Vì sao anh lại quyết định dựng vở “Romeo và Juliet” vào thời điểm này?
Vở Romeo và Juiliet đã được đạo diễn Phạm Thị Thành dựng tại Nhà hát Tuổi trẻ cách đây hơn 30 năm. Thời đó, tôi có tham gia một vai trong diễn. Lý do Nhà hát Kịch Việt Nam dựng lại vở này vì đây là một kiệt tác của đại văn hào William Shakespeare.
Khi dựng lại, thao tác đầu tiên tôi phải làm là cắt ngắn vở lại vì trong kịch bản nguyên tác vở kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ. Những tuyến phụ, những điểm ý, những cái khó hiểu… với khán giả Việt Nam tôi đều cắt bỏ.
“Romeo và Juliet” không đa tầng ý nghĩa như: Hamlet, vua Lia… mà nó chỉ mang ý nghĩa ngợi ca tình yêu bản nguyên trong sáng, thánh thiện... Tình yêu đã vượt lên mọi thù hận, mọi hố sâu ngăn cách và hóa giải mọi thứ trong đời sống.
Tuy nhiên, khi dựng thì tôi vẫn cố tình đặt ra phản biện là liệu có hóa giải được không hay đó chỉ là ước mơ cao cả của văn hào Shakespeare cùng toàn thể loài người. Nói cách khác là trong một xã hội hận thù, đố kỵ, chém giết, máu đổ… như thế, sao mà có được tình yêu đẹp? Cho nên, tình yêu của Romeo và Juliet đẹp thế thì phải chết thôi, đó là bi kịch.
Thủ pháp sân khấu mà anh áp dụng cho vở này là gì?
Về mặt thủ pháp, tôi vẫn muốn vở chảy theo dòng của vở “Kiều”. Tôi muốn làm sao kéo được các bạn trẻ, nhất là thanh niên - sinh viên đến với sân khấu kịch.
Trước nay, phần lớn các vở kịch đều chủ yếu là đối tượng trung niên - cao niên đi xem. Nhưng nay với vở này, tôi muốn mở rộng đối tượng khán giả ra, kéo thật đông thanh niên, sinh viên đến xem như vở “Kiều” trước đây.
Sân khấu của vợ này là luôn chuyển động và đặc biệt tôi đặt nhờ nhạc sỹ Phùng Tiến Minh sáng tác một ca khúc riêng cho vở. Theo tôi, ca khúc này rất hay và rất hiện đại. Chính nhạc sỹ Phùng Tiến Minh và ca sỹ Minh Thu sẽ hát thật trên sân khấu như người của thời đại hôm nay, xuyên qua không gian, xuyên cả thời gian để hòa vào tình yêu và khát vọng đẹp đẽ của con người thông qua Romeo và Juliet.
Diễn viên tham gia vở này khá đông, tuy nhiên nhân vật chính lại giao cho hai bạn rất trẻ. Chủ ý của anh trong việc phân vai như thế là gì?
Về phần diễn viên, đương nhiên những người đóng Romeo và Juliet phải là những người trẻ rồi. Tại vì già thì có kinh nghiệm diễn xuất, có thể diễn rất hay nhưng không thể “cưa sừng làm nghé” được. Có hai bạn trẻ vừa tốt nghiệp trường sân khấu – điện ảnh, mới về đầu quân cho nhà hát nhưng tôi mạnh dạn giao vai chính cho hai bạn ấy.
Ở thời điểm này, Nhà hát Kịch Việt Nam chọn được Romeo và Juliet như hai bạn trẻ đó là tốt nhất vì trước đó tôi cũng có thử mấy bạn nhưng người được hình mất tiếng, người được tiếng mất hình. Được hình và tiếng thì tầm vóc diễn xuất không được như hai bạn này.
Mặc dù các bạn mới ra trường năm ngoái nhưng giờ cũng phải động viên, ưu ái cho lớp trẻ. Romeo và Juliet mà các bạn diễn viên trẻ đóng có thể câu thoại còn non, cảnh này chưa tới, nhưng tôi để các bạn ấy qua mỗi buổi diễn sẽ hoàn thiện dần.
Tất nhiên, “giàn bao” tôi lại phải nhờ tới sự hỗ trợ của các nghệ sỹ gạo cội Nhà hát Kịch Việt Nam như là: NSƯT Trung Anh, NSƯT Thúy Phương… Ngoài ra, vai các ông bố - bà mẹ của dòng họ Montague và Capulet cũng là những nghệ sỹ gạo cội.
Tôi phải nói thật rằng, chưa có vở nào tôi làm với các bạn diễn trẻ mà mệt như vở này. Rất là mệt. Tuy là vai trẻ nhưng chứa đựng bao nhiêu tầm vóc của thời đại, của Shakespeare. Dù chỉ là tình yêu thôi nhưng nhiều khi cũng phải tập mãi.
Nhiều khi tôi nói với các bạn ấy là cái gì xa có khi dễ hơn với các bạn, kiểu như các cụ nói: “Vẽ ma quỷ nhiều khi dễ hơn vẽ trâu bò”. Thế nhưng đến ngày tổng duyệt, ra mắt khán giả, tôi lại cảm thấy rất yên tâm vì bản thân các bạn ấy cũng có những nỗ lực rất lớn, rất cầu thị lắng nghe tôi thị phạm, chỉnh sửa từng tí một. Đến ngày hôm nay tôi rất ưng ý với các diễn xuất của các bạn ấy.
Trong quá trình dựng vở, anh đã gặp những vấn đề gì?
Tôi vốn là người cầu toàn nên cố gắng hết sức mình, muốn diễn viên và các bộ phận sản xuất đều phải cố gắng hoàn thiện trước khi đưa vở ra với khán giả. Mình phải ưng cái đã, “vừa mũi ta mới ra mũi người” mà.
Nếu nói về thời gian thì như các vở khác. Vở khởi công hồi tháng 7 nhưng cứ tập lắt nhắt vì tháng 8 - 9 quá nhiều đoàn đi công tác, biểu diễn ở nước ngoài, các diễn viên chính cũng đi. Khi có Romeo thì thiếu Juliet, khi có Juliet thì thiếu Romeo. Tuy nhiên, tổng lực tôi bắt đầu là từ cuối tháng 9 đầu tháng 10 là dốc lực tập.
Những chuyện ồn ào vừa qua có khiến cho tâm lý của anh bị tác động dẫn đến gặp khó khăn trong việc dựng vở?
Tôi vẫn bình thường thôi, không bị tác động gì cả vì chuyện không phải như thế. Tôi không phải là người như người ta nói nên tôi vẫn bình tĩnh để dốc hết tâm sức và trí lực cho vở diễn.
Tôi đã trả lời báo chí thời điểm đầu và tôi không muốn nhắc lại câu chuyện này nữa. Tôi với Hồng Nhung cũng không có khúc mắc gì với nhau trước đó cả. Ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, tôi cũng chỉ là cộng tác viên. Việc gì tốt cho nhà trường mà cần góp ý tôi sẽ góp ý, nhà trường nghe được gì thì nghe.
Còn ngoài đời, tôi rất quý Xuân Bắc, rất quý Hồng Nhung. Tôi không hiểu sao Hồng Nhung lại đưa câu chuyện ra như thế.
Nhưng chính vì sau đó anh không lên tiếng nên mọi người cứ nghĩ anh với NSƯT Xuân Bắc có mâu thuẫn ngầm?
Mối quan hệ giữa tôi với Xuân Bắc vẫn rất tốt đẹp. Chúng tôi gặp nhau mỗi ngày ở nhà hát và không hề có bất kỳ mâu thuẫn gì cả. Mọi người cũng không nên nhạy cảm quá, nghĩ quá sâu xa khiến cho mọi thứ trở nên bị nhiễu loạn.
Với tư cách Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, anh có trăn trở gì không khi ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ về hưu trong 10 ngày nữa?
Không, tôi không lo lắng gì đâu vì Nhà hát Kịch Việt Nam đã có tầm vóc 65 năm, đã có bề dày, có truyền thống.. Có thể, có lúc này - lúc kia, lúc khó khăn, lúc thuận lợi… nhưng trên tất cả vẫn là một đơn vị vững mạnh. Hơn thế nữa, Nhà hát này là của Nhà nước, của Bộ VHTT&DL nên tôi tin Bộ sẽ có phương án nhân sự đúng đắn, phù hợp.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn