và được chính nghệ sĩ Thanh Nga khích lệ theo nghề. Với giọng hát đặc biệt và tài năng thiên bẩm, bà được giới trong nghề lẫn khán giả mệnh danh là “Cải lương chi bảo”. Bà cũng là Tiến sỹ Nghệ thuật học đầu tiên của ngành Cải lương Việt Nam.
Mới đây, khi tham gia buổi trò chuyện với các Phật tử tại chùa Giác Ngộ, NSND Bạch Tuyết tâm sự rằng, mẹ bà mất vì tai nạn giao thông khi bà mới tròn 8 tuổi. Cô bé 8 tuổi thời đó đã không tin và không chấp nhận sự thật đau lòng rằng người mẹ hiền đã vĩnh viễn rời xa hai chị em mình. Và trong đầu bà luôn day dứt một niềm suy nghĩ “Mẹ đã mất vậy mình còn sống để làm gì?”. Câu hỏi đó cứ theo bà cho đến ngày khôn lớn.
Trước năm 16 tuổi, bà được gia đình gửi vào học ở trường sơ, bà từng có ý định ở lại luôn không về nhà nữa nhưng bị gia đình bắt về. Đến năm 16 tuổi, bà bén duyên với nghệ thuật cải lương và được giao đóng đào chính ngay từ những năm tháng mới bước vào nghề. 18 tuổi, bà đã có xe riêng, nhà riêng và tiền gửi ngân hàng. 20 tuổi bà đã bước tới đỉnh cao của danh vọng. Ngay ở thời điểm đó, câu hỏi “Sống để làm gì?” vẫn cứ lởn vởn trong tâm trí của bà. Đó cũng là nguồn cơn khiến nữ nghệ sỹ tìm đến cái chết lần đầu tiên. Tuy nhiên, lần này bà đã được cứu.
Lần thứ hai, trong một lần đi diễn về khuya, khi đang đi trên đường, bà chứng kiến cảnh một cô gái làng chơi bị khách quỵt tiền, cướp ví và đánh cho đến chết. Cảnh tượng đó khiến bà dằn vặt lương tâm khôn nguôi. Về nhà, bà tự dùng lưỡi dao lam cắt mạch máu của mình để tìm đến cái chết. May mắn là trong thời điểm đó, có một cô bạn từ dưới Cần Thơ lên mượn áo dài đi đám cưới, phát hiện bà đang nằm bên vũng máu liền đưa vào viện cấp cứu.
Lần thứ ba, sau khi diễn xong một vở diễn, bà được khán giả chạy lên sân khấu ôm hôn, tặng hoa và chụp hình rất thắm thiết. Sự hạnh phúc tột cùng khiến cho bà nghĩ tới cái chết. Bà cho rằng, bây giờ mà chết còn được người hâm mộ yêu thương và tiếc nuối. Mai này già cả, xấu xí, yếu đuối… lỡ có chết chưa chắc đã được người hâm mộ yêu thương như bây giờ. Và thế là bà lại tìm đến cái chết… nhưng cuối cùng vẫn được cứu sống.
“Qua 3 lần tìm đến cái chết với những lí do lãng xẹt, bây giờ, khi thấy những người nổi tiếng và tài hoa tìm đến cái chết, tôi không lấy đó làm ngạc nhiên. Bởi vì mỗi con người khi sinh ra, ai cũng có những cục bướu máu trong người phải tự giải quyết. Cục bướu máu đó chính là việc vượt qua những tổn thương của thời thơ bé, những áp lực của đời sống hiện tại và cả những khổ ải của kiếp người trần gian.
Và đó cũng là lí do tại sao tôi luôn luôn thích được trò chuyện với những đứa trẻ mồ côi. Những đứa trẻ bị khuyết tật về thể xác còn khiến người đời nhìn thấy mà giúp đỡ nhưng những đứa trẻ bị tổn thương tinh thần không ai nhìn thấy mà giúp cả. Nhưng sự tổn thương về tinh thần còn đáng sợ hơn là khuyết tật về thể xác… bởi nó cứ ám ảnh, đeo đẳng mãi trong tâm trí con người ta”, NSND Bạch Tuyết nhấn mạnh.
NSND Bạch Tuyết cho rằng, bà chỉ dập tắt ý đồ tự tử khi đọc được cuốn sách của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Cuốn sách này đã giúp bà trả lời được câu hỏi “Tại sao mình ở đây?” và “Sống để làm gì?”.
“Tôi chịu khó đọc và chịu khó học rất nhiều, không với mưu cầu gì lớn lao mà là để cứu mình, để tự giải quyết những vấn đề của mình. Tôi là đứa bé thần kinh không bình thường nên cái gì cũng muốn biết. Và tôi phát hiện ra, một đứa trẻ khi mất mẹ, nó sẽ phải học rất nhiều thứ để có thể tự đứng trên đôi chân và suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Cách tôi báo hiếu cho cha mẹ mình chính là giữ cho cái thân mình thật tốt, có một lối sống, lối cư xử, lối suy nghĩ… thật đàng hoàng - thiện tâm, đó là cách báo hiếu cha mẹ tốt đẹp nhất”, NSND Bạch Tuyết bộc bạch.
NSND Bạch Tuyết kể, có một thời kỳ, sau khi đã chạy chữa ở rất nhiều bệnh viện nhưng bà vẫn không thể có con. Các bác sỹ kết luận bà không thể sinh con được nên khuyên bà nên nhận con nuôi. Tuy nhiên, hàng ngày bà vẫn không ngừng đặt niềm tin rằng Trời Phật sẽ cho mình có một đứa con. Đến một ngày nọ, có một người đàn ông đến gặp bà và chỉ cho bà một phương pháp đặc biệt.
Thời gian sau, bà phát hiện mình có thai. Niềm vui ấy khiến vợ chồng bà vui mừng khôn xiết. Nhưng có một chuyện lạ là đến chín tháng mười ngày bà vẫn chưa có dấu hiệu lâm bồn và phải đến mười một tháng rưỡi bà mới sinh con theo phương pháp mổ. Vì sự đặc biệt này mà khi sinh con ra bà không gọi con bằng “con” theo lẽ thường mà gọi bằng “bạn”. Con trai của bà khi lên lớp 10 đã sang học ở Singapore và hết lớp 10 đã thi đỗ hai 3 trường đại học danh tiếng ở Mỹ.
Thực tế, dù là một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng tình duyên của NSND Bạch Tuyết khá lận đận. Bà kết hôn với danh thủ bóng đá, huấn luyện viên Phạm Huỳnh Tam Lam năm 1967. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân chỉ kéo dài được 3 năm rồi tan vỡ vì bà không thể có con, trong khi ông Phạm Huỳnh Tam Lang lại là người rất có hiếu với gia đình. Đến năm 1974, NSND Bạch Tuyết kết hôn lần thứ hai với một Việt kiều quốc tịch Pháp.
Đây chính là người đàn ông đã giúp nữ nghệ sĩ đi trọn với con đường học vấn và thực sự thăng hoa trong sự nghiệp cải lương. Cả hai có với nhau một cậu con trai tên Bảo Giang. Bảo Giang sang nước ngoài học tập khi mới lên 12 tuổi. Mặc dù sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng mỗi khi nói chuyện với bố mẹ, Bảo Giang bao giờ cũng bắt đầu bằng từ “Dạ, thưa” rất lễ phép. Nữ nghệ sĩ rất tự hào về cậu con trai duy nhất của mình. Đến nay, Bảo Giang đã lập gia đình và có 3 người con.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn