Chăm sóc vợ bị suy giảm trí nhớ và làm việc thiện
Sau nhiều năm định cư ở nước ngoài, ông có ý định sẽ trở về Việt Nam sống những ngày tháng tuổi già?
Cuộc sống của tôi bên đó đã ổn định rồi, gia đình, con cháu… cũng đều đang có cuộc sống ổn bên đó nên không thể bỏ tất cả để về lại đây được. Với lại, bà nhà tôi đang bệnh nên tôi cũng phải có trách nhiệm lo cho bà ấy.
Thực ra, đối với tôi, quê hương là công việc của tôi. Công việc của tôi bây giờ không phải chỉ ở Mỹ hay Việt Nam mà trải rộng khắp 10 nước. Con người của tôi bây giờ là con người của chung.
Ông dành nhiều thời gian để lo việc chung vậy thời gian dành cho gia đình như thế nào?
Tôi cũng phải cân bằng giữa việc chung và việc riêng. Cái mà bà nhà tôi cần nhất là sự hiện diện của tôi ở nhà để nhắc nhở bà ấy ăn đúng bữa, uống thuốc đúng liều… Nhưng khi tôi đi làm việc chung thì có các con cháu. Tôi đi làm từ thiện ở nhiều nơi không phải để tìm kiếm niềm vui cho riêng mình mà để dồn phước cho bà ấy cùng gia đình.
Vậy ở bên đó, ông bà sống cùng con cháu?
Vợ chồng chúng tôi có tất cả là 4 người con. Các con không ai theo nghiệp sáng tác âm nhạc của tôi cả. Trong 4 người con đó, có 2 người ở khá xa nhưng 2 người ở gần bố mẹ. Có một cô con gái cùng các cháu ngoại sống chung với chúng tôi.
Mỗi khi tôi đi xa, con gái cùng các cháu lại thay tôi chăm sóc bà nhà tôi vì bà ấy mắc bệnh mất trí nhớ nhiều năm nay.
Bà ấy không thể tự chủ động làm mọi việc được như trước đây mà toàn phải nhờ sự hỗ trợ của tôi cùng các con. Hoặc nhiều khi đang nói chuyện thế này lại hỏi lại. Tôi nghĩ rồi sẽ một ngày bà ấy sẽ không nhận ra được ai với ai nữa hết.
Luôn chào tạm biệt vợ trước khi đi ngủ vì sợ không dậy nữa!
Năm 2017, ông có nói đêm nhạc ở Hà Nội sẽ là đêm nhạc cuối cùng nhưng năm 2019 ông lại vẫn trở lại với Hà Nội?
Đúng rồi, vì thời điểm đó tôi thấy mình cũng đã lớn tuổi, bà nhà tôi lại bị bệnh nên tôi nghĩ sẽ khó lòng đi xa được. Nhưng mà tình trạng bà nhà tôi cũng đã đỡ hơn và tôi đi làm việc thiện để tích phước cho bà ấy. Bình thường tôi cũng rất sợ phải đi xa nhiều vì tuổi già đi nhiều dễ bị đột quỵ lắm.
Tuy nhiên, bác sĩ bảo những ai sống qua 80 tuổi mà không bị bệnh gì là sẽ sống thọ lắm. Nhờ thế mà tôi không sợ gì nữa, luôn sống trọn vẹn với từng phút giây vì tôi năm nay cũng đã gần 80 tuổi. Nếu bây giờ bề trên có gọi đi lúc nào tôi cũng không hối hận gì hết.
Tôi cũng đã chào tạm biệt bà nhà tôi từ năm 2017 rồi. Trước khi đi ngủ, tôi thường nói với bà ấy: “Chào tạm biệt em nhé, nếu tối nay anh ngủ dậy mà mai không dậy coi như mình chào tạm biệt nhau luôn nhé!”. Thỉnh thoảng vui vui tôi hỏi bà nhà tôi: “Nếu mai anh đi xa rồi, ai sẽ lo cho em?”, bà ấy bảo “Không sao, anh mà đi thì em lại tự lo cho em”.
Phải chăng, để có được sức khoẻ và độ dẻo dai như bây giờ là vì thời trẻ ông sống rất điều độ?
Không có đâu, thời trẻ tôi cũng sống hoang đàng lắm. Cả 4 thứ “tứ đổ tường” tôi đều từng kinh qua hết. Tuổi trẻ mà, ai mà lọt được. Sau này tôi có hút thuốc nhưng khi sang Mỹ tôi bỏ hết.
Bà nhà tôi được cái cũng không bao giờ ghen tuông với chồng về chuyện bên ngoài. Thỉnh thoảng tôi nói đùa với bà ấy: “Bây giờ em chỉ cần gật đầu là mấy bà tới phục vụ em”, bà ấy bảo: “Thì anh cứ bảo các bà ấy về đây” (cười).
Người ta bảo, phải người có nhiều ẩn ức và biến cố trong tình yêu lắm mới sáng tác được nhiều bản nhạc tình nồng nàn đến thế. Những bản nhạc tình của ông xuất phát từ cảm hứng nào?
Tôi viết 101 tình khúc không có nghĩa là yêu 101 cô và cũng không phải chỉ có 1 cô. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ có lỗi với bà xã hay bất kỳ người phụ nữ nào.
Từ khi lập gia đình, tôi không bao giờ qua lại với người phụ nữ khác, chỉ có hình bóng trước hôn nhân thôi. Chuyện tình yêu vì thế là chuyện của ngày xưa, còn những sáng tác bây giờ chủ yếu là từ thơ của người khác. Mỗi khi đọc thơ ai đó viết mà tôi cảm thấy hay lại viết thành nhạc.
Thực ra, ở tuổi này rồi, không phải cứ có cảm xúc thực tế mới ra nhạc được. Tôi có một kinh nghiệm đó là cầm cây đàn gảy mà ra được nét nhạc là phát triển thành một giai điệu. Sau đó, tôi đưa giai điệu đó cho người ta viết lời. Bây giờ cái khó để viết nhạc đó là phần lời. Chỉ khi nào có ý tưởng gì mới lạ lắm tôi mới viết lời, còn không tôi để cho người khác.
Trong số các bản nhạc tình tôi đã viết, chỉ có mỗi ca khúc “Đời đá vàng” với câu “Có một thời mất mát, thương người đơn độc” là viết cho bà nhà tôi. Tức là trước khi tôi gặp bà ấy, bà ấy có mười mấy năm sống đơn độc.
Bà nhà tôi cũng là người thẩm âm rất tốt vì thế bà ấy luôn là người đầu tiên được nghe ca khúc tôi viết ra và quyết định số phận của chúng. Bà ấy nói được là được, còn nếu nói không được thì tôi sẽ bỏ. Bà ấy có một đôi tai thẩm âm rất tuyệt và tôi tin vào điều ấy.
Từng có không biết bao nhiêu bóng hồng vây quanh cuộc đời. Vậy điểm gì ở người vợ của mình khiến ông muốn gắn kết cuộc đời?
Bà ấy là một người rất hiền lành, không bao giờ ghen tuông với những chuyện riêng của tôi. Đó là điều khiến tôi thương bà ấy. Với những người cũ thỉnh thoảng tôi vẫn gặp và đều xem nhau như những người bạn thân.
Nhiều người khi gặp vẫn hỏi tôi, vì sao tôi thường nhắc đến mối tình đầu là bởi mối tình đó đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc trong âm nhạc. Giai nhân ấy là một người học cùng trường và hơn tôi vài tuổi. Cô ấy học giỏi lắm và giỏi hơn tôi rất nhiều.
Đó là người phụ nữ mà tôi rất ngưỡng mộ. Tình yêu thời ấy trong sáng lắm. Chúng tôi chỉ gặp nhau ở trường và ở thư viện thôi chứ chuyện đi xem phim hay nghe nhạc cũng gần như không có. Mối tình khiến tôi nhớ nhiều nhất và cũng ám ảnh nhất. Người phụ nữ ấy cũng chính là hình tượng trong nhiều bài hát của tôi.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn